Đối với người đã quen với cuộc sống ở Nhật, việc thích ứng với sinh hoạt đời thường ở Mỹ không dễ, hoặc thích ứng được nhưng nhiều khi không thấy thoải mái. Đối với người không tháo vát như tôi, sống ở Mỹ khá vất vả.
>> Bài 1 - Xã hội Mỹ: Đa dạng và cơ hội bình đẳng
Thứ nhất, tinh thần Do-It-Yourself (hãy tự làm lấy) khá triệt để. Do-It- Yourself có thể hiểu là mỗi cá nhân phải tự lo chuyện của mình. Nếu hiểu như vậy thì thoạt nghe có vẻ đây là chuyện đương nhiên, cần khuyến khích tính tự lập. Tuy nhiên trên thực tế không phải vậy. Có những dịch vụ khi mua không đầy đủ những tính chất mà người mua muốn có nên người mua phải phụ đảm, phải gia công mới dùng được.
Chẳng hạn dịch vụ ở hồ bơi. Quần áo thay và đồ tư trang (như ví đựng tiền, bút, đồng hồ) phải bỏ vào tủ nhỏ ở chỗ thay áo quần. Ở bên Nhật có khóa tự động, mình chỉ cần bỏ đồng tiền 100 yen vào là khóa được, và đeo chìa khóa trên cổ tay khi bơi. Khi tắm xong, mở khóa tủ là lấy lại 100 yen. Có nơi không lấy lại được 100 yen, nhưng dịch vụ này cũng rất đáng để trả 100 yen.
Ở Mỹ tôi chưa đi nhiều hồ bơi, nhưng có đến hồ bơi của Đại học Harvard mới biết là mình phải mang ổ khóa theo mới khóa được tủ để quần áo và tư trang. Các bạn cùng đi với tôi đã quen rồi nên ai cũng mang theo ổ khóa. Tôi nghĩ thầm sao lại bắt người dùng phải lo đến chuyện này, sao họ không làm khóa và nếu cần thì thu thêm phí.
Nhà ga, sân ga tàu điện ngầm (subway) ở đây hầu như hoàn toàn tự động. Mua vé qua máy tự động, cửa soát vé cũng tự động, thỉnh thoảng mới thấy có nhân viên. Đặc biệt trên sân ga không có nhân viên nào cả. Hành khách phải tự tìm hiểu, đọc các bảng hướng dẫn về hướng đi và nơi đến. Có một lần tôi hẹn gặp một người bạn ở một ga nọ.
Khi vào sân ga gần nhà mình mới thấy là có hai hướng đi của tàu xuất phát từ ga này. Không biết tàu nào sẽ đi về hướng ga mình muốn đến, tôi phân vân không biết hỏi ai, hỏi vài hành khách trên sân ga, họ cũng không biết. Trong lúc đó tàu lại tiến vào sân ga. Tôi đánh liều lên tàu. Vào trong tàu xem các bản đồ hướng dẫn mới thấy mình đi lộn tàu.
Tàu điện và tàu điện ngầm bên Nhật tự động hóa cũng tiến triển nhưng ở cửa ga có văn phòng, lúc nào cũng có nhân viên túc trực. Trên sân ga cũng có nhân viên. Có nhân viên ở sân ga, hành khách chẳng những được hướng dẫn mà còn cảm thấy yên tâm trong khi chờ xe tới vì sẽ có người giải quyết các sự cố đột xuất trên sân ga.
Thứ hai, Internet phổ cập rộng khắp, len lỏi vào mọi mặt của đời sống, mang lại nhiều thuận lợi nhưng đôi khi cũng gây phiền toái, nhất là đối với người chưa quen hoặc đối với người lớn tuổi. Riêng tôi thì rất vất vả với Internet ở Mỹ.
Mà không phải qua đến Mỹ rồi mới phải lo chung sống với Internet. Từ hơn hai tháng trước khi khởi hành đi Mỹ tôi đã phải bắt đầu giao dịch trên mạng nhiều hơn. Một là chuẩn bị các thủ tục xin visa đi Mỹ. Phải vào website của Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo xem hướng dẫn thủ tục, làm đơn và hẹn ngày đến để họ phỏng vấn.
