.

OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng dầu mỏ

.

(ĐNĐT) - Sau cuộc hội đàm của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC tại thủ đô Cairo, Ai Cập hôm qua (29-11), các bộ trưởng năng lượng đã quyết định giữ nguyên sản lượng dầu mỏ, ít nhất là cho tới hội nghị lần tới của tổ chức này ở Algeria vào tháng sau.

Hiện giá dầu thô ở rất xa mức giá kỷ lục 147USD/thùng hồi tháng 7 vừa qua.

Chủ tịch OPEC Chakib Khelil cho biết các bộ trưởng đã thống nhất sẽ "thực hiện các biện pháp bổ sung tại lần họp vào ngày 17-12 nhằm cân bằng giữa nguồn cung và nguồn cầu". Giá dầu thô đã tụt dốc xuống mức thấp hơn 55USD/thùng sau khi chạm mức kỷ lục 147USD/thùng hồi tháng 7. Các nước thành viên của OPEC đã thiệt hại hàng tỷ USD do nhu cầu giảm mạnh trước tình cảnh xuống dốc trầm trọng của nền kinh tế toàn cầu. Nguồn cầu đối với dầu thô ở Mỹ - nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới - và ở các nước công nghiệp phát triển khác đã góp phần nhấn chìm giá dầu thô từ trên đỉnh điểm 147USD/thùng.

Trước đó, Ả rập Saudi bày tỏ hy vọng sẽ tăng giá dầu thô lên 75USD/thùng, tuy nhiên vẫn khẳng định rằng bất kỳ biện pháp nào cũng phải đợi đến phiên họp của OPEC vào tháng sau.

Theo Bộ trưởng Dầu mỏ của Saudi, Ali Naimi, OPEC sẽ "làm những gì cần thiết" để cứu vãn giá dầu thô đang trượt dốc thảm hại vào cuộc họp lần tới. Phát biểu trong buổi phóng vấn với tờ Al-Seyassah, nhà vua Abdullah của nước này đã cho rằng giá dầu thô nên được đặt ở mức 75USD/thùng. Bộ trưởng Dầu mỏ của Qatar, Abdullah Bin Hamad al-Attiya, cũng tán thành với ý kiến này khi đưa ra nhận định rằng giá dầu cần phải tăng lên để đảm bảo nguồn đầu tư vào ngành này. Bộ trưởng Dầu mỏ của Nigeria Odein Ajumogobia cũng thể hiện sự hài lòng với mức giá 75USD.

Khối OPEC - nguồn cung của 40% sản lượng dầu toàn cầu - đã tổ chức một cuộc họp hồi tháng trước và tuyên bố mức cắt giảm sản lượng dầu thô 1,5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, động thái này vẫn không thể ngăn chặn giá dầu tiếp tục sụt giảm, và OPEC phải gấp rút triệu tập cuộc họp ở Cairo bên lề Hội nghị của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ Ả rập (OAPEC).

N.L (Theo BBC, AP)

;
.
.
.
.
.