.

Lá thư Harvard

LTS: TSKH Trần Văn Thọ, là Giáo sư kinh tế Trường Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản hiện đang nghiên cứu tại Trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Theo đề nghị của Tòa soạn Báo ĐÀ NẴNG, GS gửi cho chúng tôi loạt bài “Lá thư Harvard” gồm 4 bài: 1- “Xã hội Mỹ: Đa dạng và cơ hội bình đẳng”, 2- “Vất vả để thích nghi với lối sống Mỹ”, 3- “Bầu cử tổng thống Mỹ: “Tấn công” vào giới trung lưu” và 4- “Ở nơi phát sinh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu”. Đà Nẵng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài 1: Xã hội Mỹ: Đa dạng và cơ hội bình đẳng

Tối ngày 26 tháng 3 năm nay tôi từ Tokyo đến Cambridge, thành phố văn hoá thuộc tiểu bang Massachusetts của Mỹ. Thành phố nầy có hai đại học nổi tiếng là Harvard và MIT (Massachusetts Institute of Technology). Tôi sẽ nghiên cứu ở Đại học Harvard đến cuối tháng 12. Từ hôm ấy tôi đã bắt đầu một cuộc sống mới tại một xã hội rất khác với Nhật và Việt Nam. Ngoài nhiều cái vui ở xứ lạ, không ít cái vất vả phải thích nghi với một xã hội có văn hóa, lối sống rất khác với Nhật và Việt Nam.

Đại học Waseda (Tokyo) nơi tôi đang làm việc có quy định rất hay là cho phép giáo sư đã dạy trên 5 năm có thể nghỉ một năm (có lương) để ra nước ngoài nghiên cứu (tiếng Anh gọi là chế độ sabbatical). Dạy 5 năm thì có tư cách lấy sabbatical nhưng mỗi khoa mỗi năm tối đa chỉ có 4 người được hưởng chế độ nầy nên nguời thâm niên được ưu tiên. Ngòai ra trong suốt thời gian giảng dạy, mỗi giáo sư chỉ được hưởng chế độ nầy tối đa hai lần. Tôi dạy ở Waseda được 8 năm và năm nay tới phiên mình được ra nước ngoài nghiên cứu. 

Nhưng nên đi nước nào và chọn đại học nào? Tôi muốn tìm một nơi có một khung cảnh học thuật hoàn hảo để đọc sách, giao lưu với người cùng ngành và viết một cuốn sách về kinh tế phát triển. Từ lâu đã biết Cambridge ở Đông Bắc Mỹ là thành phố học thuật, bên cạnh đó là thành phố cổ Boston, nơi in dấu thời kỳ lập quốc của Mỹ. Khung cảnh này chắc chắn là rất lý tưởng cho mục đích của mình.
 
Sau mấy lần trao đổi thư từ với giáo sư Dwight Perkins của Đại học Harvard (tác giả chính của cuốn sách giáo khoa Kinh tế phát triển -Economics of Development -, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc và từ thập niên 1990 có nghiên cứu về kinh tế Việt Nam), và qua một số thủ tục, cuối cùng tôi đến  Trường Kennedy (Kennedy School of Government) của Đại học Harvard với tư cách Visiting Fellow trong Chương trình nghiên cứu Á châu.

Tôi thuê phòng ở trong một chung cư (condominium) cách phòng nghiên cứu 15 phút đi bộ. Đường phố sạch sẽ, hai bên đường có lề rộng cho người đi bộ. Ở đây không có xe máy (thỉnh thoảng thấy vài sinh viên lướt qua bằng xe đạp), phương tiện giao thông chủ yếu là xe hơi, xe bus, đi xa thì có tàu điện ngầm, xa hơn nữa (thường là giữa các thành phố) thì tàu điện nổi. Người lái xe hơi rất tử tế với người đi bộ.

Khi thấy có người sắp qua đường, họ đã đi chầm chậm từ xa, không gây cảm giác lo ngại cho người đi bộ. Nhà cửa hai bên đường xây theo lối cổ, phong cách Anh, trông đẹp mắt, các chung cư cũng có nét cổ kính. Mùa xuân ở Cambridge (từ tháng 4 đến tháng 6) còn se se lạnh nhưng đủ các loại hoa nở, điểm tô thêm cái đẹp của đường phố.
 
Mỗi sáng vừa đi bộ đến phòng nghiên cứu vừa ngắm hoa hai bên đường. Người Mỹ gặp nhau ngoài đường hay trong thang máy dù không quen biết cũng thường đưa mắt và mỉm cười chào nhau hoặc nói “hi”, “hello”. Không biết có phải tại đây là thành phố văn hóa không, nhưng mọi người rất lịch sự, để ý đến chuyện làm cho người khác cảm thấy dễ chịu.

