.

Gánh nặng của tân Tổng thống Mỹ Barack Obama

.

Sau hai năm nỗ lực vận động không mệt mỏi, ông Barack Obama, đảng Dân chủ, đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 4-11 vừa qua, trở thành vị tổng thống thứ 44 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, và là vị Tổng thống đầu tiên là người da màu và không xuất thân từ dòng dõi danh gia vọng tộc.
 

Barack Obama, vị Tổng thống thứ 44 của Mỹ vừa được bầu, sẽ nhậm chức vào ngày 1-1-2009 sắp tới.

Vượt qua mọi thành kiến về sắc tộc và gia thế, người Mỹ đã bỏ phiếu cho ông Obama với niềm hy vọng đây sẽ là người mang lại sự thay đổi mạnh mẽ mà nước Mỹ đang cần để vượt qua những trở lực hết sức nghiêm trọng trên con đường phát triển. Theo ý nghĩa đó, tân Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thừa kế một di sản không mấy thuận lợi từ người tiền nhiệm, Tổng thống George Bush, đảng Cộng hòa, mà ông có trách nhiệm phải thay đổi.

*

Nước Mỹ ngày nay là một đất nước mà của cải được dồn một cách phi lý từ đáy lên đỉnh. 1% dân số giàu nhất của Mỹ sở hữu khoảng 40% tài sản quốc gia và nắm giữ mọi cấp quyền lực. Hiện tượng này không chỉ bất công mà còn là nhân tố gây nên sự tự hủy hoại của nước Mỹ. Nước Mỹ không thể phát triển khi tầng lớp trung lưu đông đảo phải ra sức làm lụng và đóng thuế để nuôi dưỡng một thiểu số giàu có.

Tám năm cầm quyền của Tổng thống George Bush càng làm cho sự bất công giãn rộng thêm, vì đảng Cộng hòa có truyền thống dành ưu đãi cho giới tư bản và các đại công ty. Làm thế nào để điều chỉnh cán cân công bằng xã hội là một câu hỏi lớn mà tân Tổng thống Barack Obama phải đối mặt.

Dân Mỹ đi bỏ phiếu như đi dự hội

Về mặt văn hóa, Mỹ là nước mà sự ngu tối được biểu dương, trí tuệ (yếu tố cơ bản để sống còn trong thế kỷ 21) không chỉ bị coi nhẹ mà còn bị bêu riếu. Các cô đào Paris Hilton và Britney Spears trở thành những “biểu tượng văn hóa”.

Ở trường phổ thông, tỷ lệ bỏ học của học sinh Mỹ cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển; các môn toán và khoa học chẳng ai theo học vì quá khó cho những bộ óc chỉ tiếp thu thông tin qua màn ảnh truyền hình. Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft và là người giàu nhất thế giới, than thở: “Khi so sánh trường trung học của ta với những gì tôi chứng kiến khi đi công cán ở nước ngoài, tôi thật sự kinh hoàng về lực lượng lao động tương lai của đất nước”.

Người Mỹ đã quyết định không tiếp tục dung thứ cho sự lạc hậu và bất công đó mà hướng tới một đất nước thật sự vĩ đại, không chỉ nói suông về tự do, công bằng, cơ hội và công lý bằng những lời bóng bẩy. Quyết định thay đổi không đơn thuần là hành vi bỏ phiếu bầu ông Obama làm Tổng thống. Triển vọng lớn lao của nước Mỹ phụ thuộc vào một Chính phủ biết làm việc công khai và trung thực vì quyền lợi rộng rãi của người dân Mỹ chứ không phải vì lợi ích cục bộ và hạn hẹp của một thiểu số giàu có và thế lực.

*

“Sự thay đổi mà chúng ta tin” - khẩu hiệu tranh cử của Obama, cũng là niềm hy vọng của người Mỹ.

Nhưng nói dễ hơn làm; chỉ cần nhìn vào những con số về tình hình tài chính của Chính phủ Mỹ đủ thấy trở lực mà tân Tổng thống Obama phải vượt qua là nghiêm trọng đến mức nào. Ngay trước khi các phòng phiếu mở cửa, Chính phủ Mỹ công bố sẽ phải vay mượn 550 tỷ đô-la trong ba tháng cuối năm nay và dự kiến vay thêm 368 tỷ đô-la trong quý 1 năm 2009 để thanh toán cho chương trình cứu nguy hệ thống tài chính.
 