Thứ hai là đến mở trương mục ở một chi nhánh của ngân hàng Mỹ. Trương mục tiền yen Nhật, trương mục tiền đô la Mỹ và trương mục có thể giao dịch nhiều đồng tiền (multimoney). Tiền lương chuyển vào trương mục tiền yen, khi cần tiền USD thì chuyển sang trương mục multimoney, rồi chuyển sang trương mục tiền USD. Ở nước ngoài chỉ có thể rút tiền từ trương mục tiền đôla. Tất cả các giao dịch này đều phải qua Internet. Rất vất vả trong nhiều tuần mới quen được với các giao dịch này.
Dĩ nhiên công nghệ thông tin ở Nhật cũng tiến triển. Giao dịch qua mạng cũng ngày càng phổ biến. Nhưng ở Nhật có lẽ chưa phát triển triệt để như ở Mỹ. Hơn nữa, tôi có cảm tưởng ở Nhật nhiều dịch vụ vừa giao dịch qua mạng nhưng cũng vừa có thể giao dịch theo cách truyền thống thành ra mình có thể chọn lựa.
Tôi thích và quen với lối giao dịch truyền thống hơn nên trong trường hợp có thể thì chọn cách này. Trong những truờng hợp chỉ có giao dịch qua mạng tôi thường nhờ sinh viên hoặc trợ lý nghiên cứu làm thay. Nhưng sang Mỹ thì phải sống chung với Internet, không có sự chọn lựa nào khác.
Giao dịch qua mạng rất tiện lợi, nhanh chóng nhưng trên căn bản đây là đối thoại một chiều, phía đối diện chỉ là hệ thống thông tin về nội dung giao dịch, không có người đối thoại nên đối với người chưa quen với hệ thống thì rất mất thì giờ, tinh thần dễ bị căng thẳng (stress), mệt mỏi. Khi mình nhập vào hệ thống các thông tin cần thiết để mua một món hàng (một vé máy bay chẳng hạn) thíếu hoặc sai một chi tiết nhỏ thì không thực hiện được cuộc giao dịch.
Nếu phía bên kia của cuộc giao dịch không phải là hệ thống, là máy móc, mà là người thì chỉ vài câu hỏi và trả lời là giải quyết được ngay. Những người lớn tuổi sống trong xã hội này chắc chắn là vất vả, chắc họ phải nhờ con cháu, thư ký làm giúp, nhưng đâu phải ai cũng có các điều kiện đó, hoặc đâu phải lúc nào cũng nhờ người khác làm được. Tôi có nguời bạn thân ở Việt Nam năm nay 60 tuổi ngay cả điện thư (e-mail) cũng không dùng được, lúc nào cũng nhờ thư ký làm giúp. Những người như anh bạn này mà ở Mỹ thì có lẽ không thể sống được.
Giao dịch qua mạng còn làm mình bất an và không hiểu được nguyên nhân khi có sự cố xảy ra, hoặc khi món hàng hay dịch vụ mình mua không đúng như thỏa thuận khi giao dịch thì không biết lỗi tại hệ thống hay tại đối tác không thành thật. Chuyện đặt báo tháng của tôi là trường hợp điển hình. Sau 2 tuần đến đây, khi đã yên nơi yên chỗ, tôi quyết định mua báo tháng.
Tôi chọn một tờ báo ngày thuộc loại có uy tín và nổi tiếng thế giới. Vào mạng của báo này thì thấy có khuyến mại đặc biệt, mua 26 tuần với giá 75 đô la, được thưởng (bonus) thêm 4 tuần nữa. Trả tiền bằng thẻ tín dụng. Như vậy tôi đã đặt mua 30 tuần bắt đầu từ 15-4. Mọi thao tác xong, click chỗ đồng ý mua, độ 1 phút sau phía bên kia gửi mail đến xác nhận nội dung cuộc giao dịch. Nhưng đọc mail xác nhận của họ thì thấy chỉ có 26 tuần, không nói đến 4 tuần bonus. Tôi reply mail của họ để hỏi thì không được trả lời. Rất bực mình, nhưng cũng đành bằng lòng với điều kiện mới của cuộc giao dịch.
Ngày hôm sau báo được đem tới để ở tầng 1 chỗ cửa ra vào của chung cư, có ghi tên và số phòng của mình. Vào thứ bảy tuần đó báo không tới chẳng biết tại sao và cũng chẳng biết hỏi ở đâu (báo này chỉ nghỉ chủ nhật). Lẽ ra báo phải cho biết trước họ tên và số điện thoại của người phát báo để tiện liên lạc trong những trường hợp như thế này.
