.

“Tái sinh” ở Thái Lan

.

Một ngôi chùa Phật giáo ở Nakhon Nayok gần thủ đô Bangkok của Thái Lan đã khởi sự một phương thức kinh doanh độc đáo: Chỉ với một khoản tiền nhỏ, bạn có cơ hội để chết đi rồi sống lại, hoàn toàn trong sạch như vừa chào đời và bắt đầu một cuộc sống mới.

 Nằm vào quan tài, nghĩ mình đã chết rồi, và chờ tái sinh một kiếp khác.
Chín chiếc quan tài sơn đỏ và to lớn xếp ngay ngắn trong chính điện của ngôi chùa. Mỗi ngày có hàng trăm thiện nam tín nữ xếp hàng chờ tới lượt mình vào nằm trong quan tài vài phút đồng hồ trong lúc các thầy chùa tụng kinh niệm Phật; sau đó, theo một hiệu lệnh, người đó sẽ trèo ra và - họ tin rằng - đã rửa sạch mọi lỗi lầm trong quá khứ.

Đây là một phương cách phục sinh của thời đại mới, khi những khó khăn về kinh tế mang theo những bất an về tương lai buộc con người phải tìm kiếm sự cứu vãn cho đời sống. Số người đến ngôi chùa này ngày càng đông, từ khắp đất nước Thái Lan, để tham gia vào nghi lễ “tái sinh”.

Ekachai Uekrongtham - đạo diễn và biên kịch của bộ phim “Chiếc quan tài” đang được chiếu ở Thái Lan hiện nay, với cốt truyện xoay quanh những đám tang cho người sống như vậy - nhận xét: “Khi kinh tế đi xuống, chúng tôi đặt niềm hy vọng vào những thế lực siêu nhiên”. Còn bà Nual Chaichamni, 52 tuổi làm nghề mát-xa, cho biết: “Khi bước vào đó tôi cảm thấy ấm áp và khi bước ra tôi thấy nhẹ nhàng như vừa được giải thoát”. Bà Nual nói rằng bà thích cảm giác này đến nỗi bà đã “tái sinh” như vậy sáu lần trong thời gian gần đây.

Đạo Phật ở Thái Lan đã dung nạp những hình thức bất ngờ nhất, từ mê tín như tôn thờ mọi loài động thực vật cho đến thực hiện các phép thần bí và đáng chú ý là tinh thần kinh doanh của một số tu sĩ cao cấp. Nhiều người Thái nói rằng, tinh thần chân chính của Phật giáo đã mất. Nhiều ngôi chùa Thái Lan ngày nay đã trở thành những trung tâm kinh doanh, đồng hành với đà tăng trưởng kinh tế của đất nước. Họ bán các lá bùa mang lại may mắn, họ chủ trì các nghi lễ cầu hồn ồn ào và họ thực hành bói toán, tiên đoán tiền căn hậu vận…

Ngôi chùa mà chúng ta đang nói có tên là Wat Prommanee, cách thủ đô Bangkok 66 dặm về phía đông-bắc, ngày nào cũng tổ chức dịch vụ “tái sinh” như vậy trong suốt ba năm qua và khách hàng ngày càng đông. Vào những dịp cuối tuần mỗi ngày có đến 700 người, mỗi người trả 180 baht (khoảng 100.000 đồng Việt Nam) để được “tái sinh” và trả nhiều tiền hơn nữa để mua các lá bùa do các tu sĩ và người phụ lễ trong chùa bán. Và khi khách hàng đông quá thì nghi thức đi vào cõi siêu nhiên chỉ được làm chiếu lệ: Một thầy tu cầm chiếc sừng trâu xua những tín đồ vào dãy quan tài, mỗi đợt chín người. Giống như trong phim của vua hề Sác-lô, họ lặng lẽ làm theo hiệu lệnh của tu sĩ: Leo vào quan tài, nằm xuống, nhắm mắt, đắp mền lại, giở mền ra, đứng dậy, đọc một câu thần chú và leo ra khỏi quan tài, bước vào cuộc sống mới. Toàn bộ nghi thức diễn ra trong chín mươi giây đồng hồ và một nhóm chín người khác đã đứng chờ sẵn.

Mỗi đợt có 9 người được tái sinh, mỗi ngày có hàng trăm khách hàng - quả là một phương thức kinh doanh độc đáo.

Nghi thức tái sinh là bất thường nhưng không gây ngạc nhiên, theo nữ giáo sư Suwannan Satha-Anand, giảng viên khoa Triết, Đại học Chulalongkorn ở Bangkok. Bà nói: “Ngày nay nhiều người trong xã hội Thái sáng tạo ra những kiểu hành lễ mới cho phù hợp với những gì họ có. Người ta tìm cách thể hiện Phật giáo theo nhận thức của chính họ, liên quan tới đời sống của họ”. Đất nước Thái Lan phát triển nhanh trong ba thập niên qua, chủ nghĩa tư bản hiện đại cũng đã thâm nhập sâu vào trí tưởng tượng của người Thái, làm biến đổi cái tôn giáo từng gắn bó với quá khứ của cả một dân tộc.

Ngoài ra, những người đến chùa Wat Prommanee còn tìm sự nâng đỡ cho những bệnh tật và khát vọng của họ. Anh Jirapat, một luật sư 37 tuổi, bốn năm trước đã đổi tên họ từ Suthep Wina thành Jirapat, có nghĩa là giàu có. Nay anh đến chùa để hoàn tất quá trình chuyển đổi đó. Từ trong quan tài bước ra anh thấy mình như mới được sinh ra lần nữa, những vết tích của cuộc đời cũ nghèo khó gắn với cái tên Suthep Wina dường như đã biến mất. Bạn của Jirapat, anh kỹ sư Woraphot 30 tuổi thì tìm kiếm vận may. Anh vừa bị tấn công và bị xe đụng; mọi người cho rằng anh nên “tái sinh” để loại trừ “nghiệp dữ” và anh đã làm như vậy. Có người “tái sinh” để mong buôn may bán đắt, thậm chí có người dẫn theo con nhỏ, cho chúng “tái sinh” để chúng bớt hiếu động, phá phách.

Khi buổi lễ sáng chưa kịp kết thúc thì đã có người xếp hàng chờ buổi lễ chiều. Có lần trong hàng người rồng rắn có cả 36 thành viên đội bóng đá quân đội Hoàng gia Thái Lan, mặc đồng phục thi đấu. Cầu thủ Nippon Khamthong, 22 tuổi, cho biết: “Chúng tôi sẽ nằm vào quan tài sau đó mới ra sân tập”. Anh hy vọng cuộc tái sinh sẽ giúp anh và đồng đội “giành chiến thắng trong trận đấu bóng ngày hôm sau”.

Thái Bình (Theo New York Times) 

 

;
.
.
.
.
.