.

Chăn bò giữa thủ đô

.

Brajveer Singh không đội mũ rộng vành, không mang ủng da, thậm chí không mặc quần jean nhưng anh xứng đáng là một “cao-bồi” đô thị thứ thiệt: Singh cùng với vài chục thanh niên khác suốt ngày săn bắt lũ bò trên các đường phố - công việc của anh là một phần trong cuộc đấu tranh lâu dài và rắc rối nhằm giúp thủ đô New Delhi (Ấn Độ) xóa bỏ nạn bò đi lang thang.

Bò nghênh ngang trên đường phố thủ đô New Delhi.
Không có hình ảnh tương phản nào nói nhiều về đất nước Ấn Độ hơn là cảnh những chú bò hồn nhiên sải bước giữa đường phố đông đúc, chẳng thèm quan tâm tới dòng xe cộ ồn ào chung quanh. Người theo Ấn Độ giáo coi bò là con vật linh thiêng; bò được phép đi tới bất kỳ chỗ nào chúng muốn, ngay cả trong nội thành, nơi người Ấn đối xử với bò giống như người Âu Mỹ đối với chim bồ câu – một bộ phận chẳng đẹp đẽ gì nhưng không tách rời khỏi cảnh quan đô thị.

Tuy vậy ở thủ đô Delhi, từ lâu dân chúng đã không chịu đựng nổi nạn bò đi lang thang; chúng làm tắc đường và gây tai nạn giao thông; chúng phá hoại những bồn hoa để tìm thức ăn; chúng rải phân đầy phố và đôi khi những cặp sừng nhọn của chúng làm móp méo xe cộ và gây hoảng sợ cho khách bộ hành.

Năm 2002, trước những than phiền của công dân, tòa án thành phố ra lệnh “giải tỏa” bò khỏi các tuyến phố. Nhưng đã sáu năm qua, bò vẫn còn đấy. Tháng 9 vừa qua là hạn chót, sau nhiều lần trì hoãn, để thi hành án lệnh của tòa nhưng tình hình vẫn chưa thay đổi. “Cho đến nay, nỗ lực của chúng tôi chưa mang lại kết quả mong muốn. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết vấn đề trước ngày khai mạc Đại hội Thể thao khối Thịnh vượng chung tại New Delhi năm 2010”, ông Vijender Kumar Gupta, phụ trách giám sát việc thu gom bò ở thủ đô, nói. Lực lượng chính để giải quyết vấn đề này là anh thanh niên Brajveer Singh và 164 đồng nghiệp của anh – những chàng cao bồi thành phố.

*

Bắt bò giữa phố là việc làm khó khăn và nguy hiểm!
Mỗi buổi sáng, Singh và bảy người trong đội tập trung trên một chiếc xe tải cũ đi tìm bò lạc và hốt những đống phân bò có từ ngày hôm trước. Công việc rất nguy hiểm; họa hoằn lắm họ mới được dùng phi tiêu có tẩm thuốc mê hoặc súng cao su, còn thường xuyên họ chỉ sử dụng dây thòng lọng và sức mạnh kinh người của cơ bắp để khống chế lũ bò. Chúng tinh khôn lẩn vào dòng xe cộ hoặc chống cự dữ dội để chạy trốn.

“Bí quyết chính là khi đã nắm được sừng bò, ta phải giữ thật chặt, không để tuột tay”, Singh nói. Trong đội của anh ai cũng đã từng bị thương, từ trặc tay đến gãy xương, có người mất một con mắt. Nhưng theo những chàng bắt bò, thì bò không nguy hiểm bằng những con người mà họ va chạm trong công việc. Đôi lúc người bắt bò phải đánh nhau với cánh lái xe đang tức giận vì công việc bắt giữ những con bò cũng gây tắc nghẽn giao thông. Có khi người bắt bò bị những kẻ sùng tín ném đá.

Nhưng đáng chú ý hơn là hàng chục ngàn người nuôi bò sữa hoạt động khắp thành phố. Bò đi lang thang bị chính quyền xếp vào loại “bò lạc”, song thực chất nhiều chú bò như vậy có chủ nhân là những người nuôi bò sữa bất hợp pháp. Những người này thường phản ứng dữ dội khi các đội “cao-bồi” xuất hiện. Brajveer Singh từng bị những người này đánh rách da đầu phải khâu tới bảy mũi.

Công việc nguy hiểm như vậy nhưng người bắt bò chỉ được trả công mỗi tháng khoảng 10.000 rupi, tương đương 250 đô-la Mỹ. Lương thấp, công việc nguy hiểm nhưng họ đều bằng lòng vì được làm cho Nhà nước, công việc ổn định và có bảo hiểm y tế. Ngoài ra, là những tín đồ Ấn Độ giáo, họ thấy có phần linh thiêng trong công việc của mình.

Khi đã bắt được đủ số bò “định mức” (mỗi người bắt khoảng 9, 10 con bò mỗi ngày) họ cho xe về trạm để đăng ký. Ở đó, con bò được gắn chip điện tử để theo dõi.

Dùng thòng lọng để bắt bò
Thỉnh thoảng, thành phố tổ chức bán đấu giá những đàn bò bắt được. Người mua đấu giá phải bảo đảm rằng họ sẽ đưa đàn bò ra khỏi thành phố, đến các vùng ngoại ô; nhưng sau khi mua bán, quan chức chính quyền phát hiện ra lệnh cấm này thường xuyên bị vi phạm. Để tránh lặp lại hiện tượng này, từ hai năm nay, thành phố không bán bò mà giao cho một trong năm trại nuôi bò do chính quyền quản lý ở ngoại ô.
 
Về lý thuyết, việc gắn chip điện tử cho bò sẽ ngăn các chủ trại bán bò cho các chủ nuôi bất hợp pháp, hoặc thả rông chúng trở vào thành phố. Nhưng những người bắt bò nói rằng, chuyện bắt đi bắt lại cùng một con bò vẫn thường xảy ra. Theo ông Gupta, những kẻ nuôi bò bất hợp pháp đôi khi cũng chạy chọt để được lãnh ra những con bò vừa bị họ bắt và chính luật lệ không nghiêm là yếu tố chính khiến cho nỗ lực quét sạch bò khỏi thủ đô bị vô hiệu hóa suốt mấy năm qua.

Chính quyền thủ đô Delhi nói, trong hai năm qua, họ đã bắt được hơn 20.000 con bò; nhưng vẫn dự tính còn từ 5.000 đến 12.000 con bò lang thang trên phố. “Tôi không nghĩ rằng, một ngày nào đó New Delhi sẽ vắng bóng bò, nếu không có biện pháp quyết liệt hơn”, ông Gupta nói.

THÁI BÌNH (Theo New York Times)

;
.
.
.
.
.