(ĐNĐT) - Trong một động thái chung và chưa từng xảy ra từ trước đến nay, 6 trong số các ngân hàng trung ương then chốt nhất thế giới, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh Bank of England, đã đồng loạt tuyên bố cắt giảm nửa điểm phần trăm tỷ lệ lãi suất trong nỗ lực bình ổn nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái.
Biện pháp phối hợp giữa các ngân hàng trung ương vẫn không thể làm yên lòng các thị trường chứng khoán. Ảnh: Reuters. |
Sự phối hợp đồng bộ mang tính lịch sử này đánh dấu một nỗ lực quốc tế nhằm loại bỏ nguy cơ rằng mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng tín dụng có thể dẫn tới sự suy thoái toàn cầu thê thảm, mặc dù vậy vẫn không thể khích lệ các thị trường chứng khoán trên thế giới đang lũ lượt tụt dốc.
Chuyên gia kinh tế quốc tế hàng đầu tại Tổ chức phân tích dự đoán kinh tế Capital Economics (Anh), Julian Jessop, nói rằng việc giảm lãi suất sẽ đem lại một lực đẩy, ít nhất là tạm thời, đối với lòng tin đang lung lay của mọi người. Mặc dù vậy, ông cũng cảnh báo rằng động thái này không phải là một giải pháp hoàn chỉnh, chỉ ra rằng FED cũng đã giảm tỷ lệ lãi suất từ 5,25% hồi tháng 9 năm ngoái xuống còn 2% nhưng vẫn không thể cứu vãn được hệ thống tài chính.
Tại châu Á, các ngân hàng trung ương hôm nay (9-10) cũng nhập cuộc với các đối tác phương Tây, đồng loạt cắt giảm tỷ lệ lãi suất nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Phản ứng chung của các thị trường chứng khoán toàn cầu trước việc cắt giảm lãi suất là gượng dậy lúc đầu nhưng lại khó lòng trụ vững vì vẫn thiếu vắng niềm tin. Ảnh: AP |
Dầu thô rẻ nhất trong vòng 11 tháng, vàng tăng vọt
Các thị trường ở châu Âu và Mỹ lúc đầu phản ứng khá tích cực với thông tin này nhưng sau đó lại giảm điểm do các nhà đầu tư vẫn hoài nghi liệu biện pháp giảm lãi suất có thật sự giải quyết được khủng hoảng tài chính hay không.
Ở New York, chỉ số Dow Jones kết thúc giao dịch hạ 189 điểm, tức 2%, xuống còn 9.258,1 điểm. Sau khi tăng lên 2,5%, chỉ số S&P 500 lại đổ nhào trong những giờ giao dịch cuối cùng và đóng cửa với mức điểm hạ 1,1%. Các chỉ số ở châu Âu đều hạ điểm. Chỉ số FTSE 100 của Anh mất 5,2%, chỉ số FTSE 300 Eurofirst trượt 6,3%, DAX của Đức hạ 5,9% và CAC-40 của Pháp hạ 6,3%.
Phản ứng của các nhà đầu tư ở châu Á trước chuỗi động thái nói trên cũng y hệt như ở Mỹ và châu Âu: sự hồi phục ban đầu ở nhiều thị trường sẽ phai nhạt dần giữa những quan ngại về mức độ của cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán châu Á vẫn rất xáo trộn sau động thái phối hợp này, bởi sự hăng hái của các nhà đầu tư trước việc toàn cầu giảm lãi suất đã phải nhường đường cho nỗi lo sợ dai dẳng về sự bất ổn trầm trọng tại các thị trường tín dụng và viễn cảnh không mấy tốt đẹp của nền kinh tế thế giới.
Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục giảm xuống dưới 85 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12-2007. Trái ngược lại hoàn toàn, giá vàng lại tăng vọt lên trên 900 USD/ounce. Các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã thảo luận về việc tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào tháng sau nhằm ngăn giá dầu sụt giảm nghiêm trọng.
Nhật Lê (Theo BBC, Financial Times, AP, NYTimes))
TIN LIÊN QUAN:
>>> Chính phủ Anh bơm hơn 87 tỷ USD cứu trợ hệ thống ngân hàng
>>> Tổng thống Mỹ ký ban hành đạo luật giải cứu tài chính
>>> Thượng viện Mỹ thông qua gói giải cứu tài chính 700 tỷ USD
>>> Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu gói cứu trợ tài chính
>>> Kế hoạch giải cứu thị trường tài chính Mỹ bị bác bỏ
>>> Mỹ công bố kế hoạch giải cứu thị trường tài chính
>>> Quốc hội và Nhà Trắng đạt được thỏa thuận sơ bộ về kế hoạch giải cứu tài chính
>>> Tổng thống Bush: Toàn bộ nền kinh tế Mỹ đang gặp nguy hiểm
>>> FBI điều tra các đại gia tài chính Mỹ
>>> Thêm những bất an cho Phố Wall: cổ phiếu giảm, giá dầu tăng vọt
>>> Giải cứu thị trường tài chính
>>> Mỹ tuyên bố kế hoạch giải cứu, Phố Wall phục hồi
>>> Lại một đêm ác mộng của Phố Wall
>>> Thị trường châu Á dần phục hồi sau khi AIG được giải cứu
>>> Chính phủ Mỹ bơm 85 tỉ USD cứu AIG
>>> Khủng hoảng tài chính Mỹ, thị trường toàn cầu chao đảo