.

Nga sẽ thay mới hệ thống tên lửa trước năm 2020

.

Nga đang tích cực nâng cấp các hệ thống tên lửa cũ trong lúc xảy ra tranh cãi với Mỹ về dự án lá chắn tên lửa của nước này ở châu Âu. Quân đội Nga vừa tuyên bố, Nga sẽ thay thế kho vũ khí từ thời Liên bang Xô-viết cũ, bằng những tên lửa xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, và đánh bại các hệ thống phòng thủ như lá chắn tên lửa của Mỹ.

Một tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M ICBM của Nga được đưa ra phô diễn trong một cuộc diễu hành tại Moscow.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moscow, Tướng Nikolai Solovtsov, tổng chỉ huy các lực lượng tên lửa của Nga, cho biết: “Vào khoảng năm 2015 - 2020, các lực lượng tên lửa chiến lược của Nga sẽ có những hệ thống tên lửa hoàn toàn mới với các đặc điểm chiến đấu đã được cải tiến. Chúng sẽ có khả năng thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào, kể cả trong những điều kiện mà kẻ thù sử dụng các biện pháp phòng vệ tên lửa”.

Pavel Felgenhauer, một chuyên gia phân tích quốc phòng hàng đầu Nga nhận định: “Về cơ bản, các phát biểu của Tướng Solovtsov có nghĩa là hầu hết các tên lửa đạn đạo liên lục địa do Liên bang Xô-viết sản xuất hoặc được chế tạo hồi những năm 1990 sẽ bị thu hồi và hủy bỏ vào năm 2020. Lực lượng tên lửa mới sẽ nhỏ gọn hơn đáng kể so với hệ thống hiện tại, vốn có từ thời Chiến tranh Lạnh và Liên bang Xô-viết”.

Vài tháng trở lại đây, nhà chức trách Nga đã nhiều lần tiến hành thử nghiệm tên lửa mới. Quân đội Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt loại tên lửa Topol-M với tầm xa khoảng 10.000 km, có thể triển khai cả trên bệ phóng di động và cố định. Theo Tướng Solovtsov, từ tháng 12-2009, Nga sẽ triển khai hỏa tiễn RS-24 có khả năng chiến đấu tương tự Topol-M nhưng mang được nhiều đầu đạn. Nga công bố ý định tân trang lại các lực lượng tên lửa đúng vào thời điểm Moscow tỏ ra phẫn nộ trước kế hoạch lắp đặt 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan và một trạm radar tại Cộng hòa Séc của Washington. Moscow cho rằng, lá chắn tên lửa Mỹ sẽ đe dọa an ninh quốc gia Nga, bất chấp việc Washington trấn an rằng, dự án chỉ nhằm bảo vệ châu Âu trước nguy cơ bị tấn công từ các nước như Iran.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin đã yêu cầu Tổng thống đắc cử của Mỹ Barack Obama từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ của Washington tại châu Âu, vốn do chính quyền Bush đề ra. Tại Washington, John Rood - quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, người Nga có ý định thử thách nhuệ khí của chính quyền mới và tân tổng thống Mỹ. Và tương lai cho thấy, chính quyền mới sẽ chọn trả lời thách thức ấy như thế nào”.

Bất chấp những biểu hiện lạc quan từ Moscow, ông Obama vẫn chưa tiết lộ chi tiết nào về các ý định của ông. Tổng thống đắc cử Mỹ Obama chưa từng cam kết sẽ theo đuổi kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu, bởi còn hoài nghi về tính khả thi của công nghệ. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Richard Lugar, một chính khách kỳ cựu về các nỗ lực kiểm soát vũ khí Nga - Mỹ, kêu gọi cả hai nước đi đến thoả thuận nhằm thay thế một hiệp ước quân sự song phương quan trọng sẽ hết hạn vào tháng 12-2009.

BĂNG CHÂU (Theo AFP, Reuters)

;
.
.
.
.
.