.

Chi tiêu năm 2009: Những việc nên và không nên làm

.

(ĐNĐT) - Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay, những quyết định đúng đắn về tài chính là hết sức cần thiết. Business Week đã tham khảo lời khuyên của những nhà hoạch định tài chính Mỹ về những việc "nên làm" và "không nên làm" với túi tiền của bạn trong năm mới 2009. Để chào tạm biệt năm 2008 ảm đạm và "đau buồn", những "giải pháp" dưới đây có thể sẽ giúp nguồn tài chính của bạn được đầu tư đúng hướng trong năm 2009:

Tại sàn chứng khoán News York. Các nhà hoạch định khuyên không nên quá mạo hiểm nhưng đừng bỏ đầu tư vào chứng thị trường này. Ảnh: AP

1. Đừng cố gắng dự đoán trước tương lai

"Hiện tại chúng ta đang đứng giữa những thách thức phức tạp và chưa từng xảy ra từ trước đến nay", Femi Shote, Công ty tư vấn về đầu tư Asset Harvest Group, nhận định. Bất kỳ ai cho rằng mình có thể tiên đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra đều là người "hoang tưởng".

2. Hãy giữ đủ số tiền mặt có thể

Cho dù bạn chẳng bao giờ phải bận tậm lo lắng về chuyện "thất nghiệp" đi nữa, thì một "quỹ phòng hờ" sẽ khiến bạn luôn cảm thấy yên tâm. Với số tiền mặt dự trữ sẵn, bạn sẽ không phải bán những thứ khác để thanh toán cho các khoản chi tiêu trong trường hợp khẩn cấp.

3. Hãy đầu tư trên phạm vi quốc tế

Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ nước Mỹ nhưng năm vừa qua lại là một năm khủng khiếp đối với hoạt động đầu tư trên toàn thế giới. Chỉ số chứng khoán quốc tế MSCI EAFE giảm 43% trong năm nay, và tình hình chứng khoán tại các nền kinh tế đang nổi lại còn thảm hại hơn. Các nhà đầu tư Mỹ dốc tiền đầu tư ra nước ngoài cũng bị thiệt hại nặng nề bởi đồng USD tăng giá.

Thậm chí, sau một năm tài chính như thế này, các nhà cố vấn vẫn cho rằng sẽ không khôn ngoan chút nào nếu không ngó ngàng tới các hoạt động đầu tư quốc tế. Một trong những lý do đó là mặc dù một số nền kinh tế chủ chốt, chẳng hạn như Trung Quốc, thời gian gần đây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng nền tảng căn bản kinh tế lâu dài của Trung Quốc vẫn còn khá hơn rất nhiều so với Mỹ.

4. Đừng cố gắng đầu tư vào một chỗ. Đa dạng hóa chính là kế sách

Việc dốc hết tiền để tập trung vào một loại cổ phiếu sẽ rất nguy hiểm trong trường hợp công ty này phá sản và xóa sổ toàn bộ giá trị cổ phiếu của nó trên thị trường. Robert Siegmann, đến từ Tập đoàn Quản lý Tài chính ở Cincinnati, có lời khuyên các khách hàng của mình hãy cân bằng các danh mục đầu tư của mình giữa thu nhập và cổ phiếu cố định với nhiều loại cổ phiếu từ nhiều công ty khác nhau. "Đừng cố bám vào một loại cổ phiếu đang thắng thế mà hãy chọn giải pháp đa dạng hóa ở tất cả các thị trường khác nhau".

5. Hãy tiết kiệm

Bạn chỉ có thể đầu tư cho tương lai nếu mỗi tháng bạn đều có một ít "của dư" để dành dụm.

6. Đừng hành động bất chợt

"Hãy cố gắng hạn chế tạo ra những thay đổi nghiêm trọng trong danh mục đầu tư chỉ vì các thị trường tài chính có đôi chút biến động", theo lời khuyên của William Howell, một cố vấn tài chính ở Noblesville, Indiana. "Hãy bám vào kế hoạch đầu tư tổng quát".
 
Trong bối cảnh thị trường bất ổn, các quyết định đầu tư dựa theo cảm tính hoặc nỗi sợ hãi sẽ dễ khiến bạn mất hết tiền của. Sẽ khôn ngoan hơn nếu bạn lờ đi những tin tức xấu hằng ngày và theo đuổi một kế hoạch đầu tư dài hạn.

7. Hãy thanh toán các khoản nợ

Trước khi nghĩ đến bỏ tiền vào việc gì, điều đầu tiên bạn nên nghĩ đến là thanh toán hết mọi nợ nần, nhất là các món nợ có lãi suất cao hoặc lãi suất không được khấu trừ thuế. Tránh được việc phải trả lãi suất hàng tháng sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều hơn lợi nhuận từ các khoản đầu tư của bạn.

8. Đừng từ bỏ chứng khoán

"Về mặt lịch sử, một số giai đoạn thuận lợi nhất để thị trường chứng khoán hoạt động trở lại chính là trong những thời điểm kinh tế ảm đạm", theo ông Paul Winter, Công ty tư vấn Five Seasons Financial Planning ở thành phố Salt Lake. Mặc dù đúng là không nên mạo hiểm quá nhiều tiền vào các thị trường cổ phiếu đang bấp bênh, nhưng nhà đầu tư nào hy vọng vào việc tích trữ tiền dài hạn sẽ có ít lựa chọn hơn so với thị trường chứng khoán.

