.

Kinh tế Anh “đã rơi vào suy thoái”, EU thảo luận về khủng hoảng kinh tế

.

(ĐNĐT) - Một tổ chức kinh tế của Anh vừa đưa ra lời cảnh báo rằng nước này đã rơi vào tình trạng suy thoái, với tình hình đang diễn biễn xấu đi và thậm chí sẽ phải chứng kiến con số thất nghiệp tăng thêm 350.000 người vào năm tới.

Các nhà phân tích cho rằng tình trạng hỗn độn ở châu Âu đã lấn át cả sự giải vây gói cứu trợ tài chính Mỹ. Ảnh: AFP  

Theo một khảo sát hàng quý ở 5.000 doanh nghiệp do Phòng Thương mại Anh (BCC) thực hiện, thì lòng tin đã sụp đổ ở cả hai ngành: sản xuất và dịch vụ. Các doanh nghiệp thuộc hai ngành này đã kêu gọi các biện pháp giải quyết cấp bách từ phía chính phủ và ngân hàng trung ương Bank of England.

Xét về mặt từ ngữ thì kinh tế Anh chưa hẳn đã rơi vào suy thoái - nghĩa là tăng trưởng kinh tế âm trong hai quý liên tiếp. Tuy nhiên, BCC cho rằng các kết quả khảo sát là “tồi tệ một cách khác thường”, rằng nền kinh tế đang tiếp tục chịu một áp lực to lớn trong quý 2, và sự suy thoái kinh tế đã bắt đầu. Theo BCC, số người thất nghiệp sẽ tăng thêm từ 300.000 đến 350.000 trong 1 đến 2 năm tới, và nghĩa là tổng số người thất nghiệp sẽ hơn 2 triệu người.

Trong khi đó, các Bộ trưởng Tài chính của Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp khẩn cấp ở Luxembourg để thảo luận về tình hình tài chính thế giới. Các bộ trưởng từ 27 nước thành viên hy vọng sẽ hỗ trợ được các thị trường tiền tệ sau một ngày kinh hoàng khi chứng kiến các chỉ số cổ phiếu sụt điểm mạnh ở Đức, Pháp, và Anh. Trước đó, các lãnh đạo EU đã đưa ra tuyên bố chung cho biết sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ hệ thống ngân hàng của châu Âu và cả những người gửi tiền.

Từ cuối tuần qua, Ireland, Đức, Hy lạp, Áo, và Đan Mạch đã lần lượt tuyên bố rằng số tiền tại các ngân hàng đang gặp rắc rối sẽ được an toàn. Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker nói rằng sẽ không một tổ chức tài chính chủ chốt nào được phép sụp đổ. Tuy vậy, sự phản hồi đứt quãng của châu Âu trước cuộc khủng hoảng cho đến giờ vẫn khó có thể khiến các nhà đầu tư yên tâm. Các ngân hàng trung ương ở châu Âu đã cho các ngân hàng vay ngắn hạn hơn 74 tỷ USD để đảm bảo nguồn tiền mặt ở các ngân hàng này.

Cuộc khủng hoảng tài chính cũng sẽ được đưa ra “mổ xẻ” tại cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế  (IMF) ở Washington vào tuần tới. Các nhà phân tích của IMF cho biết nền kinh tế toàn cầu đang bị “vùi dập” bởi giá hàng hóa cao, giá địa ốc tụt dốc, và khủng hoảng tài chính ngày một lan rộng. Các nhà kinh tế học của tổ chức này đã khuyến cáo về nguy cơ của sự suy sụp kinh tế trầm trọng và kéo dài.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á hôm nay (7-10) “buồn vui lẫn lộn” sau khi Ngân hàng Trung ương Australia cắt giảm mức lãi suất của trong một động thái nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng tín dụng đang làm các thị trường toàn cầu khốn đốn.

Với lý do “tình trạng bất ổn đang dâng cao” ở các thị trường, Ngân hàng Dự trữ Australia đã gây bất ngờ cho các thị trường khi giảm hẳn 1 điểm phần trăm mức lãi suất chính thức của mình - từ 7% xuống còn 6%. Các thị trường khác xem ra cũng phản ứng tích cực trước bước đi táo bạo của Australia. Các chỉ số chính ở Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan đều tăng lên, tạm ngừng được sự bán tống bán tháo cổ phiếu trên thị trường toàn cầu vào hôm qua (6-10).

Không giống như Australia, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Bank of Japan (BOJ) tuyên bố vẫn giữ mức lãi suất không đổi ở 0,5%. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều suy đoán rằng BOJ sẽ sớm hợp tác với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và ngân hàng Trung ương châu Âu. Một số nhà phân tích cho rằng sẽ ít có khả năng Nhật Bản giảm lãi suất chính thức vì vốn nó đã rất thấp rồi. Đầu ngày hôm nay, BOJ lại bơm thêm 1.000 tỷ yên (9,9 tỷ USD) vào các thị trường tài chính trong ngày thứ 15 liên tiếp nhằm giữ hoạt động cho vay ở các ngân hàng được thuận lợi hơn.


Nhật Lê (Theo BBC, AP)

;
.
.
.
.
.