.

Thái Lan và Campuchia đàm phán hòa bình

.

Các chỉ huy quân đội Thái Lan và Campuchia hôm 16-10 đã có cuộc đàm phán về vùng biên giới tranh chấp sau khi hai bên nổ súng vào nhau, khiến 2 lính Campuchia thiệt mạng và 10 người Thái bị phía đối phương bắt giữ.

Thái Lan tăng cường lính tới vùng biên giới giáp Campuchia.

Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong khẳng định, cuộc họp nhằm giải quyết những tranh cãi về vùng biên giới diễn ra như đã định và theo ông, không thể tránh khỏi căng thẳng leo thang. Ông Hor Namhong nói với các phóng viên ở Phnom Penh sau một cuộc họp khẩn với Thủ tướng Hun Sen về chiến sự ở vùng biên giới: “Việc chúng tôi có thể bắt tay giải quyết cuộc xung đột này là một dấu hiệu tốt. Chúng tôi xem đây là một vụ xô xát giữa binh lính hai bên và không có hành động xâm lược nào từ phía Thái Lan”. Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat cho rằng, cuộc giao tranh chỉ trên “diện hẹp” và cam kết tìm giải pháp cho căng thẳng này. “Campuchia là láng giềng tốt. Chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp hòa bình. Nếu có bạo lực, chúng tôi sẽ phải đàm phán”, ông phát biểu.

Cuộc đàm phán bắt đầu lúc 11 giờ trưa 16-10 tại một địa điểm gần ngôi đền cổ Preah Vihear - tâm điểm tranh chấp biên giới giữa hai nước trong nhiều năm qua. Tư lệnh quân đội Thái Lan Wiboonsak Neeparn cho biết, cuộc gặp tập trung vào nguyên nhân cuộc đụng độ chiều 15-10 và giải quyết căng thẳng biên giới. Hiện cả hai bên đều đang tăng cường sự hiện diện của quân đội tại vùng đất này. Theo Đại tá Thanya Kiatisarn của quân đội Thái Lan, tình hình ở khu vực này đã trở lại yên tĩnh, nhưng quân đội hai bên vẫn đối mặt nhau ở những điểm chốt quyết định.

Sau diễn biến căng thẳng ở biên giới, các quan chức Thái Lan đã kêu gọi công dân nước mình rời khỏi Campuchia. Bộ Ngoại giao Thái Lan hôm 16-10 cho biết, đã có hơn 400 công dân nước này rời Campuchia sau vụ đọ súng giữa binh sĩ hai nước ở khu vực biên giới đang tranh chấp. Hiện vẫn chưa có kế hoạch sơ tán dân nào được đưa ra, nhưng Bộ Ngoại giao Thái Lan trước đó đã kêu gọi công dân Thái Lan về nước nếu không có công việc gì khẩn cấp. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tharit Charungvat, đã có 432 trong tổng số 1.500 người Thái ở Campuchia lưu ý đến cảnh báo này. Ông Tharit nói: “Chúng tôi đã thuyết phục họ về nước theo chuyến bay của hãng Thai Airways”. Vẫn theo người phát ngôn, máy bay vận tải quân sự cũng được đặt trong tư thế sẵn sàng, phòng trường hợp cần thực thi kế hoạch sơ tán.  

Hiện an ninh đang được tăng cường ở chung quanh Đại sứ quán Thái Lan ở Phnom Penh, với 20 cảnh sát quân sự được trang bị súng trường tự động luôn đứng canh gác. Cả Thái Lan và Campuchia đều cáo buộc nhau đã khai hỏa trước trong trận giao chiến kéo dài 40 phút chiều 15-10. Đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa binh lính hai nước trong nhiều năm và diễn ra đúng thời điểm bất ổn chính trị tăng cao ở Bangkok. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi Campuchia và Thái Lan hãy kiềm chế căng thẳng và đối thoại với nhau để giải quyết tranh chấp biên giới. Trong một thông báo, ông Ban nhấn mạnh rằng, tranh cãi liên quan tới ngôi đền cổ Preah Vihear tại biên giới chung nên được hóa giải bằng các biện pháp hòa bình.       

GIA HUY (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.