Sáng 4-12, Trung Quốc và Mỹ bắt đầu vòng đối thoại kinh tế chiến lược (SED) lần thứ 5 ở Bắc Kinh, giữa thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ngày càng trầm trọng và đang có sự chuyển giao quyền lực ở Washington.
Quang cảnh cuộc đối thoại kinh tế chiến lược Trung - Mỹ lần thứ 5 ở Bắc Kinh ngày 4-12. |
Ông Vương khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc về các chiến lược quản lý rủi ro kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển cân bằng, về các chính sách thương mại và đầu tư mở rộng, trong đó có vấn đề tăng cường sự an toàn của các mặt hàng thực phẩm và dược phẩm, về vai trò của chúng tôi ở các thể chế quốc tế và mở rộng hợp tác về năng lượng cũng như môi trường”. Trong khi đó, Bộ trưởng Paulson nhấn mạnh: “Lần đầu tiên trong tiến trình SED, Mỹ và Trung Quốc sẽ tập trung vào cách thức hợp tác với nhau thông qua các diễn đàn quốc tế nhằm củng cố hệ thống kinh tế toàn cầu”.
Được khởi xướng bởi lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Mỹ năm 2006, các vòng SED, diễn ra 2 lần mỗi năm, là cuộc đối thoại cấp cao nhất giữa hai nước. Đây là vòng đàm phán SED cuối cùng của ông Paulson với Trung Quốc. Ông ca ngợi Trung Quốc đã góp sức vào nỗ lực giải quyết bất ổn kinh tế toàn cầu. “Sự hợp tác và phối hợp của quốc tế trong thời gian qua rất tốt và chúng tôi đánh giá cao vai trò trách nhiệm mà Trung Quốc đã gánh vác trong cuộc khủng hoảng”, ông Paulson nói.
Trước khi phái đoàn của Mỹ tới Bắc Kinh, nhiều thông tin về tình trạng kinh tế Mỹ đã được thông báo, cho thấy nền kinh tế nước này đang lún sâu vào suy thoái. Nhiều người hy vọng, với sức mạnh của mình, Trung Quốc có thể cứu nguy kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bản thân nước này cũng đang chịu ảnh hưởng của khủng hoảng, với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dự đoán năm sau chỉ đạt 7,5%, mức thấp kỷ lục trong vòng 19 năm qua. Hiện có những suy đoán rằng, Bắc Kinh có thể đóng băng hoặc thậm chí đảo ngược tiến trình cải cách tiền tệ để hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu vốn đang gặp khó.
Trung Quốc đã sử dụng một phần lớn trong khoản thặng dư thương mại song phương để mua lại các khoản nợ của Chính phủ Mỹ. Tính đến tháng 9 năm nay, Trung Quốc trở thành chủ sở hữu số lượng lớn nhất trái phiếu Chính phủ Mỹ, với 585 tỷ USD. Một trong số những yêu cầu mà phía Bắc Kinh đặt ra lần này là Mỹ phải bảo đảm an toàn cho các khoản đầu tư đó.
GIA HUY (Tổng hợp)