.

Lá thư Harvard: Bài 3 - Bầu cử tổng thống Mỹ: Cuộc thắng lợi lịch sử của Obama

Lúc tôi đến Mỹ (26-3-2008) thì cuộc bầu cử tổng thống đang ở giai đoạn cạnh tranh trong nội bộ Đảng Dân chủ để chọn ứng cử viên ra tranh cử. Đảng Cộng hòa thì đã ngã ngũ, John McCain đã được chọn làm ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng. 

        >> Lá thư Harvard: Bài 2 - Vất vả để thích nghi với lối sống Mỹ 
        >> Bài 1: Xã hội Mỹ: Đa dạng và cơ hội bình đẳng

Vào cuối tháng 6, Barack Obama thắng Hillary Clinton, trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ, không khí tạm lắng dịu để chuẩn bị cho cục diện mới: Trận chung kết giữa Obama và McCain. Lúc đầu phía Obama phải vất vả lo hàn gắn sự rạn nứt trong Đảng Dân chủ vì những người ủng hộ H. Clinton không thể một sớm một chiều ngã theo quyết định đa số. Mặt khác, cuộc tranh cử trong nội bộ Đảng Dân chủ kéo dài quá lâu, bên này phê phán bên kia khá thậm tệ, những khuyết điểm của Obama (thiếu kinh nghiệm, yếu về ngoại giao, v.v…) bị cả cựu Tổng thống Bill Clinton chỉ trích. 

 Nhưng không bao lâu thì Đảng Dân chủ chỉnh đốn lại nội bộ. Vợ chồng Clinton cũng tuyên bố ủng hộ Obama. Đặc biệt trong Đại hội Đảng Dân chủ (26-8) chính thức chọn Obama làm ứng cử viên tổng thống, diễn thuyết của Bill Clinton rất ấn tượng, nói rất khúc chiết, mạch lạc, hùng hồn. Ngồi trước TV xem Clinton diễn thuyết, tôi nhớ đến phát biểu của Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh, tại Tokyo đầu năm nay. Trả lời câu hỏi của một ký giả Nhật, Blair cho rằng theo ông ta cho đến nay, người lãnh đạo chính trị diễn thuyết hay nhất là Bill Clinton.
 
Clinton vẫn còn được dân chúng mến mộ, khi đăng đàn, hội trường hoan hô, vỗ tay nhiệt liệt, kéo dài suốt cả 10 phút đến nỗi ông ta không bắt đầu được. Uy tín và tài ăn nói của Clinton, cùng với sự mến mộ của dân chúng, làm người ta dễ quên đi những phê phán của Clinton đối với Obama mới vài tháng trước. Bây giờ thì Clinton khéo chọn những ưu điểm của Obama và đưa những ưu điểm ấy vào trong bối cảnh có tính cách thời đại mà Mỹ đang trực diện cả đối nội (xã hội ngày càng bất bình đẳng) và đối ngoại (chiến tranh ở Iraq...).

So với ứng cử viên McCain của Đảng Cộng hòa, Obama ngay từ đầu có nhiều lợi thế. Thứ nhất, Đảng Cộng hòa đã cầm quyền 8 năm, thông thường thì lòng người muốn có sự thay đổi sau một chu kỳ 2 nhiệm kỳ tổng thống, trừ trường hợp rất đặc biệt. Thứ hai, dân chúng bất mãn nhiều với chính quyền Bush trong 8 năm qua, nhất là gây ra chiến tranh Iraq tốn kém về người và của, và tỏ ra thiếu năng lực trong việc đối phó với nạn hồng thủy Hurricaine năm 2005. Nhiều người sợ rằng McCain lên nắm quyền sẽ kéo dài thêm “thời kỳ Bush” 4 năm nữa. Phía Obama khai thác triệt để điểm này trong cuộc vận động tranh cử.

Thứ ba là yếu tố tuổi tác. Obama 47 và McCain 72. Nếu Obama thắng sẽ trở thành tổng thống trẻ (lúc nhậm chức) thứ tư trong lịch sử Mỹ, sau Theodore Roosevelt (42), John F. Kennedy (43) và Bill Clinton (46). Còn McCain thắng sẽ là tổng thống già nhất trong lịch sử nước này (cho đến nay người già nhất là Ronald Reagan, 69 tuổi). Dưới mắt dân chúng, Obama năng động hơn, nhiệt tình hơn và có chí hướng cũng như khả năng thay đổi xã hội.

Nhưng khác với Kennedy hay Clinton, Obama rõ ràng là thiếu kinh nghiệm (mới làm nghị sĩ cấp liên bang chưa được 4 năm). Để khắc phục điểm yếu này, Obama đã chọn Joseph Biden, 65 tuổi, một nghị sĩ lão luyện ở chính trường và nhất là am hiểu về an ninh và ngoại giao, làm ứng cử viên phó tổng thống.
Ở trận tuyến bên kia, để khắc phục hình ảnh bất lợi về tuổi tác, McCain đã chọn Sarah Palin, 44 tuổi, thống đốc tiểu bang Alaska, giới thiệu chính thức trong buổi lễ ra mắt ngày 29-8.

Không những là một phụ nữ trẻ với cá tính và hành động tích cực, Palin còn xinh đẹp, duyên dáng, nhờ đó phía Đảng Cộng hòa đã thổi một luồng gió mới, tươi mát, vào không khí vận động đến giai đoạn quyết liệt. Gia đình Palin cũng thuộc giai cấp trung lưu nên dễ được cảm tình của đa số dân chúng. Các cuộc thăm dò dư luận sau đó cho thấy số người ủng hộ McCain tăng nhiều.
 
