.

Pháp phản đối Gruzia, Ukraine gia nhập NATO

.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Jean-Pierre Jouyet cho biết, ông phản đối việc Gruzia và Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO vào thời điểm hiện tại, vì điều đó không đem lại lợi ích cho châu Âu. 

Bộ trưởng Pháp Jean-Pierre Jouyet trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài.

Phát biểu bên lề một phiên họp của nghị viện châu Âu, Bộ trưởng Jean-Pierre Jouyet cho biết: “Tôi nghĩ hiện không phải là thời gian thích hợp để Gruzia và Ukraine trở thành thành viên của NATO. Điều đó sẽ không có lợi cho châu Âu hoặc mối quan hệ với Nga”. Các Ngoại trưởng NATO dự kiến sẽ xem xét một lần nữa khả năng kết nạp Gruzia và Ukraine vào khối này - động thái mà Moscow cực lực phản đối. 

Mặc dù ông Jouyet nhấn mạnh, các phát biểu trên chỉ là ý kiến của cá nhân ông. Tuy nhiên, trong thực tế, đó là quan điểm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần của Paris. Ngoài Đức, Pháp hiện vẫn không sẵn lòng chấp nhận cho Gruzia và Ukraine tham gia NATO và viện dẫn lý do về sự phẫn nộ của Nga. Trong khi đó, Moscow đã chỉ rõ rằng, Nga sẽ coi việc kết nạp hai nước từng thuộc Liên bang Xô viết cũ là một hành động thù địch của NATO. 

Tại một hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Bucharest hồi tháng 4-2007, Tổng thống Mỹ George W. Bush từng nỗ lực vận động để Gruzia và Ukraine có thể gia nhập liên minh quân sự này. Tuy nhiên, NATO đã từ chối đưa Gruzia và Ukraine vào MAP (Kế hoạch hành động dành cho các nước muốn trở thành thành viên khối này) sau khi Pháp và Đức lên tiếng phản đối, nhưng hứa sẽ xem xét lại quyết định trong tháng 12 năm nay. 

Theo điện Kremlim, việc hai nước láng giềng của Nga là Ukraine và Gruzia gia nhập NATO có thể dẫn tới triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược ở hai quốc gia này và khơi ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn công bố trên nhật báo Izvestia, Hội đồng An ninh Nga từng cho biết, Washington và NATO đang tìm cách tăng cường sự ảnh hưởng quân sự và chiến lược đối với Nga thông qua việc mở rộng biên giới của liên minh này.

Gruzia và đặc biệt là Ukraine, nếu gia nhập NATO, sẽ trở thành địa điểm phù hợp để triển khai các đơn vị bộ binh, hải quân và không quân được trang bị vũ khí hạt nhân chiến lược và có độ chính xác cao. Khả năng loại vũ khí như vậy được triển khai ở Ukraine sẽ khiến nó có bản chất chiến lược vì những cơ sở kinh tế và quân sự quan trọng của Nga ở châu Âu, gồm một số bộ phận của Chính phủ và quân đội, nằm trong khu vực bị ảnh hưởng. Những hành động như vậy của Mỹ có thể làm trầm trọng thêm sự hoài nghi lẫn nhau và dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mà Nga không mong muốn.

Mặc dầu tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest, các thành viên NATO đã từ chối đơn xin cấp MAP của Ukraine và Gruzia, nhưng NATO vẫn để ngỏ khả năng gia nhập liên minh đối với Ukraine và Gruzia trong tương lai.

GIA HUY (Theo Rian, Reuters, AFP)

;
.
.
.
.
.