.

Toàn cảnh Nobel 2008

.

Y học: Virus gây bệnh nguy hiểm cho người

Nhà khoa học Đức Harald zur Hausen (trái), giáo sư Pháp Luc Montagnier (giữa) và nhà khoa học Pháp Francoise Barre-Sinoussi.Ảnh: Reuters

Hai nhà khoa học Pháp Francoise Barre-Sinoussi và Luc Montagnier đã giành được giải Nobel Y học với công trình nghiên cứu khám phá virus HIV gây bệnh AIDS. Phát hiện của họ giúp giải mã những chi tiết quan trọng về việc sinh sôi của loại virus chết người này và tương tác của người bệnh với HIV.
 
Cùng chia sẻ giải Nobel Y học năm 2008 là nhà khoa học Đức Harald zur Hausen với công trình nghiên cứu khẳng định virus papilloma ở người (HPV) là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, loại bệnh phổ biến thứ hai ở phụ nữ.

Nhà khoa học Pháp Barre-Sinoussi làm việc tại Viện Pasteur còn ông Luc Montagnier là Giám đốc Tổ chức nghiên cứu ngăn chặn AIDS. Ông Harald zur Hausen thuộc Trung tâm nghiên cứu ung thư ở Heideberg.

Ba nhà khoa học trên nhận được các phần thưởng tổng trị giá 1,4 triệu USD. Nobel Y học theo truyền thống là giải Nobel được trao đầu tiên trong năm.

 

Hóa học: Protein phát sáng xanh (GFP)

Giáo sư Osamu Shimomura. Ảnh: AFP
Nhà nghiên cứu người Nhật Bản Osamu Shimomura và 2 nhà khoa học người Mỹ Martin Chalfie và Roger Y. Tsien đồng đoạt giải Nobel hóa học năm 2008 do phát hiện và phát triển loại protein phát sáng xanh (GFP).

Khi tiếp xúc với tia cực tím, GFP phát ra ánh sáng màu xanh lục. Nó có thể đóng vai trò là "chất đánh dấu", giúp các nhà khoa học theo dõi hoạt động của tế bào. Theo đánh giá của Ủy ban Nobel, GFP đã trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất được sử dụng trong ngành sinh học đương đại. Với sự trợ giúp của GFP, các nhà nghiên cứu đã phát triển các phương pháp để xem xét những quá trình như sự phát triển của các tế bào thần kinh trong não hoặc cách thức lan truyền của tế bào ung thư.

Tiến sĩ Osamu Shimomura, 80 tuổi, là người đầu tiên phát hiện ra rằng sứa phát sáng khi phơi nhiễm với tia cực tím. Hiện ông là giáo sư danh dự của Đại học Y khoa Boston. Martin Chalfie, 61 tuổi, là giáo sư tại Đại học Columbia ở New York, có công lớn trong việc tìm ra những ứng dụng rộng rãi của GFP vào năm 1994. Roger Tsien, 56 tuổi, giảng dạy tại Đại học California (Mỹ) tìm ra cơ chế phát sáng của GFP, đồng thời tìm ra cách để protein phát ra ánh sáng màu tím, màu đỏ và nhiều màu khác.

Vật lý: Cơ chế phá vỡ đối xứng tự phát

 Ông Makoto Kobayashi trong một buổi họp báo tại Tokyo ngày 7-10-2008. Ảnh: Reuters
Hai nhà khoa học người Nhật Bản là Makoto Kobayashi và Toshihide Maskawa cùng nhà khoa học Mỹ gốc Nhật Bản Yoichiro Nambu đã nhận giải Nobel Vật lý 2008 vì những nghiên cứu đi tiên phong trong lĩnh vực hạt cơ bản, còn được gọi hạt "quark" (loại hạt cấu thành Proton và Neutron). Hội đồng trao giải ghi nhận sự đóng góp của nhà khoa học Yoichiro Nambu, giáo sư Đại học Chicago (Mỹ) với việc phát hiện cơ chế "phá vỡ cấu trúc đối xứng tự nhiên" trong vật lý hạt nhân nguyên tử.

Ủy ban trao giải Nobel khẳng định lý thuyết của Yoichiro Nambu giúp người ta hiểu rõ hơn hoạt động của vũ trụ. Ông Nambu sẽ chia sẻ một nửa của giải thưởng 1,4 triệu USD tiền thưởng cho 2 nhà khoa học người Nhật Bản là Makoto Kobayashi và Toshihide Maskawa, những người được vinh danh với việc dự đoán được sự tồn tại của ít nhất 3 loại hạt quark trong tự nhiên.