Cùng lúc đó Bộ Thương mại Mỹ cho biết, sản lượng hàng công nghiệp giảm sút mạnh trong tháng 9 - tháng thứ hai liên tiếp, khi người tiêu dùng và doanh nghiệp ra sức thắt lưng buộc bụng để đối phó với khủng hoảng. Trên thị trường xe hơi - chỉ dấu quan trọng của kinh tế Mỹ - lượng xe hơi bán ra trong tháng 10 của General Motors giảm 45%, của Ford giảm 30%, của Honda Motor giảm 25% và Toyota Motor giảm 23%. Tính chung trong quý 3-2008, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 0,3% và quý 4 này dự báo sẽ tệ hại hơn nữa, ngấp nghé ngưỡng suy thoái.

Sản xuất và tiêu thụ đình đốn, số thuế thu được sút giảm cộng với chi tiêu tăng vọt khiến ngân sách của Chính phủ Mỹ bị thâm hụt nghiêm trọng; chính quyền một số tiểu bang và thành phố không còn ngân quỹ để hoạt động. Các nhà kinh tế dự tính năm nay thâm hụt ngân sách của Mỹ vào khoảng 988 tỷ đô-la, gấp đôi mức dự báo 482 tỷ đô-la đưa ra hồi tháng 7.

*

Tân Tổng thống Barack Obama quy trách nhiệm để xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cho chính sách kinh tế của Tổng thống Bush và chủ nghĩa tân tự do của đảng Cộng hòa, theo đó quyền tự do kinh doanh được tôn trọng tối đa, thị trường tự điều chỉnh và không cần sự can thiệp của Nhà nước.
 
Khi khủng hoảng trở nên nghiêm trọng vào cuối tháng 9-2008, chính đảng Cộng hòa cũng đã phải thay đổi đường lối, bật đèn xanh cho Chính phủ Bush can thiệp quyết liệt vào thị trường tài chính -ngân hàng để ngăn ngừa một sự sụp đổ toàn diện. Ông Obama không coi nhẹ tính tự do của thị trường song quyết nâng cao vai trò của Nhà nước trong hoạt động kinh tế. Chính vì quan điểm này, ông bị đối thủ là ứng cử viên John McCain, đảng Cộng hòa, nhiều lần phê phán là người “theo chủ nghĩa xã hội”.

Trong cơn nước sôi lửa bỏng của kinh tế Mỹ, với vai trò một thượng nghị sĩ, ông Obama đề xuất một giải pháp kích thích, dành 175 tỷ đô-la để tái thiết các công trình hạ tầng và hoàn thuế cho người dân, qua đó tạo thêm việc làm và kích thích nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

Tăng thuế đối với người giàu (có thu nhập trên 250.000 đô-la mỗi năm) và giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, người cao niên là nội dung chính trong chính sách của Obama nhằm vực dậy nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Công cuộc ổn định nền kinh tế và khôi phục niềm tin của người dân đòi hỏi thời gian và người ta hy vọng Tổng thống mới sẽ thể hiện khả năng lèo lái của ông đối với con thuyền đất nước đang trong bãi đá ngầm của những cuộc khủng hoảng.

*

Hình ảnh nước Mỹ đã bị hoen ố nặng nề mấy năm qua do các chính sách “diều hâu” trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống G. Bush. Nhiệm vụ nặng nề của Obama là khôi phục cảm tình của thế giới đối với Mỹ. Ông tuyên bố sẽ đóng cửa ngay trại tù nhiều tai tiếng Guantanamo trên đất Cuba, rút hết quân Mỹ khỏi Iraq trong vòng 16 tháng và tăng cường quan hệ hợp tác với châu Âu, Đông Á, biến sự đối đầu với Nga và Trung Quốc của Chính phủ tiền nhiệm bằng một sự hợp tác có trách nhiệm…

Lựa chọn ông Barack Obama làm Tổng thống, cử tri Mỹ đã quyết định phải thay đổi vận mệnh đất nước, song đồng thời họ đặt lên vai nhà chính trị 47 tuổi này một gánh nặng không dễ cáng đáng.

Huỳnh Hoa

;
.
.
.
.
.