.

Obama bổ nhiệm đội ngũ an ninh quốc gia

.

Văn phòng Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, trong cuộc họp báo tại Chicago sáng 1-12 (giờ Mỹ), ông Obama công bố việc bổ nhiệm các thành viên trong nhóm an ninh quốc gia, cùng nhiều nhân vật kỳ cựu, giàu kinh nghiệm vào các vị trí trong chính quyền mới.

Tổng thống đắc cử Obama và Thống đốc Arizona Janet Napolitano, người vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng An ninh nội địa, trong một cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ.

Giới phân tích cho rằng, Obama đã đạt tốc độ kỷ lục trong việc bổ nhiệm các vị trí Nội các giúp Tổng thống vượt qua giai đoạn suy thoái. Những lựa chọn của ông gồm các cố vấn lâu năm và cả những người từng là đối thủ chính trị, như cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Rodham Clinton ở vai trò Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates dưới thời Tổng thống Bush. Đây là hai trong số sáu người mà Tổng thống đắc cử Mỹ thông báo bổ nhiệm trong cuộc họp báo ở Chicago.

Theo các quan chức của đảng Dân chủ, Obama còn dự kiến đưa cựu Thứ trưởng Bộ Tư pháp thời kỳ Clinton, ông Eric Holder trở thành Bộ trưởng Tư pháp và Thống đốc Arizona Janet Napolitano làm Bộ trưởng An ninh nội địa. Hai vị trí cấp cao trong chính sách đối ngoại ngoài Nội các mà Obama hướng tới là: Cố vấn chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử của Obama - Susan Rice - làm Đại sứ Mỹ tại LHQ và tướng Hải quân nghỉ hưu James L. Jones đảm nhận vị trí Cố vấn an ninh quốc gia.
 
Obama cũng đã chọn cựu lãnh đạo Dân chủ trong Thượng viện Tom Daschle làm Bộ trưởng Y tế và Thống đốc New Mexico, Bill Richardson, làm Bộ trưởng Thương mại. Tuần trước, ông Obama cũng đã bổ nhiệm các nhân vật chính trong đội ngũ kinh tế gồm Timothy Geithner, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang của New York, làm Bộ trưởng Tài chính.

Khi các quyết định trên được chính thức xác nhận thì có nghĩa Obama đã có một nửa thành viên Nội các trong vòng chưa đầy một tháng sau bầu cử, gồm các nhân vật chủ chốt trong Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính và Quốc phòng. Đội ngũ ấy tính đến thời điểm này đều là những người có kinh nghiệm với khả năng giải quyết công việc tốt, đồng thời có một số điểm tương đồng với sự chọn lựa Nội các đầu tiên của Tổng thống sắp mãn nhiệm Bush.

Ở vị trí Ngoại trưởng, cả ông Bush và ông Obama đều chọn người từng là đối thủ của họ trong mùa bầu cử sơ bộ: Obama chọn Hillary còn Bush chọn Colin Powell. Về vị trí lãnh đạo Bộ Y tế, cả hai đều chọn các nhân vật dày dạn kinh nghiệm: Obama nhắm tới Daschle và Bush thì quyết định trao ghế đứng đầu Bộ này cho Thống đốc Wisconsin Tommy Thompson. Ở chức Bộ trưởng Quốc phòng, cả Bush và Obama đều chọn những người từng đảm nhận vị trí này. Tổng thống sắp mãn nhiệm và Tổng thống đắc cử cũng đều chọn những Thống đốc có uy tín cho vị trí Bộ trưởng An ninh Nội địa.

Đến nay, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton đã nhất trí sẽ từ bỏ vị trí trong Thượng viện để đảm nhận ghế Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Obama. Trước đó, để mở đường cho việc bà Clinton lên đứng đầu Bộ Ngoại giao, các giới chức nói rằng chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton, đã đồng ý tiết lộ danh tính của tất cả những người đã đóng góp tiền cho quỹ từ thiện của ông. Theo dự kiến, ông Clinton sẽ tiết lộ hơn 200.000 tên tuổi để tránh tình trạng xung đột quyền lợi.

Việc bổ nhiệm đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống đắc cử Obama diễn ra giữa lúc an ninh toàn cầu đang gặp những thách thức như các vụ tấn công đẫm máu ở Mumbai (Ấn Độ) và bạo lực lan tràn khắp nơi. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, thách thức quan trọng hàng đầu đang chờ đợi ông Barack Obama chính là làm sao kéo được kinh tế Mỹ ra khỏi cơn khủng hoảng hiện nay.

BĂNG CHÂU (Theo AP, Reuters)

;
.
.
.
.
.