.
Hội nghị thượng đỈnh G20

Khẳng định vai trò của các nước mới nổi

.

Trong tuần qua, tại Washington (Mỹ), Hội nghị thượng đỉnh tài chính G20 diễn ra với hy vọng các nguyên thủ quốc gia thuộc 20 nước có nền kinh tế phồn thịnh và phát triển trên thế giới tìm ra những biện pháp cấp bách giúp hồi phục nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng.

Hội nghị thượng đỉnh G20 là ý tưởng của Tổng thống Pháp Sarkozy được Tổng thống Mỹ Bush ủng hộ. Tuy nhiên, nội dung mà hội nghị đề cập đến vẫn cần phải được thảo luận lâu dài, bởi G20 có nhiều sự khác biệt về chính trị và kinh tế giữa các nước thành viên.

Ngoài sự góp mặt của các nước công nghiệp hàng đầu như Mỹ, Nhật, Đức, Hội nghị còn có sự tham gia của các nước đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Argentina, Brazil và nhiều quốc gia khác, đại diện cho 85% nền kinh tế thế giới. Với những nền kinh tế đang nổi lên, ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh G20 đã rõ ràng, từ nay các nước đang nổi lên sẽ có vai trò lớn hơn trong việc quản lý kinh tế toàn cầu. Tổng thống Brazil Lula da Silva, tuyên bố: “Chúng ta đang nói về G20, vì lúc này G8 không còn lý do để tồn tại nữa”. 

Trước đó, trong bài diễn văn khai mạc hội nghị, Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng xác định, hội nghị thượng đỉnh G20 tập trung “tìm hiểu các nguyên nhân khủng hoảng tài chính và phát triển các quy tắc cải cách hệ thống tài chính”. Ông Bush cũng không quên nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa các nước đang nổi lên khi ông kêu gọi các nước này “thực hiện điều chỉnh phù hợp đối với các thị trường, các công ty và các sản phẩm tài chính”. “Chúng ta phải tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan tài chính quốc tế và thúc đẩy các chính sách cải cách lớn nhằm giúp cho hoạt động của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới trở nên minh bạch hơn, hiệu quả hơn”, Tổng thống Bush nói.

Trước sự đe dọa khủng hoảng tài chính lan rộng trên toàn cầu, hôm 15-11, các nhà lãnh đạo thế giới đã ủng hộ một kế hoạch hành động nhanh đối với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sau khi các nước nhất trí cần phải có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, có các quy định về thị trường tài chính tốt hơn và trao vai trò lớn hơn cho các nước đang nổi lên.

 Họ cũng tuyên bố quyết tâm phối hợp để đạt được những cải tổ cần thiết cho hệ thống tài chính toàn cầu. Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết, thỏa thuận mà các bên đạt được mang tính lịch sử. Trong khi đó, Tổng thống Bush thì nói rằng, từ bây giờ, các bộ trưởng tài chính sẽ vạch ra các đề xuất cải tổ chi tiết và sau đó báo cáo lại.

Phát biểu sau khi hội nghị kết thúc, Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết, nhóm G20 đã đi tới kết luận quan trọng “về thương mại, sự ổn định tài chính và về việc mở rộng nền kinh tế của chúng ta”. Trong khi đó, Tổng thống Nga Medvedev khẳng định, cơ cấu tài chính toàn cầu được thiết lập từ cuối Thế chiến II hiện đã lỗi thời. Theo nhà lãnh đạo Nga, các nước “cần thiết phải xây dựng kiến trúc tài chính quốc tế, bảo đảm hoạt động công bằng, hữu hiệu và hợp pháp”. Lãnh đạo G20 cũng thống nhất tái họp vào ngày 30-4-2009 ở London để đánh giá những tiến triển với sự tham gia của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack Obama.

Mặc dầu Hội nghị thượng đỉnh G20 đạt được một số thỏa thuận quan trọng, đặt nền móng cho các cải cách về hoạt động tài chính, tuy nhiên Tổng thống Mỹ Bush cũng khẳng định rằng: “Cuộc khủng hoảng tài chính không bộc lộ ngày một ngày hai nên không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều. Bên cạnh việc đối phó với tình trạng khủng hoảng hiện nay, chúng ta cũng cần thực hiện những chính sách cải cách sâu rộng hơn nữa để tăng cường sức mạnh về lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu”. 
                 
 
Các vấn đề trọng tâm được thông qua tại hội nghị:

- Cải tổ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế.

- Có được một thỏa thuận vào cuối 2008, dẫn tới một thỏa thuận thương mại tự do toàn cầu.

- Tăng cường sự minh bạch của thị trường tài chính và bảo đảm việc công bố chính xác và đầy đủ điều kiện tài chính của các công ty.

- Yêu cầu các bộ trưởng tài chính vạch ra một danh sách các tổ chức tài chính mà sự sụp đổ của nó sẽ đe dọa hệ thống kinh tế toàn cầu.

- Củng cố hệ thống quản lý tài chính của các nước.

- Có cái nhìn mới về các quy định quản lý thao túng và gian lận thị trường.

 
                     
BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.