Ngạc nhiên hơn nữa là vào đầu tháng 8, nghĩa là mới có 14 tuần từ ngày đặt báo, phòng tiếp thị của báo đã gửi giấy thông báo sắp hết hạn nhận báo và yêu cầu làm khế ước mới. Thấy tôi không trả lời, cuối tháng 8 họ lại gửi giấy lần nữa. Qua tháng 9 lại nhận được giấy báo tương tự. Cả 3 lần họ chỉ nói sắp hết hạn chứ không ghi là hết hạn vào ngày nào.
Cuối cùng vào giữa tháng 10 họ mới gửi giấy báo có ghi chi tiết ngày hết hạn là 14-11, tính ra đến thời điểm đó là 29 tuần, gần như điều kiện họ quảng cáo ban đầu. Như vậy thì được rồi, nhưng suốt thời gian qua, từ lúc đặt báo đến nay phải bực mình nhiều lần. Nếu giao dịch không phải qua mạng hoặc qua mạng nhưng có sự xen kẽ nói chuyện trực tiếp được với người có trách nhiệm thì đã tránh được nhiều phiền phức.
Thứ ba, tập quán cho thêm tiền cho người phục vụ (gọi là tiền “tip”) cũng là một đặc tính trong cách sống của Mỹ. Ở nhà hàng khi thanh toán tiền phải nhớ trả thêm ít nhất 15% tiền ăn uống bữa đó. Đi taxi khi trả tiền cũng phải nhớ cộng thêm 15 hoặc 20%.
Ở khách sạn mỗi ngày trước khi ra khỏi phòng cũng phải nhớ để ở đâu đó (thường là dưới gối, nhiều khách sạn chuẩn bị sẵn cái phong bì để trên bàn) vài đồng. Nhiều người cho rằng tập quán tip có tác dụng làm cho người phục vụ tận tâm với công việc, luôn quan tâm đáp ứng nhu cầu của khách, nếu khách bất mãn có thể không được nhận tip hoặc chỉ nhận rất ít. Được biết tại các nhà hàng, nhân viên phục vụ chỉ được trả một mức lương rất ít, có nơi không trả lương, thu nhập của nhân viên phục vụ hoàn toàn tùy thuộc vào tiền tip của khách.
Ở Nhật hoàn toàn không có tập quán tip này. Chi phí phục vụ của nhân viên được tính trong giá thành, và do đó đã bao gồm trong số tiền khách trả cho nhà hàng, cho khách sạn. Nhân viên phục vụ chu đáo, tận tình, và đó là tinh thần trách nhiệm vốn có hoặc phải có của mọi người. Nếu cá biệt có nhân viên không phục vụ tốt sẽ bị chủ nhà hàng, khách sạn khiển trách, nặng thì bị sa thải.
Theo tôi, tập quán ở Mỹ hơi phiền toái vì mình phải mất công tính toán tiền tip khi thanh toán tiền ăn, tiền taxi, v.v... Nhân viên hình như luôn ở trong trạng thái lo lắng không biết khách hàng có vừa lòng không nên thỉnh thoảng đến hỏi: “Ông cần gì nữa không”? “Ông thấy như vậy được chưa”? Đôi lúc bận nói chuyện với bạn cũng phải dừng lại trả lời câu hỏi mình thấy không cần thiết. Là khách, chắc ai cũng chỉ cần thấy nhân viên phục vụ đứng ở đâu đó, khi cần mới gọi đến.Nhập gia tùy tục. Nói vậy chứ tôi cũng đã quen với lối sống Mỹ rồi.
T.V.T (Còn nữa)
.
.
Lá thư Harvard: Bài 2 - Vất vả để thích nghi với lối sống Mỹ
Thứ Năm, 06/11/2008, 08:07 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
- Obama thắng lớn tại Dixville Notch, New Hampshire
- Chuyến thăm lịch sử Đài Loan của quan chức Trung Quốc
- Hôm nay, bầu cử Tổng thống ở Mỹ
- Bầu cử Tổng thống Mỹ: Tâm trạng trước giờ G
- Kết quả thăm dò phút cuối: Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ
- Trở thành Tổng thống, Obama đi vào lịch sử Mỹ
.
.
.
.
.