.

Obama, hình mẫu của thay đổi

.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, thành viên Đảng Cộng hòa, đã lên tiếng tán thành Barack Obama cho ghế Tổng thống và gọi Obama là “hình mẫu của thay đổi”, trong khi chỉ trích chiến dịch tranh cử của McCain.

Obama thích hợp để giải quyếtcác vấn đề kinh tế

Ủng hộ của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell dành cho Obama, đang gây bất lợi cho McCain.

Từng là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân từ 1989-1993, Powel cho rằng, mỗi thượng nghị sĩ làm ứng viên Tổng thống đều đủ tư cách trở thành chỉ huy quân đội, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ hai người, cựu Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, Obama thích hợp hơn McCain trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế và cải tổ vị trí của Mỹ trên thế giới.

Ông Powell nói trong chương trình “Meet the Press” của NBC rằng:
 
“Thật không dễ dàng gì với tôi khi làm Thượng nghị sĩ McCain thất vọng với những gì tôi vừa nói, tôi rất tiếc vì điều đó”. Tuy nhiên, Powell nhấn mạnh: “Tôi nghĩ chúng ta cần mẫu hình thay đổi. Chúng ta cần một vị Tổng thống của một thế hệ thay đổi và điều đó giải thích vì sao tôi ủng hộ Barack Obama”. Sự ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ của cựu Ngoại trưởng Mỹ là một động thái quan trọng trong việc “chối bỏ” McCain, một nghị sĩ với 26 năm phục vụ trong Quốc hội Mỹ, từng là tù binh trong chiến tranh Việt Nam.

Theo giới phân tích, việc tán thành của Powell có tác động lớn tới hình ảnh của Obama, vì điều này chứng tỏ ông rất có ấn tượng với chính sách đối ngoại của ứng viên Đảng Dân chủ. Chính sách đối ngoại được coi là “điểm yếu” với Obama - người mới chỉ bước vào nhiệm kỳ đầu tiên của một Thượng nghị sĩ. Nếu thắng cử, Obama sẽ trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ - mục tiêu mà Powell từng muốn theo đuổi năm 1996 trước khi quyết định thôi không tranh cử.

John McCain không được lòng dư luận quốc tế

Theo kết quả cuộc điều tra dư luận mà tờ Le Monde của Pháp thực hiện tại 8 nước bao gồm Bỉ, Canada, Anh, Pháp, Nhật Bản, Mexico, Ba Lan và Thụy Sĩ, thì không một nơi nào ông McCain chinh phục được quá 26% người được tham khảo ý kiến. Trên 100 người Pháp được hỏi, có đến 95 người thiên về phía ứng cử viên Đảng Dân chủ Obama.

Hai nước sử dụng tiếng Pháp khác là Thụy Sĩ và Vương quốc Bỉ cũng không mấy thiện cảm với thượng nghị sĩ bang Arizona, John McCain. Tại Anh quốc, vốn được coi là một đồng minh thân cận của chính quyền Bush, cũng chỉ có 15% ủng hộ McCain. Tại hai nước láng giềng sát cạnh Mỹ là Canada và Mêhicô cũng chỉ có 13% và 14% dư luận tin tưởng vào ông McCain. Thêm một điểm nữa là 6 trên tổng số 8 nước tham gia cuộc thăm dò dư luận nói trên đều cho rằng nếu đắc cử, John McCain “sẽ là một vị Tổng thống bất tài”.

Theo đánh giá của Le Monde, dư luận quốc tế tẩy chay ứng cử viên Tổng thống Mỹ McCain một phần do ông này có khuynh hướng hiếu chiến. Ông chủ trương tiếp tục chiến tranh tại Iraq, tăng quân tại Afghanistan. Chương trình vận động tranh cử của ứng viên Đảng Cộng hòa bị coi là “yếu tố có nguy cơ tạo thêm bất ổn cho thế giới”. Yếu tố thứ hai gây bất lợi cho ứng cử viên của Đảng Cộng hòa là những vấn đề khó khăn của Mỹ mà đương kim Tổng thống George Bush để lại cho ông. Ba tuần trước ngày bầu cử, hầu hết các cuộc thăm dò ở Mỹ đều cho thấy, ông Barack Obama có nhiều triển vọng đắc cử.

Tuy nhiên, Le Figaro nhắc nhở “chưa có gì chắc chắn”. Theo lời hai chuyên gia Mỹ được tờ báo trích dẫn, chỉ cần xảy ra một biến cố trong quan hệ quốc tế, phần thắng có thể nghiêng ngay về phía ứng cử viên Cộng hòa John McCain. Căng thẳng tại vùng Kavkaz từng tạo thuận lợi cho ông này, thế nhưng, sau đó khủng hoảng tài chính lại thu hút chú ý cử tri Mỹ, lĩnh vực thuộc sở trường của ông Obama.
                                            
GIA HUY

;
.
.
.
.
.