9. Hãy theo sát việc chi tiêu của bạn

"Bạn sẽ rất dễ dàng để mất dấu vết các khoản chi tiêu của mình", theo Alexandra Ollinger, Công ty Truepoint Capital ở Cincinnati. Các nhà tư vấn cũng cho rằng đây là một sai phạm mang tính toàn cầu, bởi hầu hết mọi người đều không nhớ nổi mình đã tiêu những gì cũng như khó mà nắm được tiền của họ đã đi về đâu.

10. Đừng đầu tư theo lối "bầy đàn"

"Hãy lo sợ khi những người khác tham lam, và hãy tham lam khi những người khác lo sợ," nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett nói. Warren Ward, một chuyên gia tư vấn ở Columbus, Indiana cũng đồng tình với câu nói này, và khuyên các khách hàng của mình nên lui về phòng thủ ở các thị trường trái phiếu hoặc chứng khoán thay vì theo đuổi tính an toàn của tiền mặt hay trái phiếu chính phủ như nhiều nhà đầu tư khác đang làm. "Hãy có những suy nghĩ của riêng mình và đừng trở nên hoảng sợ để rồi đưa ra những quyết định khiến bạn phải hối hận về sau".

11. Hãy viết ra một kế hoạch, ngân sách đầu tư và cố bám vào nó

Việc lập ngân sách có thể giúp bạn kiểm soát việc chi tiêu và tăng số tiền bạn tiết kiệm hằng tháng. Một kế hoạch đầu tư sẽ loại bỏ yếu tố cảm tính nhất thời trong những quyết định đầu tư của bạn. "Đầu tư một cách có hệ thống là điều hết sức quan trọng trong thời kỳ suy thoái kinh tế", ông Ward nói.

12. Đừng bỏ quên các khoản bảo hiểm cần thiết

Bạn có thể tiết kiệm tiền bằng cách tăng khoản bảo hiểm xe ôtô được khấu trừ thuế hay bỏ đi các khoản bảo hiểm nhà cửa, bảo hiểm thương tật và bảo hiểm nhân thọ, nhưng bạn cũng có thể trở nên trắng tay sau một trường hợp đột xuất nào đó. Vì vậy, bạn không cần phải đóng toàn bộ các khoản bảo hiểm nhưng phải đảm bảo rằng mình sẽ được an toàn trong tình huống tồi tệ nhất.

13. Hãy kiểm tra nhân viên tư vấn tài chính của bạn

Vụ bắt giữ Bernard Madoff cho thấy được sự nguy hiểm của việc tin tưởng vào một người duy nhất, cho dù là nhà quản lý quỹ, hay nhà hoạch định và cố vấn tài chính. Hãy kiểm tra các nhân viên tư vấn về năng lực, chứng chỉ, trình độ học vấn và những yêu cầu khác mà bạn cho là cần thiết.

14. Đừng đầu tư vào những gì bạn không hiểu rõ

Cuộc khủng hoảng tài chính này đã cho thấy những nguy hiểm xuất phát tính phức tạp quá mức của thế giới đầu tư. Các nhà đầu tư đã mất trắng từ việc đầu tư vào cổ phiếu dựa vào tài sản và các đầu tư khác, mà trong rất nhiều trường hợp, nguyên nhân là do họ không nắm rõ những lĩnh vực này từ trước. Nếu nhà tư vấn hay người môi giới bất động sản của bạn không thể giải thích đầy đủ cho bạn về một lĩnh vực đầu tư, thì có lẽ là nó không dành cho bạn.

15. Hãy đảm bảo rằng những nguồn đầu tư an toàn... là thực sự an toàn

J. Mark Joseph, Công ty Sentinel Wealth Management ở Reston, Va., nói rằng "đầu tư vào trái phiếu là để đảm bảo tính an toàn, vì vậy hãy chắc chắn rằng các trái phiếu của bạn là an toàn". "Bởi một nguồn đầu tư đem lại thu nhập ổn định không có nghĩa rằng nó an toàn".

16. Đừng vơ vào nhiều rủi ro hơn khả năng của bạn có thể đối phó với chúng

Nhiều nhà đầu tư sẽ phản ứng lại trước những mất mát của năm 2008 bằng cách tỏ ra thận trọng và dè dặt hơn trong tương lai. Tuy nhiên, một số khác lại gắng sức lội ngược dòng những thất bại vừa qua bằng những quyết định táo bạo và mạo hiểm.

Điều đó đã xảy ra trong các cơn suy thoái vừa qua, theo Elaine Scoggins, Công ty Merriman Berkman Next ở Seattle. Sau khi bong bóng kỹ thuật công nghệ vỡ tung, các nhà đầu tư lục tục chuyển sang thị trường bất động sản. Một sai lầm thường gặp đó là "nối tiếp một sai lầm trong đầu tư bằng một sai lầm khác thậm chí còn trầm trọng hơn".

Năm vừa qua đã giúp các nhà đầu tư nhận thấy rằng tình hình kinh tế có thể trở nên tồi tệ đến mức độ nào. Trong tương lai, có thể các nhà đầu tư sẽ muốn đánh giá mức độ rủi ro mà họ có thể chấp nhận được cũng như họ có thể chờ đợi trong bao lâu để phục hồi trở lại.

Nhật Lê (Theo Business Week)

;
.
.
.
.
.