.

Phe đảo chính Guinea thành lập Hội đồng điều hành quốc gia

.

Các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính ở Guinea, sau khi Tổng thống Lansana Conte từ trần tối thứ hai, vừa tuyên bố đã thành lập Hội đồng điều hành quốc gia. Đại tá Mussa Dadis Camara, lãnh đạo cuộc đảo chính cũng là người đứng đầu hội đồng gồm 32 thành viên, trong đó có 6 thành viên dân sự. Trước đó, đại tá Camara đã lên đài phát thanh quốc gia tuyên bố, Chính phủ và các thể chế khác đã bị giải thể. Tuy nhiên, Thủ tướng Tidiane Souare phủ nhận thông tin này và cho biết, Chính phủ vẫn tiếp tục hoạt động.

 Tổng thống Lansana Conte từ trần đẩy Guinea rơi vào khủng hoảng chính trị.

Hầu hết thành viên của Hội đồng Dân chủ và Phát triển quốc gia (CNDD) là những quan chức quân sự cấp cao, trong đó có trung tá Sekouba Konate, người đứng đầu một đơn vị quân đội tinh nhuệ. Họ cho biết, sẽ tiến hành bầu cử trong vòng 60 ngày và sẽ chỉ định Tổng thống và Thủ tướng lâm thời. Tuy nhiên, hiện tình hình ở Guinea vẫn chưa có gì rõ ràng. Người đứng đầu các lực lượng vũ trang Guinea, tướng Diarra Camara cho biết trên đài truyền hình của Pháp rằng, các lãnh đạo đảo chính không đại diện cho số đông binh sĩ. Ông nói: “Tôi cho rằng, họ chỉ là thiểu số. Họ không là đa số trong quân đội”.

Theo hiến pháp Guinea, Chủ tịch Quốc hội Aboubacar Sompare sẽ là người chịu trách nhiệm điều hành đất nước khi Tổng thống qua đời, cho đến khi một cuộc bầu cử được tiến hành trong vòng 60 ngày. Ông Sompare cũng cho biết, phần lớn quân đội không ủng hộ cuộc nổi dậy này. Và các lãnh đạo cuộc đảo chính đang cố gắng giành sự ủng hộ của đồng minh ở căn cứ quân sự Alpha Yaya Diallo tại thủ đô Conakry.

Đại tá Camara là người đứng đầu đơn vị hậu cần, cung cấp nhiên liệu cho quân đội. Ông này cho biết, Hội đồng mới sẽ loại trừ tận gốc nạn tham nhũng và tổ chức một cuộc bầu cử công bằng. Các bộ trưởng sau đó đã được yêu cầu có mặt ở căn cứ quân sự Alpha Yaya Diallo để bảo đảm an toàn cho họ, trong khi người dân được thông báo ở trong nhà và không được cướp bóc.

Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu và Mỹ cùng lên án động thái của đại tá Camara ở Guinea. “Cuộc nắm giữ quyền lực này vi phạm trắng trợn hiến pháp Guinea”, người đứng đầu Ủy ban Liên minh châu Phi Jean Ping tuyên bố. Ông này sau đó kêu gọi một cuộc họp khẩn của 53 thành viên trong khối. Pháp cho biết, họ cũng phản đối bất kỳ cuộc đảo chính nào ở Guinea, nước thuộc địa cũ của Pháp.

Còn Washington kêu gọi một cuộc chuyển giao dân chủ và hòa bình ở Guinea. Theo phóng viên BBC, các binh sĩ đã dựng các điểm kiểm soát dọc những con phố chính ở trung tâm thủ đô Conakry. Nhưng cho đến nay, chưa có thông báo nào cho thấy họ được trang bị vũ khí hạng nặng. Nhiều nhà phân tích cũng đã dự đoán rằng, quân đội sẽ cố gắng nắm quyền kiểm soát đất nước sau khi Tổng thống qua đời, do ông Conte ngày càng dựa nhiều vào quân đội trong suốt những năm cầm quyền của mình.

Bản thân ông Conte cũng lên nắm quyền  năm  1984  trong   một   cuộc đảo chính quân sự, sau khi Tổng thống Sekou Toure đột ngột từ trần. Sau đó ông đã giám sát cuộc chuyển đổi Guinea sang chế độ dân sự và được bầu lại ba lần, mặc dù theo các nhà phân tích, các cuộc bỏ phiếu không công bằng và dân chủ. Guinea là một đất nước có nguồn khoáng sản dồi dào và có khả năng trở thành một trong những nước giàu nhất châu Phi, nhưng 10 triệu người dân nước này lại nằm trong số những người nghèo nhất khu vực.

BĂNG CHÂU (Theo BBC)

;
.
.
.
.
.