.

Mỹ “oằn mình” trong bão tài chính

.

Nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với những hiểm họa về nạn thất nghiệp vẫn tăng ca, giảm phát và suy thoái. Trong khi đó, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ do đảng Dân chủ nắm giữ đã thống nhất chi 15 tỷ USD để cứu 3 đại gia ô-tô Ford, General Motors và Chrysler.

Bức tranh ảm đạm

Các giám đốc điều hành của General Motors, Chrysler và Ford trong phiên điều trần tại Washington. (Ảnh: AP) 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), có trụ sở tại Paris (Pháp) cảnh báo: “Nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn rất khó khăn, mặc dù có những can thiệp về chính sách nhưng tình hình dường như đang xấu đi…”. OECD cho rằng, nhiều tập đoàn tài chính ở Mỹ có thể không trả được nợ, đồng thời cần phải có các tác nhân kích thích tài chính khác nếu tình hình trở nên quá tồi tệ. Cũng theo tổ chức này, những vấn đề mang tính lâu dài, bao gồm cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe và hao hụt ngân sách Mỹ, phải được giải quyết.

Cảnh báo của OECD đang vẽ ra một bức tranh ảm đạm đối với những thách thức về kinh tế cho chính quyền Tổng thống sắp nhậm chức Barack Obama. Khi mới đắc cử, ông Obama từng cho rằng, nước Mỹ cần một kế hoạch cứu trợ cho tầng lớp trung lưu bằng những khoản đầu tư vào các chương trình trực tiếp tạo ra việc làm, cũng như gây dựng lòng tin cho những gia đình đang gặp khó khăn về kinh tế. Nhưng hiện tại, những khó khăn về kinh tế đang ngày càng chồng chất không những gây khủng hoảng niềm tin cho người Mỹ mà còn tăng thêm gánh nặng cho nội các mới và cá nhân Bộ trưởng Tài chính sắp nhậm chức Timothy Geithner.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 10 tại nước này đã tăng 6,5%, tương đương 240.000 việc làm bị cắt giảm, đến tháng 11 tăng lên 6,7% - mức cao nhất trong vòng 15 năm qua. Dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể tăng lên mức 7,5% trong năm tới.

Chính phủ Mỹ đã phải chi 20 tỷ USD tiền mặt cho Ngân hàng Citigroup - trụ cột tài chính của nước này. (Ảnh: AP)

Để từng bước tháo gỡ khủng hoảng, Nhà Trắng và Quốc hội vừa thống nhất chi 15 tỷ USD để cứu 3 đại gia ô-tô của Mỹ, bao gồm Ford, General Motors và Chrysler. Riêng Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ đến nay đã nhận được gần 1.200 đơn xin được hưởng trợ cấp từ Chương trình giảm nhẹ tài sản xấu (TARP) dành cho các ngân hàng nhỏ và ngân hàng tư nhân khi họ phải đối mặt với các khoản nợ xấu trong thời gian tới. Chương trình giảm nhẹ tài sản xấu (TARP) dành cho các ngân hàng nhỏ và ngân hàng tư nhân được dành ngân sách tối đa là 350 tỷ USD. Cơ quan này đã “rót” 161,5 tỷ USD cho 52 ngân hàng và đang thẩm định đơn của 93 ngân hàng khác, với tổng số tiền cho vay là 48,4 tỷ USD.

Chủ nhân giải Nobel kinh tế 2008, Paul Krugman - chuyên gia kinh tế về thương mại quốc tế và đứng mục bình luận của tờ New York Times từ năm 1999 - nhận định: Gói kích thích kinh tế trị giá tối thiểu 4% GDP cho năm 2009 là cần thiết để ngăn chặn một cuộc sụt giảm mạnh, nhưng có thể chưa đủ để giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới này khỏi trượt giảm thêm. Ông Krugman dự báo thị trường nhà đất Mỹ, nhân tố châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, có thể sẽ tiếp tục yếu đi và theo những dự báo gần đây có thể giảm 10-15%. Nhà kinh tế này lưu ý Chính phủ Mỹ không nên ngần ngại chi cho cơ sở hạ tầng nhằm mang lại những lợi ích dài hạn cho nền kinh tế, mặc dù giá phải trả là thâm hụt ngắn hạn ở mức cao, có thể lên tới 7-8% GDP trong năm 2009.

Kinh tế thế giới chao đảo

 “Đại gia” General Motors đã xin Chính phủ Mỹ giải cứu. (Ảnh: Reuters)

Điều đáng nói là khủng hoảng kinh tế ở Mỹ đã và đang tác động đến nền kinh tế thế giới, đặt kinh tế của nhiều nước đứng trước nguy cơ suy thoái. WB cũng vừa đưa ra một viễn cảnh khá ảm đạm về nền kinh tế toàn cầu trong năm 2009, với mức tăng trưởng yếu và giao dịch thương mại sụt giảm lần đầu tiên trong 26 năm qua. Theo dự đoán của WB, tăng trưởng kinh tế hằng năm sẽ giảm từ 2,5% của năm 2008 xuống còn 0,9% năm 2009, trong khi giao dịch thương mại giảm 2,1%. WB cho rằng một số nền kinh tế mới nổi dường như đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, bao gồm thất bại của các ngân hàng và khủng hoảng tiền tệ, cho dù các kế hoạch cứu trợ bắt đầu phục hồi được niềm tin trong thị trường tài chính.

OECD từng cảnh báo về 3 hiểm họa lớn đang chờ đợi 30 quốc gia thành viên của tổ chức này vào năm 2009: Suy thoái kinh tế, thất nghiệp gia tăng và đe dọa giảm phát. Đây cũng là đợt suy thoái trầm trọng nhất mà các nước OECD phải đối mặt kể từ năm 1980 đến nay. Trong 30 quốc gia thành viên của OECD, có 24 nước được Ngân hàng thế giới (WB) xếp vào nhóm các quốc gia có thu nhập cao và 6 nước còn lại được coi là các quốc gia có thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, các quốc gia này cũng không chống chọi được cơn bão suy thoái kinh tế.

Theo dự báo, GDP năm 2009 của Nhật Bản sẽ giảm 0,1%, thất nghiệp tăng 0,3% và OECD đặc biệt lưu ý đến nguy cơ giảm phát ở nước này. Những dự báo trên đang dần trở thành hiện thực khi mới đây nội các Nhật Bản công nhận nước này đã thực sự bước vào suy thoái. Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản cũng có một vài khởi sắc như tỷ lệ thất nghiệp trong quý ba giảm 0,3 % so với quý hai, tỷ lệ lạm phát được kìm hãm đôi chút. Song, tình hình thực tại khiến các tập đoàn “đại gia” phải dè dặt trong các chính sách cắt giảm chi phí. Hãng Sony của Nhật cũng vừa có kế hoạch cắt giảm 8.000 việc làm. Đối với Hàn Quốc, dự báo tăng trưởng của nước này còn 2,7%. Xuất khẩu, một trong những trụ cột kinh tế Hàn Quốc (tương đương 48% GDP), đang bị tuột dốc không phanh.

Phúc Nguyên

;
.
.
.
.
.