  Mùa hè ở đây mát quá, có lẽ hiếm có ngày nhiệt độ lên trên 25 độ C. Nhưng là thành phố của đại học, mùa hè rất vắng vẻ. Sinh viên về quê, nhiều giáo sư đi du lịch hay đi điều tra thực tế ở nước ngoài. Mùa thu (từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11) thì cây cỏ vàng đỏ rất đẹp, nhất là phong lá đỏ hai bên bờ sông Charles, quyện với làn thu thủy của con sông thơ mộng mà hai bên bờ tọa lạc các giảng đường cổ kính của các đại học Harvard, MIT, v.v... Nghe nói mùa đông, nhất là tháng 1 và tháng 2, ở đây lạnh lắm nên tôi định chỉ ở đây đến cuối tháng 12.

Dù chưa đến Mỹ cũng biết xã hội Mỹ đa dạng, đa chủng, đến đây rồi càng thấy rõ điều đó. Vào máy rút tiền tự động (ATM) ở ngân hàng, nếu không rành tiếng Anh có thể chọn tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc hay tiếng Triều Tiên. Quanh campus của Harvard có đủ các nhà hàng ăn uống Tàu, Thái, Ấn Độ, Nhật, Việt Nam, Pháp, Ý, v.v…

Do vậy, sống ở đây hoàn toàn không có cảm tưởng mình là người nước ngoài. Người Mỹ cũng có vẻ không xem người ở nước khác đến là khác với mình. Điểm này có cái hay là làm cho mình thấy hòa đồng ngay với người bản xứ, nhưng ngược lại thì không được thông cảm hay chiếu cố khi mình còn vụng về, hoặc còn bỡ ngỡ về cách sống ở Mỹ. Điều này rất khác với Nhật.

Đặc tính này liên quan đến một điểm quan trọng khác của xã hội Mỹ. Mỹ là xã hội của cơ hội cho tất cả mọi người, dù là người nước ngoài mới tới. Người có tài, có chí và nỗ lực đều thành công ở Mỹ. Trước và trong thế chiến thứ hai cũng như hồi Liên Xô sụp đổ, rất nhiều nhà khoa học đã chọn Mỹ làm quê hương thứ hai, làm nơi thi thố tài năng của mình. Thêm vào quá trình quy tụ nhân tài này, sự cạnh tranh chất lượng nghiên cứu ở đại học đã làm cho Mỹ năm nào cũng là nước đi đầu trong việc đoạt giải Nobel về các ngành khoa học.

Kỳ tranh cử tổng thống năm nay cũng cho thấy một bằng chứng về bình đẳng cơ hội tại Mỹ. Barack Obama, người da màu và mới là thế hệ thứ hai tại Mỹ (cha là người Kenya du học và định cư ở Mỹ), được học ở các đại học hàng đầu (Columbia và Harvard), được bầu làm nghị viên thượng viện, bây giờ đang là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, và khả năng đắc cử rất lớn.
 
Obama đắc cử không những sẽ trở thành sự kiện lớn đối với Mỹ mà sẽ cổ vũ mạnh mẽ cho người da màu, người châu Á sinh sống tại Mỹ. Một bạn trẻ người Việt Nam đang làm Phó giáo sư tại một đại học nọ ở Mỹ nói với tôi với sự phấn chấn khi thấy Obama đang thắng thế: “Trong tương lai con trai của em hoàn toàn có cơ hội trở thành tổng thống Mỹ”.

Ở Boston có một khu phố toàn người Việt Nam ở. Đến đó sẽ thấy nhà hàng, chợ Việt Nam, các bảng hiệu bằng tiếng Việt của công ty du lịch, văn phòng luật sư, viện thẩm mỹ, siêu thị, v.v… Ở các tiểu bang khác như California, Texas, người Việt Nam còn tập trung nhiều hơn. Phố Tàu thì dĩ nhiên ở đâu cũng thấy, ở Mỹ phố Tàu nhiều và lớn. Ở Boston phố Tàu lớn hơn phố Việt Nam nhiều. Tôi chưa có dịp thấy nhưng có lẽ ở các thành phố lớn ở Mỹ còn có phố Ấn Độ, Mexico và nhiều nước khác.

Nhưng theo tôi nhận xét thì người nước ngoài đến sinh sống tại Mỹ nếu thành công thì họ vượt lên, chen vào giai cấp giàu có, thượng lưu, sống hòa đồng với xã hội Mỹ, chứ không tụ tập trong phố của người nước mình.

Phố Tàu hay phố Việt thường tụ tập những người tiếp tục làm các nghề họ đã có trước khi đến, đa số là buôn bán. Mặt khác, không ít người Việt Nam lúc sang Mỹ còn nghèo khó, phải tiếp tục bằng nghề buôn bán hoặc làm việc tay chân để sinh nhai, nhưng quyết chí nuôi con ăn học, con cái họ nếu học giỏi cũng có nhiều cơ hội được cấp học bổng, được làm trợ giảng ở đại học,... cuối cùng với học vị cao tốt nghiệp từ các trường danh tiếng, thế hệ thứ hai vượt lên được vào giai tầng sang trọng, giàu có ở Mỹ. Đại học Harvard, chẳng hạn, người giỏi mới được vào học, và chỉ cần giỏi là được. Học phí rất cao nhưng nếu cha mẹ nghèo thì được miễn, và được miễn cả chi phí nội trú.  

GS  TRẦN VĂN THỌ

;
.
.
.
.
.