(ĐNĐT) - Bộ trưởng Tài chính của các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới (G7) đã cam kết sẽ cùng nhau hợp tác nhằm ổn định thị trường tài chính toàn cầu, tuy nhiên họ đã không đưa ra những kế hoạch cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng tín dụng đang ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thế giới, trong cuộc họp ngày 11-10.
Các Bộ trưởng Tài chính và các Thống đốc Ngân hàng trung ương thuộc G7 tại cuộc họp. Ảnh: AP |
Kế hoạch hành động sẽ bao gồm:
- Có những hành động dứt khoát và tận dụng mọi công cụ có thể để ngăn chặn sự phá sản của các tổ chức tín dụng “chủ chốt”.
- Có các biện pháp để giải băng thị trường tín dụng tiền tệ và đảm bảo các ngân hàng và tổ chức khác có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn và có khả năng thanh khoản.
- Đảm bảo các ngân hàng và các cơ sở tài chính trung gian chủ chốt khác có thể nâng vốn huy động từ các khu vực công lẫn tư nhân đủ để có thể khôi phục lại sự tự tin và tiến hành cho các cá nhân và doanh nghiệp vay vốn.
- Đảm bảo các chương trình bảo hiểm tiền gửi của mỗi quốc gia đủ mạnh và vững chắc nhằm đảm bảo các khoản tiền gửi của người gửi tiền được an toàn
- Có các hành động để tái khởi động các thị trường thứ cấp của các khoản cầm cố thế chấp và tài sản ủy quyền khác.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu bản kế hoạch hành động dài chỉ một trang giấy này sẽ đủ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng hay không, khi các nhà đầu tư cứ phải đứng nhìn hàng nghìn tỉ USD "bốc hơi". Riêng Phố Wall đã mất khoảng 2,4 nghìn tỉ USD trong tuần này.
Các chuyên gia nhận định, bản tuyên bố đã không nêu ra các hành động cụ thể sẽ được G7 thực hiện, và đó lại chính là những gì mà các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư quan tâm. Các Bộ trưởng Tài chính phải công bố những biện pháp cụ thể vào cuối tuần này nếu muốn xoa dịu các thị trường đang chao đảo.
Một nhóm lớn hơn bao gồm 20 quốc gia, trong đó có các cường quốc hùng mạnh nhất và các nước đang phát triển lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ, sẽ có cuộc họp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Paulson vào tối 11-10. Bên cạnh đó, câu hỏi các quốc gia có thể giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng bằng cách nào cũng sẽ là nội dung thảo luận chính trong cuộc họp có sự tham gia của 185 quốc gia sẽ diễn ra vào cuối tuần này của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Quỳnh Đan (Theo CNNMoney, AP)