(ĐNĐT) - Hôm 5-11, khi phát biểu trong thông điệp liên bang đầu tiên kể từ khi đắc cử vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Dmitry Medvedev đã cảnh báo Nga sẽ triển khai hệ thống tên lửa chiến thuật tầm ngắn gần Ba Lan có khả năng tấn công sang lãnh thổ của NATO để làm đối trọng nếu chính quyền của Tổng thống mới đắc cử Obama vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu.
Lời đe dọa này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Obama giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, rõ ràng là cảnh báo có dụng ý phát đi tín hiệu về những vấn đề ưu tiên của Điện Kremlin dành cho vị Tổng thống mới đắc cử của nước Mỹ. Lời cảnh báo này cũng là một thử nghiệm sớm về chính sách đối ngoại dành cho Obama - người đã phát biểu ủng hộ hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm chống lại Iran, tuy nhiên cũng đã cáo buộc chính quyền của Tổng thống Bush về việc đã phóng đại quá mức khả năng của hệ thống này và vội vã triển khai hệ thống vì những mục đích chính trị.
Tổng thống Nga Medvedev đọc thông điệp liên bang. Ảnh: Reuters |
Điện Kremlin đã cho rằng lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga. Tuy nhiên, chính quyền Bush đã cho biết hệ thống này được triển khai chỉ để ngăn chặn khả năng triển khai tên lửa từ một đất nước như Iran và không gây nguy hiểm gì cho Nga, quốc gia vốn có kho vũ khí hạt nhân dễ dàng chế ngự hệ thống này.
Trước đó, giới chức Điện Kremlin đã đề ra kế hoạch sẽ di chuyển hệ thống tên lửa chiến thuật đến khu vực Kaliningrad thuộc biển Ban-tích nhằm làm đối trọng sau khi Ba Lan đã đồng ý sẽ cho phép Mỹ thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, cảnh báo này chính là thông điệp rõ ràng và công khai nhất cho đến thời điểm hiện nay của người đứng đầu nước Nga. Một số nhà phân tích đã miêu tả đây là thông điệp đe dọa quân sự nghiêm trọng đầu tiên của Nga đối với phương Tây kể từ khi Liên bang Xô-viết sụp đổ, và thông điệp này cũng đã gióng lên một âm thanh hơi “chói tai” trong bối cảnh hoàn toàn khác hẳn - sự hoan nghênh chào đón của thế giới dành cho vị Tổng thống mới đắc cử Barack Obama. Ban vận động tranh cử của Obama đã từ chối đưa ra bình luận về cảnh báo này của Tổng thống Nga Medvedev.
Trong một bài phát biểu bao quát nhiều nội dung, Tổng thống Medvedev đã chỉ trích Mỹ , nhưng cũng đồng thời đề nghị khôi phục quan hệ với vị Tổng thống mới đắc cử của Mỹ. Tổng thống Medvedev đã cáo buộc Washington sử dụng cuộc chiến gần đây giữa Nga và Gruzia làm cái cớ để nhanh chóng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa. Tổng thống Medvedev nói Nga sẽ đáp trả bằng cách triển khai hệ thống tên lửa Iskander "để trung hòa, nếu cần thiết" với lá chắn tên lửa của Mỹ.
Tổng thống Nga cũng đồng thời cho biết hệ thống tên lửa này sẽ được trang bị thêm "thiết bị vô tuyến điện tử" để làm nhiễu hệ thống của Mỹ và được lực lượng hải quân hỗ trợ, có thể sẽ là tàu chiến có trang bị tên lửa đóng tại Biển Ban-tích. Cũng theo Tổng thống Medvedev, ông sẽ hủy bỏ kế hoạch giải tán 3 trung đoàn tên lửa tại phía nam Kaliningrad thuộc thị trấn phía tây Kozelsk.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là những biện pháp vũ lực", Tổng thống Medvedev nói. "Chúng tôi đã thông báo cho các đối tác của mình biết nhiều hơn một lần rằng chúng tôi muốn hợp tác tích cực và phối hợp hành động nhằm chống lại những mối đe dọa thông thường. Tuy nhiên, thật không may là họ đã không muốn lắng nghe chúng tôi."
Tổng thống Medvedev đã dành gần 1/3 bài phát biểu của mình để nói về cái gọi là những chính sách “sai lầm, tự phụ và có phần nguy hiểm” của nước Mỹ, quốc gia được ông đổ lỗi đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như cuộc chiến tại Gruzia hồi tháng 8 vừa rồi.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng để ngỏ khả năng có một khởi đầu mới với Obama, cho biết ông hy vọng "các đối tác mới của chúng tôi, chính quyền mới của nước Mỹ, sẽ có một sự lựa chọn thiên về quan hệ chính thức với Nga". “Sự thật là quan hệ giữa hai nước đang ở trong giai đoạn không dễ dàng gì. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi không có vấn đề gì với người Mỹ cả. Chúng tôi không theo chủ nghĩa chống Mỹ”.
Bộ trưởng Tài chính Nga nhận định việc Obama đắc cử sẽ là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Theo đại sứ Nga tại NATO, Nga mong đợi Obama sẽ cải thiện quan hệ đồng minh với Moscow đồng thời dỡ bỏ những giới hạn trong việc hợp tác với Nga vốn đã được áp đặt tiếp sau cuộc chiến của Nga với Gruzia.
Quỳnh Đan (Theo WP)