Nhưng dần dần dân chúng bất an về khả năng lãnh đạo đất nước của một người mới có kinh nghiệm đứng đầu một tiểu bang quá nhỏ (600.000 dân), tại một vùng đất xa xôi. Nếu chỉ với vai trò phó tổng thống không thôi có lẽ không có vấn đề, nhưng phòng trường hợp tổng thống không tiếp tục nhiệm vụ được (vì chết bất ngờ, vì bệnh nặng, v.v…), phó tổng thống sẽ trở thành người lãnh đạo cao nhất của một đất nước lớn và mạnh nhất thế giới, kể cả vai trò tư lệnh tối cao quân đội. Do đó, vấn đề đặt ra cho một ứng cử viên phó tổng thống là có tư cách làm tổng thống không. Ở điểm này, Biden được tín nhiệm hơn Palin nhiều.

Nhìn chung, liên danh McCain-Palin ở vào vị thế bất lợi. Trong tình hình đó, cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra vào giữa tháng 9, kéo theo sự suy sụp của cả nền kinh tế, đã mang lại ảnh hưởng có tính cách quyết định cho kết quả bầu cử. Nói theo lối của giới báo chí ở Mỹ thì con đường đi vào Nhà Trắng của McCain đã hẹp lại đáng kể. Tình thế thuận lợi hoàn toàn cho Obama hầu như không thể đảo ngược.
 
Qua các phân tích, người dân thấy rằng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính là do chính sách của Đảng Cộng hòa, và trong việc tìm các biện pháp giải cứu nền kinh tế, Obama tỏ ra bình tĩnh, sâu sắc, và cho thấy khả năng huy động các nguồn lực hơn McCain. Giữa tháng 10, Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển tuyên bố trao giải thưởng Nobel kinh tế cho Paul Krugman, một kinh tế gia phê phán chính quyền Bush thậm tệ và có lập trường ủng hộ đảng Dân chủ càng làm cho McCain bất lợi hơn.

Ngày quyết định 4-11 đã đến. Theo chế độ bầu cử tổng thống ở Mỹ, mỗi tiểu bang được quy định có một số phiếu bầu có tinh cách đại biểu gọi là “đại cử tri” (electoral votes). Số phiếu này nhiều hay ít tùy theo dân số của tiểu bang ấy. Ứng cử viên nào chiếm đa số trong số cử tri đi bầu (gọi là popular votes) sẽ hốt hết số phiếu đại cử tri của tiểu bang đó. Mỹ có hơn 100 triệu cử tri và tổng số phiếu đại cử tri 538. Ứng cử viên nào chiếm được trên 270 phiếu đại cử tri sẽ đắc cử tổng thống dù phiếu cử tri có thể ít hơn.

Ngày 4-11 ở Cambridge trời đẹp, nắng ấm. Một người bạn Mỹ gốc Việt đi bầu có rủ tôi đi theo chơi. Phòng đầu phiếu khu tôi ở đặt tại một thư viện cộng đồng. Bản hướng dẫn trước của phòng đầu phiếu được viết bằng 4 thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Việt Nam, chứng tỏ tiểu bang Masachusetts có nhiều người châu Mỹ La tinh, nhiều cư dân Tàu và Việt. Theo báo chí thì năm nay người đi bầu rất đông, phản ảnh quan tâm của mọi người đến tình hình kinh tế với mong muốn có sự thay đổi.   

Đến khuya (giờ ở miền Đông Bắc) ngày 4-11 thì dân chúng Mỹ đã chứng kiến một sự kiện có tính cách lịch sử: Obama thắng lợi áp đảo với 395 phiếu đại cử tri và McCain chỉ có 173. Về số cử tri đi bầu thì Obama được 63 triệu phiếu và McCain 56 triệu phiếu. 
 
Dù đã biết khả năng thắng cử của Obama rất lớn nhưng khi khả năng trở thành hiện thực thì mọi người không khỏi phấn chấn. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, một người da màu, một người thuộc thành phần thiểu số trong Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (người da đen chỉ chiếm 12% dân số) được bầu làm lãnh đạo tối cao của một đất nước giàu mạnh nhất thế giới. Ngày hôm sau, các nhật báo lớn dùng từ “cuộc thắng lợi lịch sử” (historic victory) khi tường thuật kết quả cuộc bầu cử này.

Đối với người Mỹ, kể cả người da trắng, người ta đón nhận vị tổng thống thứ 44 như một người lãnh đạo thành thật, bản lãnh, có sức động viên mọi nguồn lực của xã hội để làm thay đổi đất nước và trước mắt là đối phó với khủng hoảng kinh tế và các vấn đề xã hội. Đối với người da đen, người nói tiếng Tây Ban Nha (Hyspanishes), người châu Á, thì thắng lợi của Obama mang lại nhiều hy vọng đổi đời cho con cháu họ. Tôi chứng kiến nhiều người Mỹ gốc Việt gặp nhau vừa bắt tay vừa nói “chúc mừng thắng lợi” thay cho lời chào. 

Trong diễn văn đọc sau kết quả thắng lợi của Obama, tôi đặc biệt cảm kích với hai câu sau: “Chúng tôi biết Chính phủ không giải quyết được mọi chuyện. Nhưng tôi sẽ luôn thành thật với các bạn về các thách thức đối với chúng ta. Tôi sẽ lắng nghe các bạn, đặc biệt là khi chúng ta bất đồng” (Đúng là một nhà lãnh đạo thành thật và sẵn sàng nghe ý kiến khác). “Quyền lực thực sự của nước Mỹ không phải đến từ vũ khí, tiền bạc mà đến từ sức mạnh dài lâu của lý tưởng dân chủ, tự do, cơ hội và niềm hy vọng” (Đúng là sức mạnh mềm mới chinh phục được lòng người).
                                   
GS TRẦN VĂN THỌ
                  

;
.
.
.
.
.