.

Trở thành Tổng thống, Obama đi vào lịch sử Mỹ

.

(ĐNĐT) - Thượng nghị sĩ Barack Obama đã làm nên lịch sử khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống và sẽ trở thành vị Tổng thống thứ 44 và là Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.
 
Tỷ lệ phiếu phổ thông giữa hai ứng cử viên Obama và McCain khá sát sao: 51,9% so với 46,8% sau khi hầu hết các điểm bầu cử ở Mỹ đã được kiểm phiếu. Tuy nhiên, kết quả ở Cử tri đoàn lại khác hẳn, và đây mới là điều mang tính chất quyết định. Theo hãng tin AP, ông Obama đã giành được 349 phiếu đại cử tri, bỏ xa số phiếu cần thiết để giành chiến thắng là 270, trong khi ông McCain chỉ đạt được 147 phiếu đại cử tri.

Obama cùng vợ và hai con chào những người ủng hộ tại Chicago. Ảnh: Reuters

Ông McCain đã gọi điện cho Obama để thừa nhận thất bại, đồng thời chúc mừng Obama "đã làm được điều "vĩ đại" cho mình và cho đất nước bằng chiến thắng lịch sử". Đây cũng là dấu chấm hết cho cuộc tìm kiếm chiếc ghế cao nhất ở Nhà Trắng của McCain trong suốt 10 năm qua. Trong khi đó, Sarah Palin, bạn đồng hành cùng liên danh tranh cử với McCain, sẽ quay trở về Alaska làm Thống đốc bang sau khi đã xuất hiện một cách ầm ĩ trên "sân khấu chính trị" của cả nước.

Tổng thống Bush cũng góp thêm lời chúc mừng của mình từ Nhà Trắng, nơi ông sẽ mãn nhiệm vào ngày 20-1-2009, cũng là ngày ông Obama và ứng viên Phó Tổng thống của mình, Thượng nghĩ sĩ bang Delaware Joseph Biden, sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống và Phó Tổng thống. Và sau đó ông Obama sẽ chuyển đền Văn phòng Oval trong vai trò người lãnh đạo của một đất nước hiện đang mấp mé bờ vực suy thoái và đang tham gia vào hai cuộc chiến tranh lâu dài, một ở Iraq và một ở Afghanistan.

"Thay đổi đã đến với nước Mỹ"

Vậy là, đứa con của người bố da đen đến từ Kenya và người mẹ da trắng đến từ Kansas, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ từ bang Illinois đã làm nên lịch sử sau khi đánh bại Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain trong một chuỗi thắng lợi tại các bang chủ chốt như Ohio, Florida, Virginia, Iowa, Pennsylvania, và nhiều nơi khác nữa.

Những người ủng hộ Obama đổ ra Quảng trường Thời đại ở New York khi hay tin chiến thắng. Ảnh: Reuters.

"Thay đổi đã đến với nước Mỹ", ông Obama tuyên bố trước biển người ủng hộ đang hết sức hân hoan. Trong bài phát biểu của mình, ông đã viện dẫn lời của Tổng thống Lincoln và lặp lại lời của Tổng thống John F. Kennedy. Theo ước tính có tới 125.000 người tụ tập tại công viên Grant để nghe tuyên bố chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ.

Cuộc bầu cử lần này đã đem lại bước tiến vượt trội trong con đường công danh của Obama: từ Thượng nghị sĩ của một bang "nhảy vọt" lên thành Tổng thống.

***

Theo CNN, một trong những chiến thắng quan trọng của Thượng nghị sĩ Barack Obama là ở bang Pennsylvania, bang mà McCain đã quyết tâm vận động tranh cử trong những tuần cuối cùng trước ngày bầu cử.

McCain cùng với người đồng hành cùng liên danh tranh cử, Thống đốc Sarah Palin, đã đến thăm bang này tổng cộng 10 lần trong những tuần gần đây với quyết tâm biến bang này từ màu xanh (Obama) sang đỏ (McCain). Các chuyên gia cho rằng McCain sẽ khó giành được chiến thắng nếu không nhận được sự ủng hộ của Pennsylvania.

Niềm vui của những người ủng hộ Obama ở Chicago. Ảnh: Reuters

Pennsylvania có vai trò hết sức quan trọng. Biên tập viên Justin Webb của BBC tại Bắc Mỹ cho rằng Obama giành chiến thắng tại bang này đồng nghĩa với việc “kết quả đã sớm ngã ngũ". 

Kết quả thăm dò cho thấy 6/10 cử tri được hỏi cho biết kinh tế vẫn là yếu tố quyết định chủ chốt. Theo khảo sát của AP, 9/10 cử tri trả lời màu da của ứng cử viên không quan trọng đối với lá phiếu của họ. Hầu hết cử tri cho rằng tuổi tác không phải là vấn đề quan trọng.

