.

Thái Lan rút quân khỏi vùng biên giới tranh chấp

.

Một quan chức quân sự cấp cao của Campuchia vừa xác nhận, lính Thái Lan đã rút khỏi một khu vực biên giới tranh chấp, ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ trang với quốc gia láng giềng.

Binh lính Thái Lan đang canh gác bên ngoài một ngôi chùa ở gần đền Preah Vihear.

Trước đó, vào sáng sớm hôm 14-10, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã cảnh báo Thái Lan sau khi lặp lại yêu cầu rút 84 binh sĩ khỏi khu vực Veal Intry gần đền Preah Vihear trước 12 giờ trưa cùng ngày và cảnh báo về một “cuộc xung đột trên diện rộng” nếu Thái Lan không thực hiện hành động này. Ông Hun Sen cáo buộc các binh lính Thái Lan đã xâm nhập vào lãnh thổ Campuchia, gần đền Preah Vihear.

Phát biểu tại một hội nghị kinh tế ở thủ đô Phnom Penh, ông nói: “Họ phải rút quân. Tôi đưa ra hạn chót là vào lúc 12 giờ. Chúng tôi không cho phép binh lính Thái Lan xâm nhập vào vùng đất này”. Ông cũng cho biết thêm, ông đã ra lệnh cho các tướng lĩnh quân đội “chịu trách nhiệm hoàn toàn về khu vực này”.  Trước đó, hôm 13-10, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Ngoại trưởng Thái Lan Sompong Amornviwat đang ở thăm Phnom Penh, ông Hun Sen nói: “Khu vực Veal Intry là điểm sống còn đối với chúng ta. Tình hình ở khu vực Veal Intry quá nóng bỏng. Họ phải rút quân trong tối nay hoặc ngày mai, nếu không, một cuộc chiến sẽ bắt đầu”.

Theo Thủ tướng Hun Sen, số lính Thái Lan này đã đột nhập vào Veal Intry sáng 13-10 và đang dựng trại cách nơi đóng quân của Campuchia khoảng 30m. Họ nói chỉ ở đây trong một ngày. Ông Hun Sen tuyên bố: “Campuchia sẽ kiềm chế tối đa và sẽ không lấy làm phiền nếu họ trở lại nơi đóng quân của họ. Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này bằng một thỏa thuận hòa bình. Chúng tôi đang cố thu ngắn lại cuộc xung đột”. Ông  Hun Sen cũng cho rằng tòa án thế giới là cách tốt nhất để hai bên giải quyết tranh chấp biên giới hiện nay và có thể tránh sự phê phán của người dân hai nước.

Khu vực Veal Intry nằm ở sườn đồi Phnom Trap, cách chùa Keo Sikha Kiri Svara khoảng 2.000m về phía Tây, là nơi có con đường duy nhất dẫn đến đền Preah Vihear. Trong cuộc gặp cấp ngoại trưởng ngay trước đó, Campuchia và Thái Lan đã đồng ý nối lại đàm phán song phương về vấn đề biên giới vào khoảng từ ngày 21 đến 24-10 tại tỉnh Siem Reap. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Thái Lan, vì tình hình căng thẳng ở trong nước, đã hủy bỏ chương trình viếng thăm Campuchia dự kiến cùng ngày. Ngoại trưởng Campuchia nói với phóng viên quốc tế là trong khi ông đối thoại với người đồng cấp Thái Lan, có tin cho biết một toán quân Thái Lan đang tìm cách xâm nhập biên giới tại khu vực đền Preah Vihear. Ông đã tuyên bố với phía Thái Lan là việc quân đội hai bên tăng cường dọc biên giới có thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang ở quy mô lớn.

Căng thẳng giữa hai nước xoay quanh khu vực rộng 4,6 km vuông, gần ngôi đền đã 900 tuổi Preah Vihear. Tòa án Quốc tế đã giao đền này cho Campuchia vào năm 1962 nhưng chủ quyền vùng đất quanh nó không được phân xử rõ ràng. Tình hình càng căng thẳng khi UNESCO đưa Preah Vihear vào danh sách Di sản Thế giới, theo yêu cầu của Campuchia. Hồi đầu tháng 7, binh sĩ Campuchia bắt giữ 3 người biểu tình Thái Lan, xâm nhập vào khu vực đền này một cách trái phép. Động thái trên kéo theo sự căng thẳng về quân sự giữa hai nước. Kể từ đó, hai bên đã tiến hành một số vòng đàm phán song không đạt được kết quả. 
                                
GIA HUY (Theo BBC, AP, Xinhua)
                    

;
.
.
.
.
.