.

Nga, Iran, Qatar xúc tiến thành lập OPEC khí đốt

.

(ĐNĐT) - Hôm qua (21-10), Nga, Iran và Qatar đã thảo luận các kế hoạch hình thành một liên minh quyền lực xuất khẩu khí đốt theo kiểu của Tổ chức các nước xuất khẩu đầu mỏ (OPEC), làm gia tăng quan ngại về việc Nga có thể đẩy mạnh vai trò ảnh hưởng của mình trên thị trường năng lượng trải dài trên các khu vực từ Âu sang Nam Á.

Đại diện Gazprom, Bộ Năng lượng Qatar, Bộ Dầu mỏ Iran trong cuộc họp báo chung tại Tehran, Iran hôm 21-10. Ảnh: AP
Thông tin này được đưa ra sau một cuộc họp giữa Chủ tịch Tập đoàn Gazprom, Alexey Miller, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Abdullah Ben Hamad Al-Attiya và Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Gholam Hossein Nozari.

"Những quyết định quan trọng đã được đưa ra tại cuộc họp này", Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Nozari cho biết. Các bên cũng đã đồng ý sẽ sớm hình thành tổ chức này và dự thảo điều lệ của tổ chức. Bộ trưởng Năng lượng Qatar Abdullah Ben Hamad Al-Attiya cho biết, sẽ cần thêm ít nhất hai cuộc họp nữa để hoàn thành thỏa thuận này. Theo ông Alexei Miller, tổ chức này sẽ nhóm họp 3 hoặc 4 lần mỗi năm.

Các thành viên sáng lập của nhóm này sẽ bao gồm Nga, Iran, Qatar, Venezuela và Algeria. Nếu được hình thành, liên minh này sẽ kiểm soát hơn một nửa lượng dự trữ khí đốt được biết đến của toàn thế giới và mang lại cho các nước này những quyền năng đáng kể.

Liên minh này sẽ ít gây ảnh hưởng trực tiếp đến Mỹ, nước hầu như không nhập khẩu khí tự nhiên từ Nga hoặc các quốc gia khác. Tuy nhiên, Washington và các đồng minh phương Tây vẫn lo lắng rằng việc Nga và Iran thắt chặt hơn nữa quan hệ chiến lược giữa hai nước có thể gây trở ngại đến những nỗ lực nhằm cô lập Iran liên quan đến những tham vọng trong lĩnh vực hạt nhân của nước này. Bên cạnh đó, Mỹ phản đối đề xuất xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ Iran sang Pakistan và Ấn Độ, những nước đồng minh chủ chốt của Mỹ.

Tại châu Âu, nơi mà gần một nửa lượng khí tự nhiên tiêu thụ nhập khẩu từ Nga, bất kỳ liên minh xuất khẩu khí đốt nào do Nga kiểm soát cũng đều tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến các vấn đề nguồn cung và giá cả. 27 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hôm 21-10 đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch hình thành liên minh xuất khẩu này. Người phát ngôn của EU, Ferran Tarradellas Espuny, cho rằng “việc cung năng lượng phải được bán trên thị trường tự do”.

Một liên minh xuất khẩu khí đốt có thể tăng cường phạm vi ảnh hưởng của các nước này trên cả hai lĩnh vực năng lượng và chính trị, đặc biệt nếu giá dầu hồi phục trở lại mức cao như trước đây, việc sử dụng loại khí đốt tự nhiên sạch hơn và các loại nhiên liệu thay thế khác sẽ được cân nhắc trở lại.

Q.Đan (Theo AP, Russia Today)

;
.
.
.
.
.