.

Mỹ không loại trừ khả năng đưa Bình Nhưỡng trở lại danh sách khủng bố

.

Một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ, Mỹ không loại trừ khả năng sẽ đưa CHDCND Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Khi được hỏi, liệu Washington có đưa CHDCND Triều Tiên trở lại danh sách khủng bố hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McCormack cho biết: “Tôi cho rằng, những điều như vậy luôn có thể xảy ra, nếu nước này có những hành động bất hợp tác về chương trình hạt nhân”.

Các đặc phái viên của các nước tham gia đàm phán 6 bên tại Bắc Kinh.

Vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã không đạt được tiến bộ nào liên quan đến thỏa thuận về việc xây dựng Nghị định thư kiểm chứng báo cáo hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi kết thúc đàm phán, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Kim Sook cho biết, các nước liên quan không thể thu hẹp bất đồng ý kiến chung quanh dự thảo Nghị định thư kiểm chứng hạt nhân do Trung Quốc đề xuất.

Theo ông Kim, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã khẳng định sự cần thiết phải nêu rõ trình tự khoa học của quá trình kiểm chứng, trong đó có việc lấy mẫu hạt nhân, trong Nghị định thư. Tuy nhiên, phía CHDCND Triều Tiên đã cực lực phản đối việc lấy mẫu hạt nhân và chỉ trích mạnh mẽ các chính sách thù địch của Mỹ đối với nước này. 

CHDCND Triều Tiên khẳng định, lấy mẫu hạt nhân cũng đồng nghĩa với việc tiết lộ hết tiềm lực hạt nhân cũng như an ninh quốc gia của nước này. Theo Bình Nhưỡng, đây là động thái can thiệp vào chủ quyền của một quốc gia.
 
Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh, việc nước này cho phép tiếp cận các cơ sở hạt nhân, phỏng vấn các nhân viên và cung cấp toàn bộ tài liệu hạt nhân đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về trình tự kiểm chứng. Cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Christopher Hill cũng xác nhận, vòng đàm phán đã không đạt được tiến bộ nào trong việc tìm ra một phương sách để kiểm chứng những lời tuyên bố của Triều Tiên nói, họ đã chấm dứt chương trình hạt nhân.

Phía Mỹ luôn nhấn mạnh rằng, các thanh sát viên quốc tế phải được phép lấy mẫu từ các cơ sở hạt nhân để kiểm chứng việc vô hiệu hóa. Nhưng Bình Nhưỡng thì vẫn tiếp tục phủ nhận việc trước kia họ đã đồng ý cho phép lấy mẫu và gọi đó là một sự xâm phạm chủ quyền của họ. Các nước liên quan cũng không đưa ra lịch trình làm việc cụ thể cho ngày 11-12 và điều này cho thấy, vòng đàm phán 6 bên lần này đã thất bại.

Theo thỏa thuận mà các bên đạt được hồi tháng 2-2007, CHDCND Triều Tiên đồng ý từ bỏ vũ khí và chương trình hạt nhân, đồng thời cam kết sẽ công bố tất cả hoạt động hạt nhân của nước này vào cuối năm 2007. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ nhận được các nhượng bộ về kinh tế và ngoại giao, trong đó có việc được Mỹ đưa ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.
 
Sau khi phái viên Hill có chuyến thăm 3 ngày tới Bình Nhưỡng đầu tháng 10 và đạt được thỏa thuận kiểm chứng với nước chủ nhà nhằm cứu vãn các cuộc hội đàm sáu bên. Ngày 11-10, chính quyền Tổng thống Bush đã đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách đen. Tuy nhiên, hai bên vẫn tiếp tục bất đồng về vấn đề này.

Việc thực hiện thỏa thuận này mới chỉ đạt những tiến bộ rời rạc. Trước vòng đàm phán mới nhất, nhiều nhà phân tích dự báo rằng, ít có khả năng Bình Nhưỡng sẽ đồng ý một thỏa thuận trước khi tân Tổng thống Barack Obama nhậm chức tại Nhà Trắng. 
                           
BĂNG CHÂU (Theo AFP, Yonhap, THX)

;
.
.
.
.
.