.

“Hiện tượng Obama”

.

Barack Obama đắc cử tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đang là một sự kiện làm chấn động thế giới. Từ Bắc Mỹ đến châu Mỹ Latinh, từ châu Âu sang châu Á, không phải chỉ chính giới chú tâm theo dõi hành trình tiến vào Nhà Trắng của Obama, mà những người dân bình thường đều hồi hộp dõi theo diễn biến đầy kịch tính của hành trình ấy.

Hiện tượng Obama không chỉ là một sự kiện của một quốc gia dù đó là một siêu cường, mà là một hiện tượng mang tầm vóc nhân loại ở thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI với những biến động dồn dập.

Barack Obama và vợ Michelle trong niềm vui chiến thắng. (Ảnh: Reuters)

Gọi là “hiện tượng”, vì khi nhân dân Mỹ bầu một người Mỹ gốc Phi làm tổng thống thứ 44 của mình, họ đã chọn sự thay đổi. Nghĩa là với Obama, thế giới đang ghi nhận một cột mốc trong hành trình tư duy của con người trên con đường chưa có tên trên bản đồ. Trên hành trình đó, Obama là một “hiện tượng” nổi bật đáng suy ngẫm.

Sinh năm 1961, vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ không giống như phần lớn những người từng bước vào Nhà Trắng với niềm kiêu hãnh vì được xuất thân từ danh gia vọng tộc, nhiều đời là những thống đốc, thượng nghị sĩ vốn dòng dõi của những gia đình triệu phú... Mẹ của Obama là một phụ nữ da trắng kết hôn với một người Kenya.

Cuộc hôn nhân của họ bị đổ vỡ khi Obama mới 2 tuổi. Ông Barack Hussein Obama trở về Kenya. Với cuộc sống nghèo khổ, thêm tật nghiện rượu, ông qua đời năm 1982. Obama ở với mẹ, rồi bà Ann Dunham tái hôn với một người gốc Indonesia. Vì vậy, năm 1967, Obama theo học ở các trường tiểu học ở Jakarta - nơi chỉ giảng dạy bằng tiếng Indonesia. Quá khứ trắc trở so với các bạn da trắng cùng lứa tuổi đã từng đẩy Obama vào khủng hoảng như chính ông đã viết trong cuốn tự truyện “Giấc mơ của cha tôi” năm 1995.

Nhưng những năm tháng tuổi trẻ khá buồn tủi ấy đã không dìm Obama xuống vực. Anh trở về Los Angeles, được vào học tại Đại học Occidental, để rồi tại đây khởi đầu con đường mới bằng một bài phát biểu trong cuộc biểu tình của sinh viên chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Từ đó, sau 4 năm tại Đại học Columbia, Obama chuyển đến Chicago với vai trò của nhà tổ chức hoạt động cộng đồng.
 
Cuối 1988, Obama vào học tại trường luật Harvard và cuối năm, do điểm số xuất sắc, Obama được nhận vào làm biên tập viên tạp chí Harvard Law Review danh tiếng để rồi trở thành chủ nhiệm tờ tạp chí đó. Từ đấy, luật sư Obama tiến vào con đường sự nghiệp chính trị bằng bản lĩnh và năng lực nổi trội của chính mình mà không hề có một bảo trợ về quá khứ gia đình dòng họ. Obama tự tin chinh phục cử tri của mình bằng quan điểm và trình độ hiểu biết sâu sắc của một người đã chiếm lĩnh được tri thức qua sự khổ luyện và dấn thân, với sự am hiểu thấu đáo về tầng lớp trung lưu, biết cách diễn đạt ý tưởng chính trị và hoài bão thay đổi nước Mỹ đi thẳng vào lòng người.

Gia đình Obama chia sẻ niềm vui chiến thắng. (Ảnh: Reuters)

Ông được cử tri lắng nghe, ủng hộ đúng như lời của McCain trong phát biểu chúc mừng thắng lợi của Obama: “Người Mỹ đã lên tiếng”. Khi người Mỹ bỏ phiếu cho Obama, họ đã bỏ phiếu cho một khát vọng đổi mới cuộc sống. Phải chăng vì cái đích đó mà cử tri Mỹ dám đưa vào Nhà Trắng một con người đã từng dằn vặt, trăn trở về thân phận hẩm hiu và tủi cực của mình với sự tự giày vò trong câu hỏi “tôi là ai”. Cũng đừng quên rằng hành trình của cuộc đua vào Nhà Trắng được khởi đầu khi không có nhiều tiền hay sự hậu thuẫn.

