.

Tổng thống Mỹ ký ban hành đạo luật giải cứu tài chính

.

(ĐNĐT) - Đêm qua (3-10, giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật giải cứu thị trường tài chính đã được sửa đổi trị giá 700 tỉ USD với mục đích cải thiện hệ thống tài chính Mỹ đang gặp khủng hoảng.

Dự luật đã được bỏ phiếu tán thành với tỉ lệ 263/171 và chỉ 2 giờ sau đó đã được Tổng thống Bush ký ban hành thành luật.

Tổng Bush ký ban hành đạo luật giải cứu tài chính trị giá 700 tỷ USD. Ảnh: Reuters

Tổng thống Bush ngay sau đó đã phát biểu cảm ơn tất cả mọi người đã tham gia bỏ phiếu và cho biết việc thông qua dự luật là cần thiết để ngăn chặn đợt khủng khoảng của Phố Wall nay đã trở thành cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu. “Việc thông qua dự luật đã thể hiện chính phủ cam kết thực thi các hành động để hỗ trợ và củng cố nền kinh tế quốc gia. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm ổn định thị trường tài chính Mỹ và đảm bảo nguồn tín dụng không bị gián đoạn và có thể đến với các hộ gia đình và doanh nghiệp”. 

Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson tuyên bố sẽ hành động nhanh chóng để kích hoạt và vận hành gói cứu trợ. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Ben Bernanke có lời hoan nghênh Quốc hội, rằng dự luật là một bước tiến then chốt nhằm bình ổn thị trường tài chính.

Ngay cả khi kế hoạch giải cứu tài chính đã được ký thành luật, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp về việc một số điều khoản chủ chốt sẽ được thực thi ra sao. Chẳng hạn như, Bộ Tài chính sẽ làm thế nào để thiết lập việc định giá và mua lại tài sản xấu - những tài sản được cho là xấu chính là vì chúng rất khó định giá? Không phải tất cả các tổ chức tài chính đều chung một cảnh ngộ, mà mỗi cá thể có những rắc rối riêng của mình. Tuy nhiên có một điều xem ra không tránh khỏi, đó là: Bộ Tài chính có thể sẽ phải làm việc thêm nhiều đêm và các ngày cuối tuần nữa trong tháng tới để gắng sức làm sáng tỏ mọi vướng mắc.

"Thời gian đã hết"

Các nhà lập pháp có nhiều mâu thuẫn trong quá trình tranh luận tại Hạ viện để thông qua dự luật. Tuy nhiên, do tác động của hai biến cố xảy ra làm xoay chuyển thị trường, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp trong tháng thấp hơn dự kiến và công bố gây “sốc” của ngân hàng Wachovia sẽ sáp nhập với đại gia ngân hàng Wells Fargo của California trong một thương vụ trị giá xấp xỉ 15,1 tỉ USD đã tác động mạnh đến lá phiếu của họ.

Nhiều thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Hạ viện đã đổi ý từ bỏ phiếu “chống” sang phiếu “thuận”. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Myrick cho biết “chúng ta đang ở trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tín dụng đầy thảm khốc. Thị trường không có tính thanh khoản và thời gian đã hết”. 

Nụ cười của các nhà đầu tư khi dự luật được thông qua.
Thượng nghị sĩ Roy Blunt thuộc phe thiểu số Hạ viện cho biết có 3 lý do đã góp phần làm thay đổi quan điểm của các thành viên đảng Cộng hòa, những người đã bác bỏ dự luật hôm 29-9. Đó là: đã có thêm nhiều cuộc điện thoại gọi đến các văn phòng quận cho biết ủng hộ dự luật, cho phép các công ty đình hoãn việc điều chỉnh giá trị tài sản theo giá thị trường và các điều khoản đã được Thượng viện đưa thêm vào dự luật, bao gồm việc gia hạn đạo luật cắt giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp và cá nhân và gia tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi tại Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang từ 100.000 USD lên 250.000 USD.

Chứng khoán vẫn còn hỗn độn

Trước khi dự luật được thông qua, Phố Wall đã có phiên mở cửa lạc quan hơn do các nhà đầu tư kỳ vọng kế hoạch giải cứu sẽ được thông qua. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng lên gần 300 điểm, tương đương 1,79%, và Nasdaq tăng 2,8%. Tuy nhiên, sau khi kết quả bỏ phiếu thành công được công bố, chỉ số chứng khoán đã tụt dốc trở lại do thị trường đang cố gắng “tiêu hóa” thông tin này.

Bên cạnh đó, thị trường tài chính đã phải gánh chịu những thông tin xấu với báo cáo nền kinh tế đang suy yếu và số liệu được công bố đã có 159.000 người bị thất nghiệp trong tháng 9 - tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, do đó đã có những phản ứng trái ngược sau khi Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua dự luật. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã kết thúc phiên giao dịch trong ngày với mức giảm 157 điểm.

Trước đó trong ngày, các thị trường châu Á lại sụt giảm với chỉ số Nikkei của Nhật Bản đóng cửa phiên cuối tuần giảm 215,05 điểm xuống còn 10.939,71, tức 1,9% - mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông rớt 2,9% xuống còn 17.682,40 điểm và tất cả các chỉ số trong khu vực đều đồng loạt giảm điểm.

Thị trường châu Âu đứng giá trong phiên giao dịch buổi sáng, nhưng sau đó đã phục hồi khi Phố Wall mở cửa giao dịch với các chỉ số FTSE 100 của Anh, CAC của Pháp và DAX của Đức tăng tương ứng là 2,15%, 2,96% và 2,55%.

Quỳnh Đan - Nhật Lê (Theo CNN Money, AP, IHT, Financial Times)

TIN LIÊN QUAN:
>>> Thượng viện Mỹ thông qua gói giải cứu tài chính 700 tỷ USD
>>> Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu gói cứu trợ tài chính
>>> Kế hoạch giải cứu thị trường tài chính Mỹ bị bác bỏ
>>>
Mỹ công bố kế hoạch giải cứu thị trường tài chính
>>> Quốc hội và Nhà Trắng đạt được thỏa thuận sơ bộ về kế hoạch giải cứu tài chính
>>> Tổng thống Bush: Toàn bộ nền kinh tế Mỹ đang gặp nguy hiểm        
>>> FBI điều tra các đại gia tài chính Mỹ
>>> Thêm những bất an cho Phố Wall: cổ phiếu giảm, giá dầu tăng vọt 
>>> Giải cứu thị trường tài chính
>>> Mỹ tuyên bố kế hoạch giải cứu, Phố Wall phục hồi
>>>
Lại một đêm ác mộng của Phố Wall
>>> Thị trường châu Á dần phục hồi sau khi AIG được giải cứu
>>> Chính phủ Mỹ bơm 85 tỉ USD cứu AIG
>>> Khủng hoảng tài chính Mỹ, thị trường toàn cầu chao đảo

;
.
.
.
.
.