(ĐNĐT) - Cử tri Mỹ trên khắp cả nước trong ngày hôm qua (4-11) đã tập trung đông đảo tại các địa điểm bầu cử để bỏ phiếu cho vị Tổng thống thứ 44, kết thúc chiến dịch tranh cử kéo dài nhất và cũng tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Cuộc bầu cử mang tính lịch sử
Thượng nghị sĩ Barack Obama đã tới các điểm bỏ phiếu vào sáng sớm ngày thứ ba, “nổ phát súng” đầu tiên cho một trong những cuộc bầu cử Tổng thống mang tính lịch sử nhất nước Mỹ. Ông Obama và vợ, Michelle, cùng bỏ phiếu tại trường Tiểu học Shoesmith ở Chicago, bang Illinois, trong khi 2 con gái của họ là Sasha và Malia đứng xem ở bên cạnh.
Ông Obama và vợ bỏ phiếu tại trường tiểu học Shoesmith ở Chicago, bang Illinois. Ảnh: Reuters. |
Ngay khi ông rời khỏi địa điểm bỏ phiếu, Thượng nghị sĩ Joe Biden cùng vợ, Jill, tới trường Tatnall ở Wilmington, Delaware để điền vào lá phiếu của mình. Sau đó ông Biden sẽ tới bang trọng yếu Virginia, trước khi tới Chicago nơi các ứng viên đảng Dân chủ sẽ theo dõi kết quả bầu cử.
Trong khi đó, ứng viên đảng Cộng hòa John McCain có mặt ở Phoenix, Arizona lúc gần trưa trong ngày thứ ba. Ông đã bỏ phiếu tại một giáo hội ở đây trước khi đến thăm Grand Junction thuộc bang Colorado, và Albuquerque, bang New Mexico như dự kiến. Cả hai bang Colorado và New Mexico đều đã bỏ phiếu cho Tổng thống Bush năm 2004, nhưng những cuộc thăm dò gần đây nhất cho thấy họ đã nghiêng về phía ông Obama trong lần bầu cử này.
Sau các hoạt động cuối cùng của chiến dịch, ông McCain sẽ quay lại Phoenix, “tề tựu” cùng bà “phó” của mình là Thống đốc bang Alaska Sarah Palin. Bà Palin cũng đã nhanh chóng hoàn thành việc bỏ phiếu tại tòa thị chính ở Wasilla, Alaska.
Ông McCain và vợ bỏ phiếu tại Phoenix, Arizona. Ảnh: AP |
Dù bất kỳ ai là người giành chiến thắng trong cử tri đoàn đi nữa thì cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008 sẽ vẫn là một cuộc bầu cử mang tính lịch sử bởi nước Mỹ sẽ đưa hoặc một người Mỹ gốc Phi, hoặc vị người có nhiệm kỳ đầu già nhất lên làm chủ Nhà Trắng. Việc ông McCain chiến thắng cũng đồng nghĩa với việc lịch sử nước Mỹ sẽ có nữ Phó Tổng thống đầu tiên.
Tại thị trấn Dixville Notch, New Hampshire, 100% số cử tri đăng ký - tất cả 21 cử tri - đã đi bỏ phiếu ngay sau nửa đêm, vào những khoảnh khắc đầu tiên trong buổi sáng thứ ba. Và cũng tại điểm bỏ phiếu mở cửa sớm nhất trong ngày, ông Obama đã giành được nhiều lá phiếu hơn với tỷ lệ 15/6. Đây là lần đầu tiên thị trấn này bỏ phiếu ủng hộ cho một ứng viên đảng Dân chủ kể từ năm 1968. Thị trấn Dixville Notch đã giữ được truyền thống bỏ phiếu sớm nhất nước trong vòng 60 năm qua, với số lượng cử tri tham gia là 100%. Ông Obama vẫn đang dẫn trước hoặc theo sát ông McCain tại các bang khác, có nghĩa rằng ông có nhiều con đường dẫn tới chiến thắng hơn.
Cử tri xếp hàng bỏ phiếu và những sự cố đầu tiên
Cuộc bầu cử Tống thống Mỹ năm nay cũng lập được con số kỷ lục về bầu cử sớm. Từ ngày 3-11, đã có hơn 24 triệu cử tri bỏ phiếu. Các chuyên gia bầu cử dự đoán rằng sẽ có hơn 1/3 tổng số cử tri đi bầu trước Ngày Bầu cử. Cuộc bầu cử này cũng đã được chứng minh là tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, và ngày thứ ba cũng đánh dấu điểm dừng của mùa chiến dịch vận động tranh cử kéo dài nhất từ trước tới nay - gần 21 tháng.
Cử tri Mỹ xếp hàng đợi bỏ phiếu. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, các cử tri đang hăng hái đóng góp lá phiếu của mình trong cuộc đua lịch sử giữa ông Obama và ông McCain lại được chào đón bằng việc phải xếp hàng và nhiều máy bỏ phiếu bị hỏng, hoặc đơn giản là không được lắp đặt đầy đủ ở một số địa điểm bầu cử, khiến những nơi này trở nên “ùn tắc” cử tri đi bầu ngay khi bình minh của Ngày Bầu cử vừa mới ló dạng.
Từng đoàn người xếp thành hàng dài trong mưa ở Richmond, bang Virginia, nơi Hạt Henrico phải chuyển sang dùng lá phiếu giấy sau khi 5 đến 7 chiếc máy bị hỏng.
Tại một vài khu vực thuộc bang New Jersey, các cử tri cũng phải dùng lá phiếu giấy thay cho các máy bỏ phiếu điện tử đã bị hỏng. Ở New York, phát ngôn viên Ban Bầu cử Valerie Vazquez-Rivera cho biết nhiều người đã có mặt từ 4 giờ sáng tại một số điểm bầu cử, chờ đến giờ mở cửa là 6 giờ để tránh phải xếp hàng. Nhân viên theo dõi bầu cử tại Chappaqua, New York, John Ritch cho biết chỉ mới 7h30 sáng ngày 4-11, số người đến bỏ phiếu đã đạt bằng con số đến tận trưa hồi năm 2004.
Ở Chesapeake, xấp xỉ 1.000 cử tri đã đứng xếp hàng để bỏ phiếu, và cũng có vài người cho biết rằng có nhiều máy không sử dụng được. Còn ở bang Ohio, bang đã từng có những trục trặc liên quan đến bầu cử trong quá khứ, phát ngôn viên Ben Piscitelli thuộc Ban Bầu cử của Hạt Franklin cho biết các quan chức địa phương một lần nữa lại phải xử lý các sự cố kỹ thuật như việc kẹt giấy trong các máy bỏ phiếu điện tử.
Nhật Lê (Theo CNN, BBC, AP)
TIN LIÊN QUAN:
>> Kết quả thăm dò phút cuối: Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ
>> Bầu cử Tổng thống Mỹ: Tâm trạng trước giờ G
>> 2 ngày trước bầu cử Tổng thống Mỹ: Obama tiếp tục dẫn điểm Mc Cain
>> Ứng cử viên Obama: Ưu tiên hàng đầu là phục hồi kinh tế và độc lập năng lượng