Makoto Kobayashi làm việc cho Tổ chức Nghiên cứu gia tốc năng lượng cao (KEK) tại Tsukuba. Toshihide Maskawa là giáo sư tại Viện Vật lý lý thuyết Yukawa thuộc Đại học Kyoto.

Văn học: “Những cuộc phiêu lưu đầy chất thơ”

Ông Le Clezio trả lời phỏng vấn báo giới tại Paris (Pháp). Ảnh: AP
Nhà văn Jean-Marie Gustave Le Clezio, sinh năm 1940, một trong những tên tuổi xuất chúng của văn đàn Pháp đương đại, đã giành giải Nobel Văn học. Hội đồng trao giải đã gọi Le Clezio là "tác giả của những phát kiến mới, của những cuộc phiêu lưu đầy chất thơ", đồng thời đánh giá cao những tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm và các tác phẩm dành cho trẻ em của nhà văn này. Sau hơn 40 năm cầm bút, đến nay, ông là tác giả của hơn 30 đầu sách, gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận và các công trình dịch thuật về thần thoại thổ dân châu Mỹ.

Ở Việt Nam, Clezio ít được biết đến hơn so với nhiều nhà văn viết bằng tiếng Pháp khác. Tiểu thuyết “Sa mạc” (Desert) của Clezio được dịch giả Huỳnh Phan Anh chuyển ngữ và NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1997.

Kinh tế: Mô hình thương mại và thực tiễn

Paul Krugman
Nhà kinh tế Paul Krugman, 55 tuổi, giáo sư về các vấn đề kinh tế và quốc tế tại Đại học Princeton ở Mỹ, đã được trao giải Nobel Kinh tế với công trình phân tích về các mô hình thương mại và nơi diễn ra các hoạt động kinh tế.

Krugman đã đưa ra một học thuyết mới xác định những tác động của tự do thương mại và toàn cầu hóa cũng như những lực lượng thúc đẩy đằng sau tiến trình đô thị hóa trên khắp thế giới. Phương pháp nghiên cứu của Krugman dựa trên nền tảng lý luận rằng hàng hóa và dịch vụ có thể được sản xuất rẻ hơn khi sản xuất hàng loạt. Lý thuyết của ông được cho là đã hợp nhất các lĩnh vực nghiên cứu rải rác trước đây về thương mại quốc tế và địa lý kinh tế.

 

Hòa bình: Nỗ lực hàn gắn xung đột thế giới

Ông Martti Ahtisaari . Ảnh: Reuters
Giải Nobel Hòa bình cao quý đã thuộc về cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari, vì những nỗ lực quan trọng của ông tại một số châu lục trong hơn 3 thập kỷ qua, để giải quyết các xung đột quốc tế... Theo đánh giá của Ủy ban Nobel, những nỗ lực này đã góp phần tạo ra một thế giới hòa bình hơn cũng như tình hữu nghị giữa các quốc gia theo đúng tinh thần Alfred Nobel.

Cựu Tổng thống Phần Lan là phái viên của Liên Hợp Quốc trong các cuộc đàm phán về Kosovo. Ông cũng làm trung gian trong cuộc thương thảo nhằm đạt được hiệp ước hòa bình giữa Chính phủ Indonesia và lực lượng chiến binh tỉnh Aceh năm 2005.

 

Giải Nobel lập nên theo nguyện vọng cuối cùng của Alfred Nobel, một nhà hóa học, nhà công nghiệp học và người phát minh ra thuốc nổ của Thụy Điển. Alfred Nobel đã viết nhiều bản di chúc trong cuộc đời của mình, trong đó có bản di chúc cuối cùng viết vào ngày 27-11-1895, một năm trước khi mất, rằng ông muốn trao lại tài sản nhằm phục vụ cho nhân loại.

Theo đó, Alfred đã dành 94% trị giá tài sản (khoảng 2.000.000 bảng Anh) và lấy lãi hằng năm để lập nên 5 giải Nobel (Vật lý, Hóa học, hay Y học, Văn học và Hòa bình) trao cho những cá nhân và tập thể xuất sắc nhất. Giải Nobel đầu tiên được trao vào năm 1901. Giải Nobel Kinh tế được Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra vào năm 1968. Đây là giải thưởng duy nhất không theo ước nguyện của Nobel.

 

THIÊN BÌNH (tổng hợp)

 

 

;
.
.
.
.
.