.

APEC cổ xúy mậu dịch tự do

.

Trong tuần qua, Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra tại thủ đô Lima, Peru trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan rộng tại một số nước có nền kinh tế đầu tàu như Mỹ, Đức, Nhật Bản. Do đó, để vực dậy nền kinh tế toàn cầu hiện nay, các nhà lãnh đạo thế giới khẳng định, chủ nghĩa bảo hộ chỉ làm tình hình kinh tế hiện tại thêm trầm trọng. Việc đạt được một tuyên bố chung giữa các thành viên trong APEC được xem là một kết quả thành công của hội nghị lần này. Đó là không nâng các rào cản thương mại trong năm tới, nhằm tránh làm trầm trọng thêm khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Bush đàm phán với các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC bên lề cuộc họp tại Lima, Peru.
Tuyên bố chung nêu rõ: “Có một nguy cơ rằng, nhiều nền kinh tế sẽ kêu gọi các biện pháp bảo hộ do tăng trưởng kinh tế thấp. Tuy nhiên, điều đó chỉ khiến khủng hoảng hiện tại gia tăng”. APEC cũng ủng hộ tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Các nhà lãnh đạo APEC khẳng định: “Chúng tôi ủng hộ Tuyên bố Washington và sẽ không nâng các rào cản trong đầu tư, thương mại hoặc dịch vụ trong vòng 12 tháng tới”.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak phát biểu: “Nhiều công ty sẽ phá sản, vô số công việc sẽ bị mất đi trong khi các quốc gia nhỏ và nghèo sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ George Bush yêu cầu, các quốc gia APEC - vốn đóng góp một nửa hoạt động kinh tế toàn cầu - dựa vào hoạt động thị trường tự do để giải quyết khủng hoảng kinh tế. Các chính phủ cần thiết phải chống lại xu hướng sửa sai bằng việc áp dụng những điều luật mà sẽ kiềm chế cải tổ và kìm hãm phát triển. Ông Bush cho biết thêm:

“Một trong những bài học lâu dài có từ thời kỳ Đại suy thoái, đó là: Bảo hộ toàn cầu là con đường dẫn tới hủy diệt kinh tế toàn cầu”. Tổng thống Bush cũng cam kết, trong hai tháng cuối của nhiệm kỳ Tổng thống, ông sẽ “thúc đẩy mạnh” để có được một thỏa thuận nhằm giúp hoàn tất vòng đàm phán Doha của WTO. “Tôi biết rằng, chỉ còn hai tháng nữa là tôi hết nhiệm kỳ, tuy nhiên, Chính phủ Mỹ sẽ thúc đẩy để mọi việc đâu ra đó nhằm cho vòng đàm phán Doha có thể hoàn tất, và chúng ta sẽ phát đi một thông điệp rằng, chúng ta từ chối bảo hộ trong thế kỷ 21”, ông Bush nói.

Được thành lập năm 1989 với mục tiêu khuyến khích tự do trao đổi mậu dịch trên thế giới, khối APEC có số dân 2,6 tỷ người, tương đương 41% dân số thế giới, chiếm 61% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu và 47% thương mại thế giới. Theo chương trình, hội nghị thượng đỉnh lần này đưa ra dự án khu vực tự do thương mại trong toàn vùng châu Á và Thái Bình Dương.
 
Tổng thống nước chủ nhà Peru Alan Garcia nhận định, APEC là công cụ tốt nhất chống lại khủng hoảng thế giới. Theo ông, vào thời điểm hiện nay, kinh tế các nước ven bờ Thái Bình Dương là tự do nhất, rộng lớn nhất và có mức độ trao đổi hàng hóa nhiều nhất. Nền kinh tế này tăng nhanh nhất và sẽ trở thành động lực giúp chúng ta thoát khỏi khủng hoảng.

Có thể nói, Hội nghị G20 vừa diễn ra ở Washington cũng như Hội nghị APEC lần này cho thấy rõ quyết tâm chính trị của các nước muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng thông qua việc thúc đẩy tự do trao đổi mậu dịch toàn cầu. Các nước APEC được mong đợi sẽ phê chuẩn cam kết hoàn tất khuôn khổ vòng đàm phán Doha vào cuối tháng 12. Tuy nhiên, rõ ràng là các nước không mong chờ một động thái thực sự nào về vấn đề này cho tới khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử Obama nhậm chức vào tháng 1. Và liệu các nước có chấp nhận hy sinh quyền lợi kinh tế hay không, thì còn phải chờ vào những hành động cụ thể ở phía trước.
                                            
GIA HUY

;
.
.
.
.
.