.
BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ

Kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố vào hôm nay

.

Chiều tối 4-11 (giờ VN), ngày bầu cử chính thức ở Mỹ đã bắt đầu. Ngoài việc bầu Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ, việc tuyển chọn cũng được tiến hành với tất cả các ghế ở Hạ viện và 1/3 số ghế ở Thượng viện.

Tanner Tillotson - Cử tri đầu tiên bỏ phiếu tại Dixville Notch.

11 Thống đốc bang cũng như hàng loạt vị trí trong Hội đồng lập pháp bang và người nắm giữ chức vụ tại các cơ quan bang được bầu. Kết quả bỏ phiếu Tổng thống Mỹ sớm nhất dự kiến được công bố sau khi điểm bỏ phiếu tại bang Indiana, Kentucky đóng cửa vào lúc 6 giờ chiều ngày 4-11 (tức ngày 5-11 giờ VN).

Obama giành chiến thắng đầu tiên trong ngày bầu cử

Ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama đã giành chiến thắng trước đối thủ McCain với tỷ lệ 15/6 và 17/10 khi kết quả kiểm phiếu sớm nhất được công bố tại Dixville Notch và Hart’s Location, bang New Hampshire.

Theo truyền thống đã có từ 60 năm qua, Dixville Notch và Hart’s Location là những điểm đầu tiên trên nước Mỹ mở cửa các điểm bỏ phiếu, vào lúc 0 giờ sáng ngày bầu cử chính thức. Năm nay, có 100% cử tri ở làng này đã đi bỏ phiếu. Ngay từ những phút đầu tiên của ngày 4-11 giờ Mỹ (trưa cùng ngày, giờ VN), tiếng hò reo đã vang lên cùng với thông báo về kết quả kiểm phiếu. Đây là lần đầu tiên, làng Dixville Notch nghiêng về ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ.

Theo thông báo từ Hart’s Location, Obama có 17 phiếu, McCain có 10 phiếu và Ron Paul có 2 phiếu. Ứng cử viên độc lập Ralph Nader có tên trên phiếu bầu Tổng thống của cả hai làng nhưng không được phiếu ủng hộ nào. Tanner Nelson Tillotson, một ủng hộ viên của Obama cũng là cử tri đầu tiên ở Dixville Notch, cho biết: “Tôi sẽ không nói rằng, tôi không hề ngạc nhiên”.

Tất cả các cử tri đủ tư cách tại Dixville Notch và Hart’s Location, có tổng cộng 115 người, đều đi bỏ phiếu vào lúc rạng sáng ngày bầu cử. Kể từ năm 1948, hai làng này là những nơi tiến hành bầu cử sớm nhất vào đúng ngày bỏ phiếu chính thức. Việc bỏ phiếu được tiến hành trong một căn phòng của một khách sạn địa phương. Mỗi cử tri có một buồng bỏ phiếu riêng. Các lá phiếu được kiểm rất nhanh và được công bố. Mặc dù có nhiều nơi khác bỏ phiếu sớm hơn nhưng hai ngôi làng nhỏ này là nơi đầu tiên chính thức công bố kết quả của ngày bầu cử.

Trong ngày bầu cử, hai ứng cử viên đã trở lại tiểu bang quê nhà là Arizona và Illinois để bỏ lá phiếu của chính mình và chờ đợi kết quả. Hầu hết các trạm bỏ phiếu ở khu bờ đông mở cửa vào lúc 6 giờ sáng (tức 18 giờ VN). Ông McCain đã tiếp tục chiến dịch của mình trong ngày bầu cử với một bài diễn văn lúc sáng sớm ở Prescott, Arizona.

Đại diện Đảng Cộng hòa cam kết với người ủng hộ rằng,  ông McCain và người đồng tranh cử, bà Sarah Palin, sẽ “thay đổi mọi thứ ở Washington”. Ứng cử viên McCain nhấn mạnh: “Chúng ta đang tiến gần tới các trạm bầu cử. Tất cả những gì chúng ta làm là đi bỏ phiếu. Tôi sẽ không bao giờ có thể báo đáp các bạn, ngoại trừ việc nói với các bạn rằng, tôi sẽ không bao giờ để các bạn thất vọng... Hãy cùng đi bỏ phiếu và chiến thắng cuộc bầu cử này và đưa đất nước chúng ta tiến lên”.

Tại cuộc mit-tinh cuối cùng ở ngoại ô Washington D.C, ông Obama xuất hiện trước đám đông chừng 10.000 người. Trong bài diễn thuyết cuối cùng, ông Obama đã nỗ lực để trở thành Tổng thống gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ khi nói về sự đoàn kết dân tộc.

Khoảng 130 triệu người Mỹ được cho là đi bỏ phiếu, một con số cao hơn so với bất kỳ một cuộc bầu cử nào kể từ năm 1960. Khoảng 27 triệu người đã bỏ phiếu sớm từ tối ngày 1-11. McCain vận động tranh cử cho tới gần 3 giờ sáng ở Prescott, Arizona.

Vẫn còn 255 ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng

Mọi thông tin về bầu cử 2008 ở Mỹ hầu như chỉ tập trung vào hai ứng cử viên Barack Obama và John McCain. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn 255 ứng cử viên khác tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ trong ngày bầu cử 4-11. Danh sách chính thức của Ủy ban bầu cử Liên bang còn bao gồm đại diện của một số đảng nhỏ như Đảng Xã hội, Đảng những người tán thành tự do, Đảng Xanh và Đảng Cải cách.

Tuy nhiên, nó chưa dừng lại ở đây. Trên lá phiếu tại bang Colorado còn có tên ứng cử viên của Đảng theo chủ nghĩa Hòa bình nước Mỹ - Bradford Lyttle. Ứng cử viên này tranh cử trên cương lĩnh rút toàn bộ binh lính khỏi Iraq, giảm chi phí quốc phòng xuống con số không và chuẩn bị một cuộc kháng chiến không vũ lực nhằm chống lại một cuộc xâm lấn có thể xảy ra.

Một ứng cử viên khác cũng lo lắng về một cuộc xâm lược là John Taylor Bowles của Phong trào Xã hội chủ nghĩa dân tộc. Ứng cử viên này cam kết sẽ đưa ra các chính sách: Chăm sóc sức khỏe miễn phí, không thất nghiệp và “tái định cư nhân đạo những người không phải là da trắng”.

Chiến thắng cuối cùng của một ứng cử viên tổng thống sẽ được quyết định bởi số phiếu đại cử tri mà họ có được. Theo luật, các bang được phân bổ phiếu đại cử tri theo dân số, bang nhiều nhất là California với 55 phiếu. Một ứng cử viên cần có ít nhất 270 phiếu đại cử tri để vào Nhà Trắng. Các cuộc trưng cầu đều cho thấy, cuộc đua tổng thống sẽ diễn ra gay gắt nhất ở các bang Florida, Indiana, Missouri, Bắc Carolina và Ohio. McCain dẫn trước ở Indiana và Bắc Carolina trong khi Obama thắng ở các bang còn lại.

BĂNG CHÂU (Theo Ria Novosti, AP) 

;
.
.
.
.
.