Chính quyền Tổng thống Bush vừa đề nghị Moscow tổ chức các cuộc đàm phán mới, nhằm giải quyết bất đồng về dự án lá chắn tên lửa của Washington tại châu Âu.
Tên lửa Iskander của Nga có tầm bắn 500km sẽ được đặt tại Kaliningrad, giáp Ba Lan và Litva, nếu Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu. |
Ông Wood cho biết, khi sắp mãn nhiệm vào tháng 1-2009, chính quyền Bush đã cố gắng thuyết phục Nga rằng, kế hoạch trên không nhằm đối phó với Nga mà để phòng ngừa các cuộc tấn công trong tương lai từ Trung Đông, đặc biệt từ Iran. “Nga biết điều này và chúng tôi vẫn sẵn sàng hợp tác với họ về vấn đề lá chắn tên lửa”, ông Wood khẳng định.
Trong một diễn biến khác có liên quan, hôm 11-11, những người đứng đầu 15 thành phố tại CH Séc đã yêu cầu Tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack Obama hủy kế hoạch của người tiền nhiệm Bush về việc đặt trạm radar tại nước này. Ông Giulietto Chiesa, thành viên nghị viện châu Âu, đại diện cho 18 nghị sĩ khác có chung quan điểm phản đối kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu, cho biết:
“Lãnh đạo các chính quyền địa phương nằm gần khu vực dự định đặt trạm radar đang đề nghị ông Obama không chỉ chú ý tới quan điểm của chính phủ trung ương nước này mà cả ý kiến của người dân địa phương”. Theo các cuộc thăm dò mới nhất, thì có tới hai phần ba người dân CH Séc được hỏi đã phản đối kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ.
Mỹ muốn lắp đặt một lá chắn tên lửa, bao gồm 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan và một trạm radar tại CH Séc. Đáp trả, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, sẽ triển khai tên lửa dẫn đường Iskander có độ chính xác cao tại sát Ba Lan để “vô hiệu hóa” hệ thống phòng thủ của Mỹ. Tuyên bố cứng rắn của ông chủ Điện Kremlin được đưa ra chỉ một ngày, sau khi Mỹ tiến hành bầu cử tổng thống với chiến thắng áp đảo thuộc về ứng cử viên Đảng Dân chủ Barack Obama.
Theo đó, Nga sẽ đặt các hệ thống tên lửa Iskander có tầm bắn 500 km tại Kaliningrad, giáp Ba Lan và Litva, hai nước đều là thành viên NATO. Tại vị trí này, tên lửa Iskander của Nga có khả năng “phủ sóng” hầu hết lãnh thổ Ba Lan cùng một phần nước Đức và CH Séc.
Sau cuộc gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Condoleezza Rice tại Ai Cập vào cuối tuần qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tuyên bố, Moscow hy vọng sẽ có các cuộc thương thuyết mang tính xây dựng với chính quyền của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack Obama chung quanh vấn đề phòng thủ tên lửa. Theo ông Lavrov, các đề xuất của chính quyền Bush nhằm xoa dịu lo ngại của Nga đã không đáp ứng được những thỏa thuận mà hai nước đạt được trước đó.
BĂNG CHÂU (Tổng hợp)