.

Chung tay chống bão tài chính

.

Trước đe dọa lan rộng của cuộc khủng hoảng tài chính, trong tuần qua, tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 7 (ASEM-7) tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), các nước Á, Âu đã nhất trí phối hợp hành động nhằm ứng phó và tiến tới giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
 

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tiếp đón Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 7.

Tuyên bố chung nêu rõ, các nhà lãnh đạo tham dự ASEM-7 đã đi sâu thảo luận về tình hình kinh tế tài chính quốc tế hiện nay cũng như xu thế phát triển của nó, bày tỏ sự quan tâm đến những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những thách thức nghiêm trọng đối với sự ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế của các quốc gia châu Á, châu Âu.

Sở dĩ các nước châu Á hối hả phòng chống bão tài chính là do họ đã từng gánh chịu hậu quả nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất diễn ra vào năm 1997-1998. Hơn nữa, vốn là các nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương trước biến động lớn toàn cầu nên các nước khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung, hơn ai hết phải khẩn trương phòng chống bão tài chính để phòng ngừa một sự sụp đổ. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố, trước bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, vận mệnh của hai lục địa Á-Âu ngày càng gắn bó mật thiết với tương lai của cả thế giới. Á-Âu hợp tác là sự chọn lựa tốt nhất của cả hai bên.

Theo ông Hồ Cẩm Đào, châu Á và châu Âu hiện đang trải qua giai đoạn thay đổi và điều chỉnh sâu sắc. Tình hình chính trị châu Á nhìn chung ổn định, cơ chế hợp tác khu vực, tiểu khu vực đua nhau phát triển, trở thành một trong những vùng có sức phát triển nhất trên thế giới. Trong khi đó, châu Âu đã đạt được bước tiến lớn trong việc thống nhất, hợp tác đối ngoại ngày càng được mở rộng, vai trò trong các vấn đề quốc tế không ngừng được nâng lên.

Tuy nhiên, hòa bình và phát triển của hai lục địa đang phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức: Xung đột cục bộ và các điểm nóng không ngừng nổi lên, những mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen lẫn nhau. “Đặc biệt, chúng ta đang trải qua giai đoạn mà sự phát triển kinh tế toàn cầu phải đối diện với nhiều thách thức nghiêm trọng từ khủng hoảng tài chính quốc tế, vấn đề an ninh năng lượng, lương thực, lạm phát tăng cao”, ông Hồ Cẩm Đào cho biết.

Không phải là ngoại lệ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, song châu Á đang được xem là một trong những khu vực đối phó khả quan nhất. Hứng chịu những sóng gió chung của cuộc khủng hoảng thế giới nhưng phần lớn hệ thống ngân hàng-tài chính châu Á vẫn tỏ ra khá vững vàng, chưa có “đại gia” ngân hàng nào bị gục ngã.
 
Từ những bài học vô cùng đắt giá của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế năm 1997-1998, châu Á đã giám sát, kiểm soát chặt hơn luồng vốn di chuyển và hệ thống ngân hàng-tài chính. Đồng thời, nhiều nền kinh tế châu Á cũng đã tích góp được một lượng dự trữ ngoại tệ lớn để phòng ngừa khả năng xảy ra rủi ro tài chính. Hội nghị cấp cao ASEM-7 là cơ hội lớn để các nhà lãnh đạo của 43 nền kinh tế hai châu lục trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm tiếng nói chung và đặc biệt là sự hợp tác để ngăn chặn cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trong tuyên bố chung nêu rõ, chính phủ các nước nên áp dụng những biện pháp hữu hiệu, kiên định, quyết đoán, và kịp thời để ứng phó với những thách thức từ cuộc khủng hoảng hiện nay. Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Á-Âu tin tưởng rằng, việc nỗ lực cùng nhau sẽ khắc phục được tình trạng bất ổn.

Theo tuyên bố, Hội nghị Á-Âu hoan nghênh các quốc gia, tổ chức có liên quan thực hiện các biện pháp hữu hiệu để  bảo đảm vận hành thuận lợi hệ thống kinh tế tài chính, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục tăng cường hợp tác, vận dụng tổng hợp các phương pháp ứng phó, khôi phục niềm tin đối với thị trường nhằm ổn định thị trường tiền tệ toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.
 
Tuyên bố đề nghị, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cần thể hiện vai trò then chốt trong việc giúp đỡ các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng. Lãnh đạo các quốc gia, tổ chức tham dự Hội nghị ASEM-7 cho rằng, muốn giải quyết được cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, cần phải xử lý tốt mối quan hệ giữa đổi mới và chỉnh đốn tài chính, duy trì chính sách kinh tế vĩ mô ổn định. Việc tăng cường giám sát và chỉnh đốn các tổ chức tài chính, nhất là trách nhiệm giải trình của các yếu tố này là điều hết sức cần thiết.

Tuyên bố chung kêu gọi, tất cả các quốc gia nên thực hiện các chính sách chỉnh đốn tài chính tiền tệ ổn định, có trách nhiệm, tăng cường các biện pháp giám sát minh bạch, rõ ràng, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế xử lý khủng hoảng, bảo đảm sự phát triển ổn định nền kinh tế tài chính của nước mình.

Các nước châu Âu và châu Á cũng ủng hộ dự định triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh toàn cầu vào ngày 15-11 tới tại thủ đô Washington, Mỹ để thảo luận về các biện pháp ứng phó với khủng hoảng hiện tại, các nguyên tắc cải cách hệ thống tài chính quốc tế cũng như việc duy trì sự ổn định và phát triển lâu dài của nền kinh tế thế giới.

Các nhà lãnh đạo đồng ý tận dụng đầy đủ các cơ chế hợp tác khu vực như hội nghị thượng đỉnh Á-Âu để trao đổi thông tin, giao lưu chính sách và hợp tác chặt chẽ trong việc giám sát quản lý vấn đề tài chính; ngăn chặn và ứng phó hiệu quả đối với những rủi ro; đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế liên tục và bền vững. 
                                     
BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.