.

Con nuôi “kiểu Hàn”

.

Vợ chồng Cho Joong-bae và Kim In-soon chẳng may bị vô sinh. Sáu năm về trước họ nhận con nuôi nhưng ông Cho phải nói với bố mẹ rằng đứa bé là con đẻ. Ông hy vọng “Cha mẹ tôi qua đời với niềm tin rằng họ đã có đứa cháu nội ruột thịt nối dõi tông đường”. Giờ đây, ông Cho và bà Kim không còn phải giấu diếm như vậy, vì xã hội đang thay đổi.

Gia đình ông Cho Joong-bae và Kim In-soon với hai đứa con: con gái ruột và con trai là con nuôi.

Cũng như Việt Nam, xã hội Hàn Quốc coi trọng quan hệ huyết thống, gia đình nào cũng ra sức giữ gìn gia phả, việc nhận con nuôi là chuyện bất đắc dĩ và con nuôi thường bị phân biệt đối xử, không được coi ngang với con ruột. Những trẻ em Hàn Quốc chẳng may mồ côi cha mẹ, hoặc bị bỏ rơi, thường trở thành con nuôi của những cặp vợ chồng nước ngoài vì người trong nước ít muốn nhận nuôi những đứa trẻ không cùng dòng máu. Số liệu cho thấy, từ khi Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu thống kê hoạt động cho và nhận con nuôi năm 1958 đến nay, đã có 230.635 trẻ em được nhận làm con nuôi, 30% trong số đó được người Hàn nhận và 70% đã tìm được mái ấm gia đình ở nước ngoài. Hai phần ba số trường hợp người nước ngoài nhận con nuôi Hàn Quốc là người Mỹ. Trong hai thập niên đầu tiên, phần lớn trẻ em được cho làm con nuôi là trẻ mồ côi, cha mẹ đã chết trong cuộc chiến tranh Triều Tiên; trong ba thập niên kế tiếp, phần lớn các em được sinh ra từ những bà mẹ không có chồng. Người Hàn Quốc nhận con nuôi thường có xu hướng giấu diếm nguồn gốc thực của các em với mọi người chung quanh và cả với các em nữa.

***

Giờ đây, người Hàn Quốc đang muốn thay đổi tình trạng này. Năm ngoái, lần đầu tiên số trẻ em được người Hàn nhận nuôi là 1.388 em, nhiều hơn số trẻ 1.264 em được đưa ra nước ngoài. Chính phủ Hàn Quốc đặt ra mục tiêu đến năm 2012 sẽ xóa bỏ hoàn toàn tình trạng trẻ em làm con nuôi của người nước ngoài – một hiện tượng mà các quan chức gọi là một “nỗi nhục nhã mang tầm vóc quốc gia”. Ông Kim Dong-won, quan chức phụ trách vấn đề con nuôi của Bộ Y tế Hàn Quốc nói: “Hàn Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới và đã gần như là một nước phát triển cho nên chúng tôi muốn từ bỏ nỗi nhục nhã là một nước xuất khẩu trẻ em”.

Để khuyến khích các gia đình trong nước nhận con nuôi, từ năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc có chính sách trợ cấp cho mỗi trẻ em là con nuôi mỗi tháng một số tiền tương đương với 90 đô la Mỹ và nhiều ưu đãi về chăm sóc y tế cho đến khi các em tròn 12 tuổi; trẻ em bị khuyết tật còn được hưởng nhiều ưu đãi hơn. Đồng thời, Chính phủ nới lỏng các quy định ràng buộc đối với các gia đình Hàn Quốc muốn nhận con nuôi và siết chặt quy định với người nước ngoài. Trước đây, khoảng cách tuổi tác giữa cha mẹ nuôi người Hàn Quốc với con nuôi là không quá 50 tuổi, nay tăng lên 60 tuổi, người độc thân đã trưởng thành cũng có thể nhận con nuôi chứ không nhất thiết phải có đủ vợ chồng. Đối với người nước ngoài, muốn nhận con nuôi phải chờ ít nhất 5 tháng mới được xem xét và chi phí phải thanh toán cho cơ sở nuôi trẻ cũng tăng lên nhiều. Chính quyền còn cho làm nhiều bộ phim trên truyền hình, miêu tả những gia đình hạnh phúc, hòa thuận giữa con ruột với con nuôi, có sự tham gia của những diễn viên, tài tử nổi tiếng…

***

Những đứa trẻ không cha mẹ đang chờ được nhận làm con nuôi tại một trại trẻ mồ côi ở Hàn Quốc.

Chủ trương của Chính phủ Hàn Quốc được báo chí quan tâm sâu sắc và tán thành. Nhưng các tổ chức con nuôi và nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách này không quan tâm tới quyền lợi chính đáng của trẻ em mà chỉ nhằm giữ thể diện cho đất nước. Việc nới lỏng điều kiện tuổi tác và cho phép người độc thân nhận con nuôi có thể gây phương hại cho trẻ em. Tổ chức Holt International – một tổ chức chuyên về con nuôi của Mỹ hoạt động ở Hàn Quốc từ rất lâu – hoan nghênh chính sách của Chính phủ trợ cấp tài chính cho những gia đình nhận con nuôi, nhưng nói rằng việc gây thêm khó khăn cho những người ngoại quốc muốn nhận con nuôi sẽ gây tác động xấu, ít nhất là đối với những trẻ em mà người Hàn Quốc không muốn nhận về gia đình mình như trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi đã lớn tuổi và trẻ em trai. Năm ngoái, có 540 trẻ em khuyết tật được nhận làm con nuôi, song chỉ có 40 em có người nuôi là người Hàn Quốc, trong khi 500 em được người nước ngoài tiếp nhận. Tuy vậy, theo ông Kim của Bộ Y tế, Chính phủ Hàn Quốc tin rằng, trẻ em sẽ hạnh phúc hơn nếu được nhận nuôi vào các gia đình Hàn Quốc có cùng ngôn ngữ, tập tục và văn hóa.

Chỉ còn 4 năm nữa là tới hạn kết thúc hoạt động “xuất khẩu trẻ em”, song dường như xã hội Hàn Quốc vẫn chưa thoải mái với việc nhận nuôi những đứa trẻ không cùng dòng máu, chưa xóa được những thành kiến phân biệt con nuôi-con ruột đã bắt rễ sâu trong tâm lý dân tộc.

THÁI BÌNH (Theo New York Times) 

;
.
.
.
.
.