.

Gần 100 nước ký kết hiệp ước cấm bom chùm

.

(ĐNĐT) - Hơn 100 quốc gia trên thế giới đã nhóm họp tại Oslo, Na Uy và bắt đầu ký vào hiệp ước cấm bom chùm, một loại chất nổ đã gây ra thương tật cho không ít người dân thường trong các cuộc giao tranh.

Các chuyên gia của tổ chức từ thiện sau chiến tranh Halo Trust đang rà soát bom mìn còn sót lại tại Gruzia. Ảnh: AP

Na Uy, nước bắt đầu chiến dịch cấm bom chùm từ 18 tháng trước, là quốc gia đầu tiên ký kết, sau đó là Lào và Lebanon, 2 nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi loại vũ khí này. Ngoại trưởng Na Uy Jonas Gahr Stoere cho biết ông hy vọng sẽ có khoảng 100 quốc gia trong số 192 nước thành viên của Liên hiệp quốc (LHQ) ký vào hiệp ước này trước khi hội nghị kết thúc vào ngày hôm nay (4-12). Có 125 nước tham dự tại hội nghị nhưng không phải tất cả đều ký vào bản hiệp ước.

Hiệp ước này sẽ cấm sử dụng, cũng như sản xuất, vận chuyển, và tàng trữ các loại bom chùm. Các nước ký kết vào hiệp ước cũng sẽ giúp đỡ các nước và cá nhân là nạn nhân của loại vũ khí này. Bom chùm thường được thả từ máy bay hoặc bắn từ các khẩu pháo và phát tán ra hàng trăm quả bom nhỏ hơn trong không trung. Tuy nhiên, có nhiều quả bom nhỏ không phát nổ ngay lập tức, chúng trở thành những hiểm họa bom mìn còn sót lại trên mặt đất và gây thương tật cho rất nhiều dân thường, nhất là trẻ em. Vì vậy, hiệp ước cũng bao gồm việc tháo gỡ bom mìn còn sót lại tại những nước này.

Washington, Moscow và các nước khác không ký vào hiệp ước cho rằng bom chùm vẫn có những tính năng quân sự hợp pháp, chẳng hạn như hạn chế việc tăng số lượng binh lính. Tuy nhiên, theo tổ chức Từ thiện Quốc tế cho người tàn tật thì 98% nạn nhân của bom chùm là dân thường trong đó 27% là trẻ em.

Chính quyền Bush cho biết, một lệnh cấm hoàn toàn đối với loại vũ khí này sẽ làm ảnh hưởng tới an ninh của thế giới và đe dọa sự hợp tác quân sự của Mỹ về công tác nhân đạo với các nước ký kết hiệp ước. Israel và Trung Quốc cũng không ký vào hiệp ước này. Vụ trưởng Vụ các vấn đề An ninh và Giải trừ Quân bị Bộ Ngoại giao Nga Anatoly Antonov cũng cho rằng bom chùm là loại vũ khí hợp pháp và hữu hiệu được luật quốc tế cho phép sử dụng.

Mặc dù vậy, các nước ký vào hiệp ước vẫn tin tưởng rằng động thái này sẽ để lại một tác động về mặt đạo đức đối với những nước khác trên thế giới và là một cách phản đối việc sử dụng và sản xuất bom chùm. Jody Williams, một người tham gia chiến dịch chống bom mìn và đã từng đoạt giải Nobel nói rằng, về cơ bản Mỹ đã tuân theo mọi điều khoản của hiệp ước và bà hy vọng Tổng thống mới đắc cử Barack Obama sẽ ký vào hiệp ước.

Hiệp ước này sẽ có hiệu lực 6 tháng sau khi đã được 30 nước thông qua và trao các văn kiện cho LHQ. Sau lễ ký kết tại Oslo, hiệp ước sẽ được chuyển tới trụ sở chính của LLHQ tại New York để nhiều nước khác có thể tham gia ký kết.

Nhật Lê (Theo BBC, AP, RussiaToday)

;
.
.
.
.
.