.

Bình Nhưỡng chờ hành động thiện chí từ Obama?

.

Vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã khai mạc tại Bắc Kinh và kéo dài trong ba ngày, sau năm tháng gián đoạn.

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân CHDCND Triều Tiên Kim Kye Gwan (trái) tham gia vòng đàm phán hạt nhân 6 bên ở Bắc Kinh.

Tại vòng đàm phán lần này, các bên liên quan thảo luận về việc văn bản hóa biện pháp kiểm chứng các chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ngoài ra, các nước cũng sẽ tái xác định thời hạn kết thúc viện trợ và hỗ trợ năng lượng và kinh tế cho Triều Tiên, để đổi lấy việc thực hiện vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân tại Yongbyon.

Phát biểu khai mạc cuộc họp với tư cách người chủ trì, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Đại Vĩ xác nhận, các bên sẽ đưa ra thời gian biểu kết thúc giai đoạn hai trong tiến trình phi hạt nhân hóa gồm 3 giai đoạn và thiết lập một cơ chế hòa bình khả thi. Ông nói: “Tất cả những điều này nên được thực thi theo các nguyên tắc hành động đổi hành động”.

Các trưởng đoàn đàm phán hai miền Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Nhật Bản đã có một loạt cuộc gặp tay ba và song phương sơ bộ đầu tiên trước khi bước vào vòng đàm phán sáu bên mới. Tuy nhiên, vấn đề vẫn tồn tại ngay trước cuộc họp là bất đồng ý kiến giữa các bên về lấy mẫu kiểm chứng hạt nhân. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ Christopher Hill nói với báo giới rằng:

“Chúng tôi biết, cuộc họp có thể đạt tới thỏa thuận gì… và giống như mọi vòng đàm phán sáu bên khác, đây là một cuộc thương lượng khó khăn”. Ông Kim Sook, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc, cũng tỏ ý không mấy lạc quan về vòng đàm phán này. “Có nhiều khuôn khổ cho một thỏa thuận, nhưng những nội dung chủ chốt đã thảo luận trong cuộc gặp ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ được tính đến”, ông nói.

CHDCND Triều Tiên không muốn đề cập đến việc lấy mẫu hạt nhân trong văn bản thỏa thuận mà nước này đã nhất trí tại hội đàm song phương với Mỹ tháng 10 vừa qua. Bình Nhưỡng nhấn mạnh, viện trợ năng lượng mà các nước đã cam kết cần được hoàn thành để đổi lấy hoạt động vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân. Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ một lần nữa cho rằng, việc cung cấp viện trợ năng lượng cho Triều Tiên phụ thuộc vào tiến bộ trong giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc giữa hai nước.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu các cuộc hội đàm sáu bên ở Bắc Kinh lần này rơi vào bế tắc, thì rất có thể CHDCND Triều Tiên đang chờ đợi một hành động thiện chí từ Barack Obama sau khi ông này lên nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Theo giới phân tích, Bình Nhưỡng đang hy vọng Obama sẽ cử một phái viên cấp cao tới Bình Nhưỡng - một hành động có thể sẽ thúc đẩy tiến trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo này. Trong khi đó, Paik Hak-soon, Giám đốc phụ trách các nghiên cứu về Triều Tiên tại Viện Sejong, cho rằng, chỉ riêng việc CHDCND Triều Tiên bất hợp tác với Nhật Bản trong các cuộc hội đàm tuần này cũng có thể cho thấy, các bên khó mà đạt được một thỏa thuận.

Nguyên nhân khiến Bình Nhưỡng không đối thoại với Tokyo là, Nhật Bản từ chối tham gia cùng với các đối tác Trung Quốc, Mỹ, Nga và Hàn Quốc, để viện trợ dầu hoặc các loại năng lượng khác như đã cam kết, để đổi lấy việc Bình Nhưỡng giải giáp các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon.

Tokyo kiên quyết đòi Triều Tiên phải giải thích rõ ràng về số công dân Nhật được cho là bị nước này bắt cóc 25 năm trước, chứ không chỉ 13 người đã được thừa nhận. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng khẳng định không còn ai khác. Tâm trạng thất vọng trong các cuộc đàm phán còn xuất phát từ căng thẳng leo thang giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, đỉnh điểm là việc Bình Nhưỡng hạn chế việc đi lại tới Khu công nghiệp Kaesong.

BĂNG CHÂU (Theo CSM, THX)

;
.
.
.
.
.