.

Obama sẽ thay đổi các chính sách của chính quyền Bush

.

John Podesta, Trưởng nhóm chuyển giao của Barack Obama cho biết, Tổng thống Mỹ mới đắc cử sẽ thay đổi hoàn toàn các chính sách của chính quyền Bush khi ông nhậm chức vào ngày 20-1-2009. 

Tổng thống mới đắc cử Obama và Phó Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Mặc dù có những khác biệt về chính sách, Tổng thống Bush và Tổng thống mới đắc cử Obama đang ra sức nhấn mạnh đến thiện chí hợp tác của họ trong khoảng thời gian chuyển tiếp. Theo John Podesta, các sắc lệnh của Tổng thống George W. Bush về các vấn đề như nghiên cứu tế bào gốc và khai thác dầu rất khác biệt với quan điểm của ông Obama.
 
Vì vậy, chúng có thể dễ dàng bị bãi bỏ mà không cần Quốc hội phải hành động. Cũng trong ngày 10-11, ông Obama và ông Bush có cuộc họp đầu tiên kể từ sau khi ứng cử viên Đảng Dân chủ này đắc cử. Obama cùng vợ là Michelle và hai con gái Malia (10 tuổi), Sasha (7 tuổi) tham quan nơi ở mới của họ tại Nhà Trắng. Sau đó, Obama và người tiền nhiệm Bush sẽ tiến hành cái mà Tổng thống mới đắc cử miêu tả là “các cuộc hội đàm quan trọng”.

Cuộc gặp được lên lịch rất gấp rút. Giới phân tích cho rằng, một phần là vì Mỹ đang trong tình trạng chiến tranh và quá trình chuyển giao chính quyền diễn ra giữa thời điểm khủng hoảng kinh tế. Obama cho biết, phục hồi nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu của ông và ông sẽ  hành động một cách nhanh chóng nhưng thận trọng khi lựa chọn Nội các.

Phát biểu trên Fox News, Podesta nói, nhóm của Obama đang nỗ lực “xây dựng một đội ngũ kinh tế nòng cốt”. Chính quyền sắp ra đời sẽ nghiên cứu cẩn thận các sắc lệnh của Tổng thống Bush về “nghiên cứu tế bào gốc và một số lĩnh vực”. Theo Podesta, các sắc lệnh có thể được chính quyền mới hủy bỏ hoặc sửa đổi nhanh chóng, bởi vì không cần Quốc hội phải hành động.

Một vấn đề mà ông Podesta nhấn mạnh nữa là, các nỗ lực của chính quyền Bush nhằm cho phép khai thác dầu khí ở Utah. “Obama là một nhân vật thay đổi và tôi nghĩ, ông sẽ thay đổi cách thức Chính phủ đang hành động khi chúng ta tiến về phía trước”. Đồng chủ tịch nhóm chuyển giao của Obama, Valerie Jarrett cho rằng, sẽ có một Nội các lưỡng đảng ra đời. Trong khi đó, Josh Bolten, Chánh văn phòng của Tổng thống Bush, cam kết sẽ có một sự chuyển giao êm thấm.

Ông Obama vẫn liên tục khẳng định rằng, từ nay cho đến ngày 20-1-2009 thì ông George Bush vẫn là Tổng thống Mỹ. Ông cũng sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh kinh tế quan trọng mà Tổng thống Bush chủ trì tại thủ đô Washington vào ngày 15-11. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp xúc qua điện thoại với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới.

Trong một động thái khác có liên quan, Tổng thống mới đắc cử Barack Obama đã có cuộc chuyện trò qua điện thoại với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và hứa sẽ sớm gặp nhau. Thông cáo của Kremlin cho biết, Obama và Medvedev đã “thể hiện quyết tâm tạo môi trường tích cực và xây dựng nhằm ổn định và phát triển thế giới”; cùng nhất trí rằng, các nước đều có trách nhiệm giải quyết “những vấn đề nghiêm trọng của toàn cầu”. Hai nhà lãnh đạo cho rằng, “một cuộc gặp song phương nên sớm được thu xếp”.

Hiện nay, quan hệ ngoại giao giữa Nga và Mỹ đang căng thẳng do việc Washington muốn triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu, trong đó có 10 tên lửa ở Ba Lan và trạm radar ở Cộng hòa Séc. Tổng thống Nga từng tuyên bố, nước này có thể triển khai các tên lửa tầm ngắn ở vùng sát biên giới với Ba Lan. Trong thời gian tranh cử, ông Obama từng tỏ ý hoài nghi về hệ thống lá chắn. Obama cho rằng, cần phải có nhiều thử nghiệm kỹ lưỡng để bảo đảm hệ thống hoạt động được và đánh giá xem có nên chi hàng tỷ đô-la cho lá chắn đó hay không. 
                           
GIA HUY (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.