Lãnh đạo các nước chúc mừng ông Obama

Ngày 5-11, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã đồng loạt chúc mừng chiến thắng của ông Obama. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso chúc mừng và bày tỏ hy vọng về tương lai mới trong quan hệ giữa EU và Mỹ.
Một cách chúc mừng ông Obama trên bãi biển Puri, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Trong thư chúc mừng, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, khẳng định thành công của ông Obama là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực không mệt mỏi. 

Ông Taro Aso, Thủ tướng Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ, cam kết tiếp tục hợp tác với tân Tổng thống Obama để củng cố liên minh và cùng giải quyết các vấn đề quốc tế. Từ Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bày tỏ mong muốn quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ được "nâng lên một tầm cao mới trong một kỷ nguyên lịch sử mới".

Lãnh đạo các nước khác như Canada, New Zealand, Úc, Pakistan, Israel, Indonesia, Philippines, Nam Phi, Kenya cũng đồng loạt chúc mừng ông Obama thắng cử và bày tỏ hy vọng các mối quan hệ song phương với Mỹ sẽ tiếp tục được củng cố dưới thời của ông Obama.

 
Trả lời câu hỏi của các phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ông Barack Obama đã được bầu làm Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ngày 5-11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng nói: Chúng tôi chân thành chúc mừng Ngài Barack Obama được bầu làm Tổng thống Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ.

Thời gian qua, với những nỗ lực chung của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có những phát triển tích cực theo khuôn khổ đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt cùng có lợi trên cơ sở những thỏa thuận đã đạt được trong các tuyên bố chung giữa hai nước.

Chúng tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

(Theo Website Bộ Ngoại giao)
 

Quỳnh Đan - Ni Na 
(Theo CNN, AP, BBC)

....................................

Cử tri Mỹ xếp hàng bầu cử Tổng thống

(ĐNĐT) - Cử tri Mỹ trên khắp cả nước trong ngày hôm qua (4-11) đã tập trung đông đảo tại các địa điểm bầu cử để bỏ phiếu cho vị Tổng thống thứ 44, kết thúc chiến dịch tranh cử kéo dài nhất và cũng tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ. 
               
Cuộc bầu cử mang tính lịch sử

Thượng nghị sĩ Barack Obama đã tới các điểm bỏ phiếu vào sáng sớm ngày thứ ba, “nổ phát súng” đầu tiên cho một trong những cuộc bầu cử Tổng thống mang tính lịch sử nhất nước Mỹ. Ông Obama và vợ, Michelle, cùng bỏ phiếu tại trường Tiểu học Shoesmith ở Chicago, bang Illinois, trong khi 2 con gái của họ là Sasha và Malia đứng xem ở bên cạnh.

Ông Obama và vợ bỏ phiếu tại trường tiểu học Shoesmith ở Chicago, bang Illinois. Ảnh: Reuters.

Ngay khi ông rời khỏi địa điểm bỏ phiếu, Thượng nghị sĩ Joe Biden cùng vợ, Jill, tới trường Tatnall ở Wilmington, Delaware để điền vào lá phiếu của mình. Sau đó ông Biden sẽ tới bang trọng yếu Virginia, trước khi tới Chicago nơi các ứng viên đảng Dân chủ sẽ theo dõi kết quả bầu cử.

Trong khi đó, ứng viên đảng Cộng hòa John McCain có mặt ở Phoenix, Arizona lúc gần trưa trong ngày thứ ba. Ông đã bỏ phiếu tại một giáo hội ở đây trước khi đến thăm Grand Junction thuộc bang Colorado, và Albuquerque, bang New Mexico như dự kiến. Cả hai bang Colorado và New Mexico đều đã bỏ phiếu cho Tổng thống Bush năm 2004, nhưng những cuộc thăm dò gần đây nhất cho thấy họ đã nghiêng về phía ông Obama trong lần bầu cử này.

Sau các hoạt động cuối cùng của chiến dịch, ông McCain sẽ quay lại Phoenix, “tề tựu” cùng bà “phó” của mình là Thống đốc bang Alaska Sarah Palin. Bà Palin cũng đã nhanh chóng hoàn thành việc bỏ phiếu tại tòa thị chính ở Wasilla, Alaska.

