.
THẾ GIỚI TUẦN QUA:

Nga tăng cường sức mạnh quân sự

.

Trong tuần qua, việc Nga thử nghiệm thành công tên lửa chiến lược mới từ vùng biển Barent Bắc Cực tới khu vực gần xích đạo thuộc Thái Bình Dương, giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa Moscow và phương Tây đã gây sự quan tâm của dư luận thế giới. Theo các nhà phân tích, tăng cường sức mạnh quân sự là con đường nhanh nhất để Nga trở lại vị thế siêu cường trên thế giới.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev lên tàu sân bay Admiral Kuznetsov để theo dõi vụ thử tên lửa.

Nga cho biết, trong năm 2009 tới, nước này sẽ chi ngân sách 50 tỷ USD cho quốc phòng, bất chấp tình hình kinh tế rơi vào khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính. Trong năm 2008, Nga đã chi 36,8 tỷ USD cho ngân sách quân sự nhằm vực dậy nền công nghiệp quốc phòng. Trước đó, Chính phủ Nga cũng ra tuyên bố sẽ thành lập lực lượng phản ứng nhanh nhằm phát triển các lực lượng vũ trang Nga theo hướng hiện đại, bảo vệ an ninh quốc gia và phản ứng nhanh trong các cuộc xung đột ở mọi nơi trên thế giới.

Cam kết hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Nga được thực hiện giữa lúc mối quan hệ Nga - phương Tây ở mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh. Nguyên nhân chính là Nga tiến hành cuộc tấn công đáp trả hành động của quân đội Gruzia ở Nam Ossetia. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, các “hiệu ứng” của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay không ảnh hưởng tới kế hoạch tái phục hồi lực lượng vũ trang của Nga.
 
Tháng trước, ông Medvedev khẳng định: “Dù có xảy ra bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào, chúng tôi vẫn sản xuất tàu ngầm mới, tiến hành hiện đại hóa các lực lượng vũ trang”. Tổng thống Medvedev đã hai lần tới Hạm đội phía Bắc ở Murmansk trong vòng hai tuần để theo dõi và giám sát các cuộc diễn tập của 5.000 quân, 8 tàu chiến và 5 tàu ngầm. Trước đó, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng kêu gọi tập trung tái phát triển các lực lượng vũ trang, vốn bị lãng quên trong 10 năm trở lại đây, sau khi Liên Xô sụp đổ. Ông Putin cam kết tăng 30% ngân sách quốc phòng trong năm 2009.

Theo phát ngôn viên Hải quân Nga, tên lửa mới nhất của Nga hiện nay là Sineva, được phóng từ tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân Tula từ vùng biển Barent Bắc Cực, và đáp xuống một khu vực không xác định gần xích đạo thuộc Thái Bình Dương. Phát ngôn viên này cũng cho biết: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân Nga, điểm đến của tên lửa là khu vực xích đạo trên biển Thái Bình Dương, chứ không phải là khu vực thử nghiệm Kura thuộc bán đảo Kamchatka”.

Tên lửa Sineva là loại vũ khí chiến lược thế hệ mới của Nga, có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa, sẽ được đưa vào hoạt động muộn nhất là năm 2030. Theo giới quan sát, các vụ bắn thử này diễn ra trong bối cảnh Nga phản đối mạnh mẽ kế hoạch lá chắn chống tên lửa mà Mỹ sẽ đặt tại các nước Đông Âu như Ba Lan và Cộng hòa Séc. Chính quyền Moscow cho rằng, các dàn phóng và trạm radar trong hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ đặt sát biên giới của Nga đe dọa an ninh quốc gia và điện Kremlim cảnh báo sẽ trả đũa, phá hủy các mục tiêu này.

Tại Diễn đàn về chính sách quốc tế được tổ chức vào ngày 8-10 tại Evian (Pháp), Tổng thống Nga Medvedev từng nhấn mạnh, tình hình thế giới hiện nay có thể coi là hậu quả, “hội chứng của thế giới đơn cực” do chính quyền Mỹ tiến hành và đã đến lúc cần phải thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Tổng thống Nga nhắc lại, cách đây 7 năm khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11-9 làm rung chuyển nước Mỹ và cả thế giới, Nga đã sẵn sàng đoàn kết với Mỹ chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế, song không được đáp lại.

Mỹ đã đơn phương hành động không thèm đếm xỉa tới Nga cũng như Liên Hợp Quốc và các nước đồng minh khi thực hiện một loạt hành động như tấn công Iraq, rút khỏi hiệp ước phòng thủ chống tên lửa (ABM), công nhận độc lập của Kosovo và đẩy mạnh mở rộng Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang phía Đông. Tổng thống Nga cho rằng:
 
“Việc kết nạp Gruzia và Ukraine vào NATO đang được thảo luận rất nghiêm túc và được hiểu nếu kết nạp các nước này có nghĩa là thắng Nga, còn không kết nạp thì gần như là chấp nhận “đầu hàng” Nga. Tuy nhiên vấn đề này lại khác. NATO đang đưa các căn cứ quân sự của mình tới sát biên giới Nga; phân chia các “đường ranh giới” mới giữa Tây và Nam Âu. Và hoàn toàn tự nhiên, chúng tôi coi các hành động này là nhằm chống Nga, chống lại các lợi ích quốc gia của Nga”.

Để đáp trả, ngoài việc áp dụng những biện pháp đối phó như công nhận quyền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, Nga đã tăng cường quan hệ với các nước liên minh Trung Á, tích cực triển khai hợp tác chặt chẽ với các nước ở khu vực Mỹ Latinh, và tổ chức dồn dập các cuộc tập trận có mục đích rõ ràng, dự định tăng thêm chi phí quân sự với mức lớn. Rõ ràng, Nga đang tăng cường sức mạnh quân sự chứng tỏ nước này đang khôi phục khả năng tác chiến quân sự. Tuy nhiên, liệu Nga sẽ cân bằng sức mạnh quân sự trên thế giới hay không thì vẫn còn chờ ở
phía trước. 
                                        
ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.