.

Nền kinh tế Mỹ liệu có xoay chuyển?

.

Sau một thời gian tranh luận gay gắt giữa các nghị sĩ trong Quốc hội, cuối cùng Kế hoạch giải cứu thị trường tài chính Mỹ trị giá 700 tỷ USD cũng được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ phiếu thuận 263/171. Kế hoạch này nhằm mua lại những khoản nợ xấu của các ngân hàng đang thua lỗ trên thị trường tài chính phố Wall.

Tổng thống Bush ký ban hành đạo luật giải cứu tài chính trị giá 700 tỷ USD.

Mặc dầu Tổng thống Bush khẳng định, kế hoạch này là một sự chọn lựa đúng nhưng ông cũng tuyên bố với nhân dân Mỹ rằng tình trạng khủng hoảng tài chính hiện nay cần có thời gian để đạo luật cứu nguy tài chính vừa mới được thông qua được thực thi và mang lại hiệu quả. Và câu hỏi đặt ra cho không ít người quan tâm là liệu việc thông qua kế hoạch này sẽ cứu nguy cho nền kinh tế Mỹ đến đâu? Các nhà phân tích cho rằng, kế hoạch này không phải là chìa khóa vạn năng. Nó có thể trợ giúp cho ngành xây dựng và ngân hàng nhưng khó giải quyết xong những trông đợi của thị trường bất động sản trong một sớm một chiều.

Dù được thông qua với tỷ lệ phiếu cao, song còn nhiều yếu tố thách thức đang chờ đợi nước Mỹ ở phía trước. Bản thân sự thay đổi nhanh chóng về quan điểm của Hạ viện cũng như nỗ lực “vội vã” sửa đổi các điều khoản trong dự luật này là một ví dụ. Cần nhắc lại rằng, chỉ trong 4 ngày, dự luật này đã được thay đổi các điều khoản chính để né tránh sức ép của công luận.
 
Vì thế, chưa hẳn các yếu tố trong luật “giải cứu thị trường tài chính Mỹ” đã bảo đảm tính chắc chắn và giải quyết tận gốc rễ các vấn đề còn tồn đọng đe dọa gây bất ổn cho nền kinh tế Mỹ. Theo giới phân tích, nền kinh tế Mỹ cần phải có một kho vốn dự trữ khổng lồ để có thể tiến hành những cải cách về chính sách thuế, năng lượng, y tế, gây dựng lại cơ sở hạ tầng, điều chỉnh các quy định tài khóa trên diện rộng, và thay đổi các động cơ của việc tiết kiệm.

Đa số các nhà phân tích đều cho rằng, giá bất động sản ở Mỹ tuy đã giảm tới 20% kể từ tháng 7-2006, song chưa thấy đáy. Theo họ, giá bất động sản phải chạm đáy thì lượng cầu mới tăng lên, và e rằng tình hình này sẽ còn kéo dài thêm 1 năm nữa. Viễn cảnh nền kinh tế Mỹ cũng khó có thể thay đổi tốt hơn sau khi kế hoạch giải cứu đã được thông qua. Theo báo cáo ngày 2-10 của Bộ Lao động Mỹ, số người bị mất việc làm trong tháng 9-2008 lên tới 159.000 người, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn đứng ở mức 6,1%. Trong số những người mất việc làm trong tháng này, có khoảng 35.000 người thuộc ngành xây dựng.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp xây dựng quốc gia Mỹ Jerry Howard  cho rằng, Quốc hội cần đưa ra thêm những giải pháp khác nữa. Ông nói, kế hoạch giải cứu “không giải quyết toàn diện vấn đề căn bản về giá nhà đất, Quốc hội cần xem xét làm thế nào để giá nhà đất ngừng sụt giảm”. Do tình hình tín dụng thu hẹp tiếp tục tồn tại, ngành xây dựng và các tổ chức tín dụng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Giáo sư Leuze thuộc Viện Thương mại trường Đại học Chicago nói, kế hoạch giải cứu thị trường chỉ có thể “kéo dài thời gian”, còn bản thân các ngân hàng vẫn phải tập trung tích lũy vốn, để dự phòng vấn đề lâu dài. Cũng theo các nhà phân tích, trừ phi các khoản vay và thị trường bất động sản được giải quyết, còn không thì hệ thống tài chính khó mà khôi phục toàn diện. Theo tờ “Liên hợp Tảo báo” của Singapore, kế hoạch giải cứu sẽ đổ tiền vào thị trường tín dụng, khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Song, đối với những vấn đề như cải thiện tình trạng sụt giảm giá cả bất động sản, chủ sở hữu không đủ khả năng chi trả tiền mua nhà... thì tác động của kế hoạch này lại rất chậm chạp. Giáo sư kinh tế Shain thuộc trường Đại học Case Western Reserve nói: “Ý nghĩa của kế hoạch giải cứu là dự phòng tương lai xảy ra những tình huống xấu, nhưng lại khó xoay chuyển tình hình hiện tại”. Và các nhà phân tích kinh tế tin rằng, tổng thống mới của nước Mỹ sau khi lên nhậm chức, vẫn phải tiếp tục đối mặt với vấn đề làm cách nào để hồi phục thị trường tài chính.

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.