Ông McCain và vợ bỏ phiếu tại Phoenix, Arizona. Ảnh: AP

Dù bất kỳ ai là người giành chiến thắng trong cử tri đoàn đi nữa thì cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008 sẽ vẫn là một cuộc bầu cử mang tính lịch sử bởi nước Mỹ sẽ đưa hoặc một người Mỹ gốc Phi, hoặc vị người có nhiệm kỳ đầu già nhất lên làm chủ Nhà Trắng. Việc ông McCain chiến thắng cũng đồng nghĩa với việc lịch sử nước Mỹ sẽ có nữ Phó Tổng thống đầu tiên.

Tại thị trấn Dixville Notch, New Hampshire, 100% số cử tri đăng ký - tất cả 21 cử tri - đã đi bỏ phiếu ngay sau nửa đêm, vào những khoảnh khắc đầu tiên trong buổi sáng thứ ba. Và cũng tại điểm bỏ phiếu mở cửa sớm nhất trong ngày, ông Obama đã giành được nhiều lá phiếu hơn với tỷ lệ 15/6. Đây là lần đầu tiên thị trấn này bỏ phiếu ủng hộ cho một ứng viên đảng Dân chủ kể từ năm 1968. Thị trấn Dixville Notch đã giữ được truyền thống bỏ phiếu sớm nhất nước trong vòng 60 năm qua, với số lượng cử tri tham gia là 100%. Ông Obama vẫn đang dẫn trước hoặc theo sát ông McCain tại các bang khác, có nghĩa rằng ông có nhiều con đường dẫn tới chiến thắng hơn.

Cử tri xếp hàng bỏ phiếu và những sự cố đầu tiên

Cuộc bầu cử Tống thống Mỹ năm nay cũng lập được con số kỷ lục về bầu cử sớm. Từ ngày 3-11, đã có hơn 24 triệu cử tri bỏ phiếu. Các chuyên gia bầu cử dự đoán rằng sẽ có hơn 1/3 tổng số cử tri đi bầu trước Ngày Bầu cử. Cuộc bầu cử này cũng đã được chứng minh là tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, và ngày thứ ba cũng đánh dấu điểm dừng của mùa chiến dịch vận động tranh cử kéo dài nhất từ trước tới nay - gần 21 tháng.

Cử tri Mỹ xếp hàng đợi bỏ phiếu. Ảnh: AP

Tuy nhiên, các cử tri đang hăng hái đóng góp lá phiếu của mình trong cuộc đua lịch sử giữa ông Obama và ông McCain lại được chào đón bằng việc phải xếp hàng và nhiều máy bỏ phiếu bị hỏng, hoặc đơn giản là không được lắp đặt đầy đủ ở một số địa điểm bầu cử, khiến những nơi này trở nên “ùn tắc” cử tri đi bầu ngay khi bình minh của Ngày Bầu cử vừa mới ló dạng.

Từng đoàn người xếp thành hàng dài trong mưa ở Richmond, bang Virginia, nơi Hạt Henrico phải chuyển sang dùng lá phiếu giấy sau khi 5 đến 7 chiếc máy bị hỏng.

Tại một vài khu vực thuộc bang New Jersey, các cử tri cũng phải dùng lá phiếu giấy thay cho các máy bỏ phiếu điện tử đã bị hỏng. Ở New York, phát ngôn viên Ban Bầu cử Valerie Vazquez-Rivera cho biết nhiều người đã có mặt từ 4 giờ sáng tại một số điểm bầu cử, chờ đến giờ mở cửa là 6 giờ để tránh phải xếp hàng. Nhân viên theo dõi bầu cử tại Chappaqua, New York, John Ritch cho biết chỉ mới 7h30 sáng ngày 4-11, số người đến bỏ phiếu đã đạt bằng con số đến tận trưa hồi năm 2004.

Ở Chesapeake, xấp xỉ 1.000 cử tri đã đứng xếp hàng để bỏ phiếu, và cũng có vài người cho biết rằng có nhiều máy không sử dụng được. Còn ở bang Ohio, bang đã từng có những trục trặc liên quan đến bầu cử trong quá khứ, phát ngôn viên Ben Piscitelli thuộc Ban Bầu cử của Hạt Franklin cho biết các quan chức địa phương một lần nữa lại phải xử lý các sự cố kỹ thuật như việc kẹt giấy trong các máy bỏ phiếu điện tử.

Nhật Lê (Theo CNN, BBC, AP)

TIN BÀI LIÊN QUAN:
        >>
Kết quả thăm dò phút cuối: Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ
        >> Bầu cử Tổng thống Mỹ: Tâm trạng trước giờ G
        >> 2 ngày trước bầu cử Tổng thống Mỹ: Obama tiếp tục dẫn điểm Mc Cain
        >> Ứng cử viên Obama: Ưu tiên hàng đầu là phục hồi kinh tế và độc lập năng lượng


;
.
.
.
.
.