Obama giãi bày trong diễn văn đắc cử tổng thống tại công viên Grand Park ở Chicago: “Chiến dịch của chúng tôi không khởi động trong những đại sảnh ở Washington, nó bắt đầu tại sân sau của khu nhà Des Moines và các phòng khách của khu nhà Concord và cả hiên trước của khu Charleston. Chiến dịch này được xây dựng nhờ những người lao động đã đóng góp 5, 10 và 20 USD từ khoản tiền tiết kiệm ít ỏi của mình”. Và Obama xúc động nói với những cử tri đã chọn ông: “Đây là chiến thắng của chính các bạn. Tôi biết các bạn không chỉ làm việc đó để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và tôi biết các bạn cũng không làm điều đó vì cá nhân tôi. Các bạn đã làm điều đó vì hiểu rõ tầm cỡ của nhiệm vụ đang nằm ở phía trước”.

Với “hiện tượng Obama”, người ta hiểu thêm được rằng, biến đổi chính là một hằng số trong thế giới đầy bất định khó mà tiên liệu được hết. Sức sống mới của các khả năng thích nghi và đổi mới của thời đại đã sáng tạo nên những hợp trội của tiến hóa, tạo ra đây đó những trật tự mới có chất lượng tổ chức cao hơn cho cuộc sống.

Trong vòng 30 năm qua từ thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI, thế giới đã trải qua những biến động dữ dội với những sự kiện làm thay đổi diện mạo chính trị trên bản đồ các quốc gia mà trước những năm 90 của thế kỷ XX không ai có thể hình dung được. Cùng với những biến động chính trị và xã hội long trời lở đất, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động đến cuộc sống của cả loài người trên trái đất, nhất là những người nghèo, những nước nghèo, là những thiên tai dồn dập với những cơn sóng thần tàn phá các nước Nam Á và Đông Nam Á, những trận động đất khủng khiếp xảy ra trên đất nước đông dân nhất hành tinh…, đã cho chúng ta hiểu rõ về tính bất định và không dự đoán được của cái thế giới mà chúng ta đang sống.

Dòng chảy của cuộc sống ấy vẫn miệt mài không một phút giây ngừng nghỉ. Nói cuộc sống chính là nói sự vận động của tự nhiên và hoạt động của con người. Miệt mài không ngừng nghỉ, song không phải là cái trước tiếp cái sau theo trình tự tuyến tính mà luôn nảy sinh những nhân tố mới, những tương tác mới tạo ra khả năng nảy sinh những hợp trội không dự báo trước được. Trật tự mới, tổ chức mới là do các thành phần liên kết, tương tác với nhau mà cùng tạo thành, chứ không phải được lập nên do một mệnh lệnh nào từ bên ngoài, từ bên trên quyết định.

Trong dòng chảy miệt mài với những đột phá, những hợp trội ấy của cuộc sống, con người tiến vào những miền đất mới mà hành trang cần thiết nhất chính là đôi mắt mới, một tư duy mới. Nếu chỉ quen với con đường mòn, người đi sau dẫm lên dấu chân của người đi trước, sẽ dẫn đến thảm họa vì con đường mòn đó không có lối ra trong một thế giới đầy biến động với những bước đột phá mà mọi sự dự đoán đều không chắc chắn.

Không có một bản đồ vạch sẵn cho con đường phía trước. Những kinh nghiệm có sẵn, những phương pháp truyền thống không còn đủ cho hành trình của dân tộc đi về phía trước. Vì thế, sáng tạo và linh hoạt trong tư duy cũng như trong hành động phải là phẩm chất hàng đầu của con người Việt Nam đang sống trong thời đại của những biến động như chúng ta đang chứng kiến.

Với những đột phá ấy của cuộc sống, con người tiến vào những miền đất mới mà hành trang cần thiết nhất chính là “đôi mắt mới” nhìn vào cuộc sống để phân tích và hành động. Hiện tượng Obama góp thêm một giục giã phải có “đôi mắt mới” ấy.

TƯƠNG LAI

;
.
.
.
.
.