Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ làm gia tăng tình trạng thất nghiệp lên đến 25 triệu người từ nay đến năm 2010. Theo đó, sẽ có từ 8 đến 10 triệu người trong khu vực OECD gồm 30 nước thành viên, trong đó bao gồm cả những nước có nền công nghiệp phát triển, và từ 20 đến 25 triệu người trên thế giới lâm vào tình trạng thất nghiệp.
Công nhân thuộc Công ty Nissan tổ chức biểu tình phản đối việc giảm nhân sự. (Ảnh: AFP) |
2 quốc gia của châu Âu là Tây Ban Nha và Ireland, vốn dựa nhiều vào ngành xây dựng để phát triển, đang phải trả giá đắt cho tình trạng hoạt động kinh tế giảm sút. Những ngày qua, công nhân thuộc Công ty Nissan đã tổ chức biểu tình tại trung tâm Barcelona của Tây Ban Nha, phản đối việc lãnh đạo tập đoàn này cắt giảm nhân sự.
Một lĩnh vực khác cũng gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng hiện nay là ngành công nghiệp ô-tô và buộc phải sa thải nhân công hoặc phải giảm ngày làm việc. Cũng theo OECD, nạn thất nghiệp sẽ gia tăng mạnh nhất tại các nước trong khu vực đồng euro, từ 7,4% trong năm 2008 lên 9% vào năm 2010.
Tại Nga, chỉ trong vòng từ 2 đến 3 tháng qua, số người thất nghiệp đã tăng thêm 150.000 người, từ 1,25 triệu người vào đầu mùa thu năm nay lên 1,4 triệu người vào thời điểm hiện nay. Tại Australia, tỷ lệ người thất nghiệp vào tháng 11 là 4,4% - tăng cao nhất trong năm 2008. Tại các tiểu bang của Mỹ, số người thất nghiệp lan tràn. Tỷ lệ người thất nghiệp ở Washington tăng lên 8% vào tháng 11, tháng 10 là 7,3%; ở Nevada tăng lên 8% vào tháng 11 với 112.000 người bị mất việc; ở Alaska là 7,3%; ở Oregon trong 2 tháng qua là 8,1%. Tỷ lệ người thất nghiệp ở hạt Van Wert ở tây bắc bang Ohio của Mỹ trong tháng 11 lên đến mức cao nhất: 10,9%...
Lao động di cư trên đường tìm việc tại Nam Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Một người Trung Quốc đi tìm việc lại tại Xiamen, tỉnh Phúc Kiến. (Ảnh: AFP) |
Tại Nhật Bản, báo cáo kinh tế tháng 12 nhận định rằng nền kinh tế nước này đang xuống dốc với việc sụt giảm mạnh trong sản xuất công nghiệp và lợi nhuận của các công ty. Đây là lần đầu tiên trong 7 năm qua, Văn phòng Nội các Nhật Bản sử dụng cụm từ “đang xấu đi” để đánh giá về tình hình kinh tế ở đất nước mặt trời mọc và là tháng thứ 3 liên tiếp cơ quan này hạ thấp triển vọng phát triển kinh tế. Báo cáo cũng đánh giá khu vực kinh doanh đặc biệt chịu tác động mạnh với việc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm mạnh một loạt chỉ số kinh doanh quan trọng như chi tiêu vốn, lợi nhuận, đầu tư nhà xưởng, quy mô sản xuất và điều kiện làm việc.
Nhiều tập đoàn ô-tô buộc phải sa thải nhân công hoặc phải giảm ngày làm việc. (Ảnh: AFP) |
Chính phủ mới của Thái Lan sẽ chi ít nhất 100 tỷ baht trong ngân sách tài khóa 2009 để kích thích nền kinh tế đang trì trệ. Để bảo đảm hiệu quả, Chính phủ mới sẽ đánh giá lại tầm quan trọng và tính ưu tiên của các dự án trước khi quyết định thực hiện. Dự kiến thâm hụt ngân sách năm 2009 của Thái Lan sẽ không vượt quá 180 tỷ baht.
THIÊN BÌNH