Trong tuần qua, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã bắt đầu lan rộng sang các nước châu Âu - châu lục vốn được coi là có sự phát triển ổn định, buộc các nước thuộc khu vực đồng euro phải cùng nhau phối hợp hành động để cứu hệ thống ngân hàng đang tiếp tục rơi vào khủng hoảng.
Tổng thống Pháp Sarkozy cùng Thủ tướng Đức Merkel trong một cuộc họp báo chung bàn về cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng tại châu Âu. |
Theo tuyên bố ngày 11-10 của Tổng thống Pháp Sarkozy - nước đang đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) - mục tiêu hiện nay của EU là vạch ra kế hoạch hành động chung cho khu vực đồng euro và (ECB) để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ. Một quan chức cấp cao của EU cho biết, nếu không đạt được thỏa thuận chung của EU về giải pháp ứng cứu thị trường, ít nhất các nước cũng phải tìm ra kế hoạch can thiệp cho khu vực đồng euro. Hiện, các cuộc đàm phán giữa các nước vẫn đang tập trung vào việc liệu EU có nên theo cách làm của Anh là quốc hữu hóa từng phần các ngân hàng yếu kém hoặc nâng mức bảo đảm tiền gửi trong toàn hệ thống ngân hàng EU hay không.
Từ nhiều tuần qua, các nước châu Âu vẫn luôn bất đồng với nhau về kế hoạch chung giải cứu hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán toàn châu lục. Vì vậy, để tự cứu mình, các nước đều áp dụng những chính sách quốc gia riêng. Tuy nhiên, hôm 11-10, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã kêu gọi các quốc gia khác không nên có bất kỳ một hành động đơn phương nào trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Bush nói rằng, các nước phải có hành động phối hợp để giải quyết tình trạng sụp đổ thị trường. “Chúng ta phải bảo đảm hành động của một nước không mâu thuẫn hoặc gây hại đến hành động của các nước khác”, ông nhấn mạnh. Lời kêu gọi trên của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra khi nhóm G7 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tổ chức các cuộc hội đàm về khủng hoảng tài chính tại thủ đô nước Mỹ. Tổng thống Bush không công bố một chiến lược mới nào, thay vào đó, ông nói: “Chúng ta sẽ làm những gì cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng”.
Sau cuộc họp ở Washington, nhóm các nước G7 cho biết, sẽ có “hành động quyết đoán và sử dụng tất cả những công cụ có thể” để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng trên toàn cầu hiện nay. Theo kế hoạch, G7 dự định sẽ cứu các ngân hàng và các tổ chức tài chính lớn khỏi bị đổ vỡ, và bảo đảm rằng họ có thể thu hút được tiền từ công chúng và các nguồn cá nhân khác. Kế hoạch sẽ bao gồm các bước làm hâm nóng lòng tin của công chúng, bảo vệ người gửi tiền tiết kiệm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson cho biết, G7 đã có kế hoạch cụ thể và rõ ràng cho việc đối phó với tình hình tài chính hiện nay, như cần phải làm gì, và cùng làm gì để ổn định các thị trường tiền tệ đang rơi vào khủng hoảng trên khắp thế giới. Theo ông Henry Paulson, “điều quan trọng đối với các chính phủ là cung cấp được khả năng thanh toán bằng tiền mặt”.
“Chúng ta phải trực tiếp tập trung vào yêu cầu thiết yếu ngay là bình ổn thị trường tài chính, nhận ra rằng lòng tin của các nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi lại khả năng thanh khoản bằng tiền mặt và củng cố sự ổn định của hệ thống tài chính”. Ngoài ra, ông Paulson cũng cho biết, Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với Nhật và Trung Quốc, hai nước có mối ràng buộc lớn đối với thị trường tài chính Mỹ, để giải quyết cuộc khủng hoảng. Chính phủ Mỹ cũng sẽ thực hiện kế hoạch mua cổ phần trong các cơ quan tài chính đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, tất cả những biện pháp này chỉ là tạm thời khi cuộc khủng hoảng tài chính vẫn đang tiếp tục lan rộng sang các nước khác. Báo Tages-Anzeiger cho rằng, một số nước riêng lẻ có thể cứu được các ngân hàng của họ bằng cách đổ tiền thuế vào, nhưng “sự ứng biến và tiền tệ” đến một lúc nào đó có thể không đủ. Về lâu dài, các nước thành viên EU phải khẩn cấp cùng nhau đưa ra một kế hoạch cứu trợ tập thể để cứu hệ thống tài chính toàn khu vực.
Các chuyên gia tài chính châu Âu cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng tài chính đã đi vào một giai đoạn mới, và điều cần thiết là phải kiềm chế được cuộc khủng hoảng càng sớm càng tốt, trước khi nó bước vào giai đoạn nguy hiểm, khi người tiêu dùng bắt đầu rút tiền của họ, bất chấp các ngân hàng đang hoạt động tốt.
BĂNG CHÂU