(ĐNĐT) - Một người phát ngôn của Bộ Nội vụ Iraq cho biết, 23 quan chức của Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng Iraq, mang hàm từ cấp úy cho đến cấp tướng, đã bị bắt giữ do các quan chức này bị tình nghi là thành viên của Đảng người Baath đã bị cấm hoạt động.
Một binh sĩ chụp ảnh đơn vị mình trước đài kỷ niệm Crossed Sabers tại Baghdad, Iraq. Ảnh: AP |
Theo tờ New York Times (NYT), một trong số các quan chức bị bắt giữ đã làm việc một cách thầm lặng nhằm tái xây dựng lại Đảng Baath. Tờ báo này trích dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ Iraq cho biết, các thành viên của tổ chức Al-Awda đã hối lộ các nhân viên khác nhằm chiêu mộ họ, và những người thực hiện vụ bố ráp các quan chức này đã phát hiện thấy một lượng tiền lớn được cất giấu.
Cũng theo tờ NYT, các quan chức của Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng Iraq cho biết, một số quan chức bị bắt giữ đang thực hiện một âm mưu đảo chính tuy mới ở trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Nội vụ, thiếu tướng Abdul Karim Khalaf, trả lời phỏng vấn của BBC lại cho rằng, thông tin của tờ NYT là “vô nghĩa” và “không có cơ sở”, và cho biết không có ai trong số các quan chức bị bắt giữ bị tình nghi đang thực hiện một âm mưu đảo chính hay dùng tiền hối lộ để chiêu dụ các nhân viên khác gia nhập đảng.
Cũng theo quan chức này, những người bị bắt giữ có phải là người Sunni hay người Shiite không vẫn còn chưa rõ. Một số nhân vật chủ chốt là người Shiite cũng đã có nhận định tương tự và cho biết nhóm này rõ ràng là được tổ chức một cách lỏng lẻo. Một quan chức khác cho biết hầu hết những người bị bắt giữ làm việc cho Sở Giao thông trực thuộc Bộ Nội vụ Iraq.
Tuy nhiên, với quá ít các thông tin chi tiết được xác nhận, thật khó hiểu là làm sao nhóm người này lại có thể thực hiện một âm mưu đảo chính, đặc biệt khi gần 150.000 binh lính Mỹ đang đóng quân tại Iraq. "Tôi yêu cầu chính phủ phải chấm dứt sự việc này", chính trị gia người Sunni Saleh al-Mutlaq nói khi phát biểu về vụ điều tra. "Tất cả chỉ là bịa đặt". Phóng viên thường trú tại Baghdad của BBC Caroline Wyatt cho biết những vụ bắt giữ này diễn ra tại một thời điểm nhạy cảm ở Iraq. Các cuộc bầu cử địa phương sẽ được tổ chức vào tháng 1 tới, vốn được người Iraq hy vọng sẽ diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, bầu không khí chính trị tại Iraq hiện đang bị kích động và làm nảy sinh nhiều tranh cãi, với những đồn đoán về những kế hoạch và âm mưu đảo chính đầy dẫy khắp Baghdad ngay trước thềm của các cuộc bầu cử.
Bộ Nội vụ Iraq là cơ quan chịu trách nhiệm hoạch định chính sách và bảo đảm an ninh nội bộ vốn đã từng bị cáo buộc hoạt động vô tổ chức và bị chia rẽ theo chủ nghĩa bè phái. Đảng Baath được thành lập chủ yếu từ tộc người Sunni thiểu số của Iraq, đã nắm quyền điều hành đất nước này trong hơn ba thập kỷ, hầu hết là dưới thời của Saddam Hussein. Đảng Baath đã bị cấm hoạt động sau khi Mỹ đem quân vào Iraq năm 2003, và các thành viên của đảng này không được phép đảm nhận các công việc trong chính phủ. Phần lớn những cuộc nổi dậy của người Sunni đã diễn ra từ thời điểm đó đến nay được cho là xoay quanh những thành viên trong quân đội đã bị sa thải của chính quyền Đảng Baath trước đây.
Hồi đầu năm nay, chính phủ do người Shitte lãnh đạo đã thông qua một đạo luật mới cho phép những thành viên của Đảng Baath trước đây được phép quay trở lại tham gia làm việc trong chính phủ. Nhiều thành viên cấp thấp hơn của Đảng Baath được tin là đã quay trở lại nắm giữ các chức danh thuộc nhiều cơ quan bộ khác nhau, trong đó bao gồm cả Bộ Nội vụ.
Q.Đan (Theo BBC, AP)