.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan

.

Đến sáng thứ tư (3-12) vừa qua, những người biểu tình thuộc Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) đối lập với Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu rời bỏ những vị trí cố thủ tại hai sân bay chính của thủ đô Bangkok: Sân bay quốc tế Suvarnabhumi và sân bay nội địa Don Muang.

Hai phe biểu tình đối lập nhau ở Thái Lan: phe ủng hộ Chính phủ (áo đỏ) và phe đối lập (áo vàng).

Họ tuyên bố cuộc đấu tranh đã thắng lợi, sau khi Tòa Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết hôm thứ ba (2-12) rằng đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) – là đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền gồm 6 đảng chính trị ở Thái Lan - cùng hai đảng nhỏ khác đã phạm tội gian lận bầu cử trong cuộc Tổng tuyển cử tháng 12 năm ngoái. Thủ tướng Somchai Wongsawat cùng 36 lãnh đạo cao cấp của ba đảng nói trên bị truất quyền và bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm.

Tuy vậy, cuộc xung đột chính trị dai dẳng trong xã hội Thái Lan giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và đô thị, giữa những người ủng hộ Hoàng gia Thái mặc áo vàng và những người ủng hộ cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra mặc áo đỏ… vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hôm thứ tư, sau khi Tòa Hiến pháp quyết định giải tán đảng PPP thân ông Thaksin, những thành viên kỳ cựu của đảng này đã lập tức thành lập một đảng chính trị mới, “Đảng vì người Thái” (Pak Pua Thais - PPT) – một chiến thuật tương tự như việc thành lập đảng PPP thay cho đảng “Người Thái yêu Người Thái” (Thai Rat Thai – TRT) bị cấm hoạt động trước đây.

Sân bay quốc tế Suvarnabhumi hiện đại nhưng không hoạt động suốt tuần trước vì bị người biểu tình phong tỏa.

Lãnh đạo đảng PPP cho biết, họ sẽ triệu tập một kỳ họp bất thường của Quốc hội Thái vào thứ hai tới (9-12) để chọn ra thủ tướng mới – có thể lại là một thành viên của đảng PPP dưới tên đảng mới PPT. Nếu như vậy, khả năng liên minh đối lập PAD tổ chức lại những cuộc biểu tình chống Chính phủ, mà họ cho là “bù nhìn” của cựu Thủ tướng Thaksin, là hoàn toàn có thể xảy ra. Hãy còn quá sớm để nói rằng, Thái Lan đã qua cơn sóng gió và tìm lại được sự ổn định để phát triển.

Để phán đoán những diễn biến sắp tới trên chính trường của nước láng giềng Thái Lan, nên chăng nhìn lại những biến cố dẫn tới cuộc xung đột hiện nay.

Ngày 9-2-2001: Tỷ phú truyền thông Thaksin Shinawatra trúng cử Thủ tướng Thái Lan.

Tháng 11-2005: Bắt đầu các cuộc diễu hành hàng tuần trên đường phố, thu hút hàng chục ngàn người tố cáo Chính phủ Thaksin tham nhũng, lạm dụng quyền lực và đàn áp tự do ngôn luận.

Ngày 19-9-2006: Quân đội Thái Lan tiến hành đảo chính không đổ máu lật đổ Thủ tướng Thaksin, bãi bỏ hiến pháp và tạm thời thiết lập chế độ quân quản.

Tháng 12-2007: Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) – hậu thân của đảng Người Thái yêu Người Thái (TRT) do ông Thaksin sáng lập và đã bị cấm hoạt động – giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử và thành lập Chính phủ liên hiệp mới với 6 đảng, cử ông Samak Sundaravej làm Thủ tướng.

Tháng 5-2008: Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) - bao gồm tầng lớp trung lưu đô thị, giới doanh nhân, người về hưu, người bảo hoàng và những người chống toàn cầu hóa - tiến hành những cuộc biểu tình đòi Thủ tướng Samak mà họ coi là “bù nhìn” của ông Thaksin phải từ chức.

Ngày 26-8-2008: Người biểu tình của PAD chiếm một đài truyền hình của Chính phủ và bao vây một số cơ quan Chính phủ. Hàng chục ngàn người biểu tình bắt đầu chiếm giữ Phủ Thủ tướng.

Ngày 9-9-2008: Thủ tướng Samak bị cách chức sau khi tòa tuyên bố việc ông xuất hiện trong một chương trình truyền hình về ẩm thực là hành vi “xung đột lợi ích”.

Ngày 17-9-2008: Quốc hội Thái Lan cử ông Somchai Wongsawat làm Thủ tướng. Ông Somchai là em rể cựu Thủ tướng Thaksin và bị phe đối lập tố cáo là “bù nhìn” của ông Thaksin. Những người biểu tình tuyên bố bao vây Văn phòng Chính phủ cho đến khi nào ông Somchai mất chức mới thôi.

Ngày 7-10-2008: Cảnh sát và người biểu tình đụng độ sau khi chính quyền cố gắng giải tỏa các đường phố gần tòa nhà Quốc hội để các nghị sĩ vào làm việc. Một người chết và hàng trăm người bị thương.

Ngày 21-10-2008: Cựu Thủ tướng Thaksin bị kết án hai năm tù giam vì vi phạm luật về xung đột lợi ích. Tòa xử vắng mặt vì ông Thaksin đang lưu vong tại Anh quốc và tuyên bố phiên tòa không công bằng.

Ngày 20-11-2008: Một vụ ném lựu đạn vào những người biểu tình đang cắm trại trong khuôn viên Phủ Thủ tướng, một người chết và hơn 20 người bị thương.

Ngày 25-11-2008: Những người biểu tình thuộc Liên minh Nhân dân vì Dân chủ chiếm và phong tỏa sân bay quốc tế Suvarnabhumi gần Bangkok, hàng ngàn chuyến bay bị hủy bỏ, cả trăm ngàn du khách phải lang thang vạ vật trong sân bay. Ngày hôm sau, sân bay Don Muang cũng bị người biểu tình chiếm giữ và phong tỏa.

Ngày 2-12-2008: Tòa Hiến pháp tuyên bố đảng PPP phạm tội gian lận bầu cử và bị giải tán. Thủ tướng Somchai bị cách chức và bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm. Phó Thủ tướng Chaowarat Chandeerakul lên làm quyền Thủ tướng để chuẩn bị tổng tuyển cử. Phe đối lập PAD tuyên bố thắng lợi và bãi bỏ việc phong tỏa các sân bay.

Ba năm bất ổn chính trị đã khiến nền kinh tế Thái Lan thiệt hại nặng nề; thị trường chứng khoán tụt dốc; khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài chán nản, nhất là sau khi hai sân bay chính ở Bangkok bị phong tỏa, cắt đứt liên hệ giữa Thái Lan với thế giới bên ngoài. Vụ khủng hoảng ở Thái Lan tác động đến cả khu vực Đông Nam Á; hàng trăm người Việt Nam bị kẹt lại Bangkok mấy ngày sau mới được đưa về nước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các quốc gia láng giềng như Việt Nam quảng bá những lợi thế của mình nhằm thu hút các nhà đầu tư và du khách quốc tế đang có ý định rời bỏ Thái Lan.

HUỲNH HOA

 

 

;
.
.
.
.
.