.

Nga không bán tên lửa S-300 cho Iran

.

Ủy ban hợp tác quân sự Liên bang Nga vừa đưa ra tuyên bố: “Thông tin về vụ mua bán tên lửa S-300 là không đúng sự thật”. Alexander Fomin, Phó Chủ tịch ủy ban này khẳng định, hợp tác giữa Nga và Iran là nhằm bảo đảm cho sự ổn định của khu vực.

Tên lửa đánh chặn được phóng thử tại Hawaii.

Trước đó, Phó Chủ tịch tiểu ban an ninh và đối ngoại của Quốc hội Iran Esmaeil Kosari nói rằng, Nga bắt đầu cung cấp các thành phần của hệ thống S-300 cho Tehran. Phiên bản nâng cấp của S-300 có tầm bắn 150km, có thể bắt tín hiệu của các tên lửa đạn đạo và máy bay ở tầm thấp và cao. Hệ thống này có khả năng chặn đứng hữu hiệu những cuộc tấn công từ trên không. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Iran không phủ định cũng không xác nhận thông tin đó.

Trong khi đó, nhà xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboronexport khẳng định, họ chỉ cung cấp vũ khí phòng vệ cho Iran và tuân thủ chặt chẽ hiệp ước không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. “Chúng tôi chỉ bán các hệ thống phòng thủ cho Tehran, trong đó có một số loại tên lửa đất đối không, ví dụ Tor-M1”. Tuy nhiên, cơ quan này không nói rõ tên lửa đó có bao gồm tên lửa tầm xa tiên tiến S-300 hay không. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel cho biết, họ đã nhận được trấn an từ phía Nga, rằng nước này chưa bán tên lửa S-300 cho Tehran. Mỹ và Israel tỏ ý lo ngại về việc Iran trang bị thêm S-300, bởi hệ thống này có thể khiến hỏa lực của Tehran tăng sức mạnh, có thể chống trả các cuộc tấn công từ trên không, đặc biệt là tại các khu vực được cho là có các cơ sở hạt nhân.

Giới chức Mỹ cho biết, họ muốn có câu trả lời từ phía Nga về việc có đúng nước này đang định bán tên lửa đất đối không tiên tiến cho Iran hay không. Mỹ cho rằng, động thái như vậy có thể đe dọa đến quân đội Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Wood tuyên bố: “Chúng tôi đã liên tục nêu rõ với các quan chức cấp cao của Chính phủ Nga rằng, chúng tôi kịch liệt phản đối việc bán hệ thống S-300. Như trước kia Chính phủ Mỹ đã nói, đây không phải là thời gian thích hợp cho việc làm ăn với Chính phủ Iran”.

Gần đây, Iran đã nhận 29 hệ thống tên lửa phòng không Tor-M1 do Nga sản xuất, theo một hợp đồng 700 triệu USD được ký cuối năm 2005. Nga cũng đã huấn luyện cho Iran các chuyên gia về tên lửa Tor-M1, trong đó có chuyên gia điều khiển radar và các chỉ huy. Iran hiện có hệ thống tên lửa khá cũ kỹ, có từ những năm 1960 và 1970. Vì vậy, việc Nga bán tên lửa cho Iran sẽ làm cho nước này có khả năng kiểm soát trên không bao quát hơn, linh hoạt hơn.
 
Với tầm xa khoảng 100km, hệ thống của Nga, nếu được đặt ở biên giới, có thể cho phép Iran vươn tới vị trí của lực lượng liên quan tại Iraq và Afghanistan. Cả Mỹ và Israel đều kịch liệt phản đối việc mua bán. Họ cho rằng hệ thống phòng không tiên tiến như S-300 có thể làm thay đổi thế cân bằng quân sự tại Trung Đông. Mỹ và Israel lo ngại rằng, Iran có thể sử dụng các tên lửa S-300 để bảo vệ nhà máy làm giàu urani của họ ở Natanz hay nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của nước này, hiện đang được Nga giúp đỡ xây dựng tại Bushehr.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu chứng tỏ Nga chỉ định cung cấp những vũ khí phòng thủ cho Iran, tuân thủ theo đúng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Các nghị quyết mà LHQ thông qua sau khi Iran từ chối ngừng làm giàu uranium cấm các nước cung cấp cho Iran các thiết bị có thể góp phần phát triển chương trình hạt nhân của nước này. Vì vậy, rõ ràng hệ thống S-300 không bị cấm theo nghị quyết của LHQ.
           
GIA HUY (Theo AP, Ria Novosti)

;
.
.
.
.
.