.

Nga, Iran và Qatar thành lập “Liên minh khí đốt”

.

Nga, Iran và Qatar vừa có động thái quan trọng tiến tới thành lập liên minh hợp tác về khí đốt tự nhiên kiểu OPEC, khiến các nước phương Tây lo ngại rằng, Moscow có thể gây ảnh hưởng đến các thị trường năng lượng trải dài từ châu Âu tới Nam Á.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Gholam Hossein Nozari (giữa) tham gia họp báo chung với các đối tác Nga và Qatar ở Tehran. 

Theo các nhà phân tích, khối liên minh như trên sẽ có ít ảnh hưởng trực tiếp tới Mỹ, do nước này hoàn toàn không nhập khẩu khí tự nhiên từ Nga hay Iran và Qatar. Song Washington và các đồng minh phương Tây lo ngại rằng, mối quan hệ chiến lược ngày càng thân thiết giữa Nga và Iran có thể gây cản trở đến nỗ lực cô lập Tehran vì tham vọng hạt nhân của nước này. Mỹ cũng đang phản đối kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt của Iran tới Pakistan và Ấn Độ, hai đồng minh quan trọng của Mỹ. Còn tại châu Âu, nơi gần một nửa lượng khí tự nhiên nhập khẩu của các nước này là dựa vào Nga. Do đó, bất kỳ liên minh nào do Nga đứng đầu đều tạo ra đe dọa về nguồn cung và giá cả.

Nga từ lâu đã bị cáo buộc dùng năng lượng để gây áp lực đối với các nước láng giềng, đặc biệt là Ukraine. Moscow đã cắt xuất khẩu khí tự nhiên sang nước này do tranh cãi về giá cả vào mùa đông năm 2006. Việc cắt đường ống dẫn khí đốt đối với Ukraine còn gây ảnh hưởng tới các quốc gia châu Âu khác nằm ở phía dưới đường ống. Trước động thái của ba nước Nga, Iran và Qatar, Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước đã kịch liệt phản đối. Người phát ngôn của EU Ferran Tarradellas Espuny cho biết: “Ủy ban châu Âu cho rằng nguồn cung năng lượng phải được bán ra thị trường tự do”.

Theo thống kê của Chính phủ Mỹ, nếu gộp cả ba nước Nga, Qatar và Iran, sẽ chiếm gần 1/3 lượng xuất khẩu khí gas của toàn thế giới. Còn theo Công ty năng lượng Gazprom do Chính phủ Nga quản lý, cả ba nắm giữ khoảng 60% trữ lượng khí gas của thế giới.

Mặc dầu Mỹ, nước tiêu thụ khí gas và dầu lửa lớn nhất thế giới, tự sản xuất được phần lớn khí tự nhiên, và chỉ nhập khẩu của Canada và Mexico, nhưng theo đánh giá của các nhà phân tích, một liên minh kiểu OPEC như trên giữa ba nước Nga, Iran và Qatar có thể củng cố thêm cả vị trí chính trị và năng lượng của các nước này, đặc biệt là khi giá dầu tăng cao trở lại như hồi đầu năm nay. Việc ba nước này nhóm họp tại Tehran hôm 21-10 được xem như là một bước đi quan trọng nhất tiến tới thành lập một khối hợp tác kiểu OPEC kể từ khi lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đưa ra ý tưởng trên vào tháng 1-2007.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Gholam Hossein Nozari tuyên bố: “Các quyết định lớn đã được đưa ra”. Người đồng cấp Qatar của ông, Abdulla Bin Hamad al-Attiya thì nói rằng, cần thêm ít nhất 2 cuộc họp nữa để hoàn tất hiệp ước thành lập. Tuy nhiên, ông không tiết lộ khung thời gian cho vấn đề này. Trong khi đó, Giám đốc Gazprom Alexei Miller cho biết, họ sẽ nhóm họp 3 hoặc 4 lần trong một năm.
 
“Chúng tôi đang củng cố các trữ lượng khí tự nhiên lớn nhất thế giới, những lợi ích chiến lược chung và điều quan trọng hơn là khả năng hợp tác đối với các dự án ba bên”. Trước đó, Nga đã xây dựng cho Iran lò phản ứng hạt nhân đầu tiên và theo các quan chức Iran, lò phản ứng này có thể bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một liên minh về khí đốt tự nhiên sẽ không gây ảnh hưởng về giá cả như khối OPEC, do khí đốt tự nhiên không dao động lớn như dầu lửa.

Ông Ebel, cố vấn cấp cao của Dự án an ninh và năng lượng quốc gia, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington cho biết: “Khí đốt là loại hàng hóa mang tính khu vực, trong khi dầu lửa mang tính quốc tế.
 
Nếu bạn muốn mua một thùng dầu thô, bạn phải mua theo giá của ngày hôm nay. Nhưng nếu muốn xây dựng một đường ống khí đốt tự nhiên, bạn phải thỏa mãn hai điều kiện: có đủ khí gas để chi trả cho việc xây dựng đường ống hoạt động trong 25 năm, và khách hàng sẽ đồng ý mua theo một bảng giá cho 25 năm”. Song, một khối liên minh về khí tự nhiên có thể gây ảnh hưởng nhất định đến giá cả thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và châu Á.

Khí gas tự nhiên hóa lỏng, mặt hàng ngày càng quan trọng trên thị trường, có thể được bán giống như dầu lửa trong tương lai. Và động thái của Nga, Iran và Qatar dường như là dự đoán trước tương lai đó.
         
BĂNG CHÂU (Theo AP, Reuters)

;
.
.
.
.
.