.
MỸ TẤN CÔNG VÀO SYRIA

Liệu đã có một quyết định chính sách ở cấp độ cao?

.

Cuộc tấn công quân sự bất ngờ đầu tiên của Mỹ từ Iraq vào Syria đang đặt ra một câu hỏi là tại sao quân đội Mỹ lại hành động như vậy giữa lúc chính quyền Bush sắp mãn nhiệm và đúng thời điểm nhiều đồng minh châu Âu của Mỹ, chẳng hạn Anh và Pháp, đang cố gắng mở rộng quan hệ với Damascus.

Nhưng bất luận yếu tố nào liên quan tới chiến dịch này của Mỹ, vẫn rất khó có thể tưởng tượng được rằng một vụ tấn công nhằm vào Syria lại không cần đến một quyết định chính sách ở cấp độ cao.

Syria cáo buộc Mỹ đã tấn công vào trang trại Sukkariyeh gần thị trấn Abu Kamal, làm 8 dân thường thiệt mạng.

Tối 26-10, các máy bay quân sự của Mỹ đã mở một cuộc tấn công hiếm hoi vào vùng lãnh thổ Syria giáp với biên giới Iraq, làm 8 dân thường thiệt mạng. Chính quyền Damascus gọi đây là một hành động gây hấn nghiêm trọng. Một quan chức quân đội Mỹ cho biết, cuộc oanh kích của lực lượng đặc nhiệm nhắm vào mạng lưới các tay súng ngoại quốc liên quan tới al-Qaeda đang thâm nhập từ Syria vào Iraq. Người Mỹ không thể tiêu diệt được mạng lưới này trong khu vực vì Syria nằm ngoài tầm với của quân đội.

Sự việc diễn ra chỉ vài ngày sau khi tư lệnh các lực lượng Mỹ ở miền tây Iraq tuyên bố, lính Mỹ đang tăng cường các nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh ở biên giới Syria, địa điểm mà ông gọi là một cửa ngõ “không giới hạn” cho các tay súng vào Iraq.
 
Trong một thông báo, Chính phủ Syria khẳng định, các máy bay Mỹ đã tấn công trang trại Sukkariyeh gần thị trấn Abu Kamal, sâu trong lãnh thổ Syria 8km. Bốn máy bay đã oanh kích một tòa nhà dân sự đang xây dở ngay trước lúc mặt trời lặn và bắn vào các công nhân ở bên trong. Damascus tuyên bố, những người thiệt mạng là dân thường, trong đó có 4 trẻ em. Một cư dân ở ngôi làng Hwijeh liền kề tiết lộ, một số máy bay trực thăng đã hạ cánh và lính tráng ra khỏi máy bay rồi bắn vào một tòa nhà. Nhân chứng này nói rằng, máy bay bay dọc theo sông Euphrates vào khu vực trang trại và một số nhà máy gạch.

Bộ Ngoại giao Syria đã triệu tập các đại diện lâm thời của Mỹ và Iraq tới để phản đối. Chính quyền Damascus đưa ra thông báo: “Syria lên án sự hiếu chiến và buộc quân đội Mỹ phải chịu trách nhiệm cho hành động này cùng những hậu quả của nó. Syria cũng tuyên bố Chính phủ Iraq phải nhận trách nhiệm và mở một cuộc điều tra ngay lập tức về sự vi phạm nghiêm trọng này, ngăn chặn việc sử dụng lãnh thổ Iraq để xâm lược Syria”.
 
Khu vực bị oanh kích nằm gần thành phố Qaim ở biên giới Iraq. Đây được cho là một điểm trung chuyển chính của các tay súng, vũ khí và tiến vào Iraq nhằm tiếp tế cho phong trào nổi dậy. Sự thâm nhập của các tay súng nổi dậy và chiến binh nước ngoài từ Syria vào Iraq từ lâu đã là tâm điểm của mối bất hòa giữa Damascus và Washington. Mỹ khăng khăng cho rằng, người Syria không hành động đủ mạnh để kiểm soát biên giới. Còn Syria cho rằng, họ bị đổ tội oan uổng cho những hỗn loạn bên trong Iraq. Nhưng không chỉ về Iraq, Washington còn xem Syria chẳng giúp ích gì cho các vấn đề ở Libăng trong khi nước này quá thân thiết với Iran.

Mặc dầu vẫn có những cuộc tiếp xúc ở cấp cao giữa hai Chính phủ - Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice gặp Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vài tuần trước - hai bên vẫn chưa thể làm ấm mối quan hệ song phương băng giá. Không chỉ vậy, Washington còn tỏ ra thờ ơ trước các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Syria. Tất cả những thái độ như trên của Mỹ hoàn toàn tương phản với nỗ lực của EU trong việc bình thường hóa quan hệ với Syria. Với sự tiên phong của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, một số nước châu Âu đã bắt đầu tiếp xúc với đất nước này.

Chính quyền Bush tuyên bố sẽ giữ vững lập trường cứng rắn trong chính sách không đối thoại với Syria, cho tới chừng nào Damascus quyết định đảm nhận một vai trò “tích cực” hơn nữa trong khu vực. Và khi chỉ còn một thời gian nữa là chính quyền Bush kết thúc nhiệm kỳ, cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Mỹ vào Syria có thể biểu trưng cho cái giống như phát đạn cuối cùng nhằm vào người Syria. Rõ ràng, nếu ứng viên Barack Obama đánh bại được đối thủ John McCain trong cuộc đua vào Nhà Trắng ngày 4-11, các cố vấn chủ chốt của ông nằm trong số những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho chủ trương nối lại quan hệ với Syria trên nhiều lĩnh vực. 

GIA HUY (Tổng hợp) 

;
.
.
.
.
.