.

Viễn cảnh suy thoái đối với các nước công nghiệp phát triển

.

(ĐNĐT) - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hôm qua (13-11) đã giảm bớt các con số dự đoán của mình về sản lượng kinh tế của Mỹ, Nhật Bản, và khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, đồng thời cho biết khu vực OECD gồm 30 nước thành viên có lẽ đã rơi vào tình trạng suy thoái.

Liệu hội nghị thượng đỉnh G20 có tìm ra được lối thoát nào cho bế tắc kinh tế hiện nay. Ảnh: AFP

OECD đoán trước rằng các nước công nghiệp phát triển sẽ phải đối mặt với sự tụt dốc đáng kể, cùng lúc các số liệu cho thấy nền kinh tế của Đức đã "sảy chân" vào tình trạng suy thoái. Theo dự báo của OECD, tổng sản lượng quốc nội (GDP) của 30 nước thành viên sẽ giảm 0,3% trong năm 2009. Tin tức ảm đạm này được đưa ra giữa lúc các quan chức của nhóm nước G20 sắp sửa có mặt tại Washington để tham dự hội nghị thượng đỉnh vào ngày 15-11 tới với mục đích phối hợp hành động đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

OECD cũng dự đoán rằng tỷ lệ thất nghiệp trung bình tại các nước thành viên của mình, theo ước tính ở mức 5,9% trong năm nay sẽ leo thang lên 6,9% trong năm tới và chạm mức 7,2% trong năm 2010. GDP của Mỹ được dự đoán sẽ giảm 0,9% trong năm 2009 sau sự tụt dốc khá dài của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 4. Cả Nhật Bản và khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng được tiên đoán sẽ trượt dần vào cảnh suy thoái với các mức dự đoán GDP "co rút" lại trong quý 4 và cả năm 2009.

Nhấn mạnh các viễn cảnh không hay ho gì của nền kinh tế, cũng trong ngày hôm qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA đã giảm bớt các dự đoán của mình đối với nhu cầu về dầu thô trên toàn thế giới. Theo đó, nguồn cầu trong năm 2008 sẽ giảm 330.000 thùng/ngày, xuống còn 86,2 triệu thùng/ngày, và trong năm 2009 sẽ hạ 670.000 thùng, xuống còn 86,5 triệu thùng/ngày.

Sau một chuỗi cắt giảm tỷ lệ lãi suất "rầm rộ" do các ngân hàng trung ương trên thế giới tuần qua, OECD cho rằng đã đến lúc nhiều chính phủ phải thúc đẩy hơn nữa dưới dạng gói khuyến khích kinh tế.

Trong khi đó, phát biểu tại New York trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tại Washington sẽ diễn ra vào ngày mai (15-11), Tổng thống Mỹ George W. Bush thừa nhận hệ thống tài chính cần có những cải cách và quy định mới, nhưng đồng thời khẳng định rằng cuộc khủng hoảng tín dụng không phải là một sự thất bại của hệ thống thị trường tự do, và không nên giới hạn thị trường này.

Theo ông Bush, các biện pháp táo bạo của các chính phủ chưa phải là một liều thuốc "chữa bách bệnh". Và mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tín dụng nhưng câu trả lời không phải là "cố gắng tái tạo lại hệ thống tài chính", mà thay vào đó, giải pháp mà ông Bush đưa ra là "sửa chữa những vấn đề mà chúng ta đang đối mặt, thực hiện những cải cách cần thiết, và tiến tới các nguyên tắc thị trường tự do đã mang lại sự thịnh vượng và hy vọng cho người dân trên toàn thế giới."

Ni Na (Theo Reuters, IHT, AP)

;
.
.
.
.
.