Ngày mai (22-11), các nhà lãnh đạo APEC sẽ gặp gỡ ở Lima, Peru trong nỗ lực phục hồi các vòng đàm phán thương mại toàn cầu đang “hấp hối”, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới hiện nay.
Các đại biểu dự hội nghị cấp bộ trưởng APEC ở Lima. |
APEC hiện có 21 nước thành viên, bao gồm cả nước phát triển và đang phát triển. Trong đó, 9 thành viên của tổ chức này cũng đồng thời là thành viên G20. Thứ trưởng Ngoại giao Peru cho biết, hội nghị Lima lần này sẽ đưa ra một tuyên bố chung về khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong đó sẽ bao gồm việc nâng cao giám sát thị trường vốn toàn cầu, đặc biệt là thị trường tài chính, tăng cường quyền phát biểu của các nước đang phát triển trong hệ thống tài chính thế giới.
Từ khi thành lập đến nay, APEC luôn coi việc giảm bớt các rào cản thương mại, đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực là nhiệm vụ chính. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đối với nền kinh tế thế giới hiện nay đang không ngừng tăng lên, các hoạt động đầu tư và thương mại trên phạm vi toàn cầu cũng bắt đầu xuất hiện chiều hướng giảm sút rõ rệt.
Trước tình hình đó, không ít quốc gia và khu vực đã áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, hạn chế hàng nhập khẩu, nhằm bảo vệ thị trường và hoạt động sản xuất trong nước. Việc coi trọng chủ nghĩa bảo hộ thương mại không chỉ làm tăng những va chạm và mâu thuẫn giữa nhiều tổ chức hợp tác trong khu vực, mà còn khiến tương lai các vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại thế giới vốn đã đầy rẫy khó khăn lại càng trở nên ảm đạm hơn.
Các bộ trưởng ngoại giao và thương mại đến từ 21 quốc gia thuộc APEC nhất trí rằng, vòng đàm phán thương mại Doha nên được nối lại như đề nghị trong tuyên bố chung của hội nghị G20 ở Washington hôm 15-11. Ngoại trưởng Australia Stephen Smith phát biểu với các phóng viên rằng: “Đã đến lúc vòng đàm phán Doha phải được kết thúc, và tôi nghĩ đó là chủ đề chính của APEC tuần này”. Ông Smith nhấn mạnh: “Trong cuộc họp Thượng đỉnh diễn ra vào ngày 22 và 23-11, các nhà lãnh đạo APEC dự kiến sẽ “yêu cầu các bộ trưởng thương mại gặp gỡ trong năm nay trong một nỗ lực đưa vòng đàm phán Doha tới một kết thúc thành công”.
Đại diện Thương mại Mỹ Susan Schwab cho biết, cuộc gặp của các bộ trưởng “tập trung bàn thảo về cách thức chúng ta thực hiện bước đột phá này”. Trong khi đó, theo một quan chức Chính phủ Nhật, tại cuộc gặp cấp bộ trưởng, tất cả “các nền kinh tế đều ủng hộ kết quả của hội nghị G20 ở Washington” và đều có cùng chung quan điểm “APEC chống chủ nghĩa bảo hộ”.
Vòng đàm phán Doha đã gần như quay trở lại vạch xuất phát 7 năm trước, sau thất bại tại trụ sở của Tổ chức Thương mại thế giới ở Geneva hồi tháng 7, do có sự bất đồng giữa Mỹ và Ấn Độ về vấn đề vải bông. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo coi đây chỉ là một trở ngại nhỏ và cần được giải quyết để thông đường cho thỏa thuận thương mại thế giới ra đời. Hội nghị APEC cũng được cho là sẽ thể hiện sức mạnh chính trị tăng cao của các nền kinh tế đang nổi, những nước vốn đã ngồi ngang bằng với các nước giàu có tại Hội nghị G20 ở Washington vừa qua.
BĂNG CHÂU (Tổng hợp)