.

Thái Lan tìm kiếm sự ổn định chính trị

.

Hôm nay (15-12), các nghị sĩ Thái Lan sẽ bầu Thủ tướng mới giữa lúc chính trường nước này đang bước sang giai đoạn chia rẽ sâu sắc. Cuộc bỏ phiếu lần này sẽ tìm ra người thay thế cựu Thủ tướng Somchai Wongsawat, người vừa buộc phải từ chức vì đảng của ông bị kết án gian lận trong bầu cử. Người dân Thái đang mong mỏi giải pháp chính trị được đưa ra lần này sẽ giúp đất nước chùa vàng thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 6 tháng qua, bởi các cuộc biểu tình liên miên của phe đối lập.

Ông Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập, là một trong những ứng cử viên sáng giá cho chức Thủ tướng Thái Lan.

Theo hiến pháp Thái Lan hiện hành, quốc hội phải chọn ra Thủ tướng mới trong vòng 30 ngày sau khi chính phủ bị giải tán. Lãnh đạo mới sẽ là Thủ tướng thứ năm của Thái Lan trong vòng hơn 2 năm qua. Sắc lệnh mà Quốc vương Bhumibol Adulyadej vừa ký thông qua chỉ rõ, ông đồng ý cho quốc hội họp phiên bất thường, bởi ghế Thủ tướng đang bị bỏ trống và một phần ba số nghị sĩ yêu cầu tổ chức cuộc họp khẩn này.

Hiện nay, ông Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vụ này. Ông Abhisit Vejjajiva tuyên bố rằng, ông có đủ sự ủng hộ của các nghị sĩ để trở thành Thủ tướng. “Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là kinh tế. Chúng ta cần khôi phục lại lòng tin của các nhà đầu tư, thu hút họ trở lại Thái Lan và cho họ thấy tiềm năng của nền kinh tế này”, Abhisit nói.

Tuy nhiên, sóng gió vẫn đang rình rập trên chính trường Thái Lan khi Đảng Puea Thai, gồm đa số các thành viên cũ của PPP, những người thân với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, vẫn khẳng định họ có ít nhất 220 ghế trong Hạ viện. Điều này có nghĩa rằng, ứng cử viên trong liên minh của đảng cầm quyền trước đây vẫn còn có cơ hội trở thành Thủ tướng mới. Phát ngôn viên đảng này là Pormpong Nopparit cho biết, họ sẽ bổ nhiệm một trong 5 ứng cử viên từ các đảng nhỏ trong liên minh làm Thủ tướng.

Tối 13-12, trước hơn 50.000 người ủng hộ, trong bài phát biểu được thu âm sẵn, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin đã tố cáo quân đội can thiệp vào đời sống chính trị, nhúng tay vào việc giải tán các đảng, buộc người em rể Somchai Wongsawat của ông phải từ chức. Theo kế hoạch trước đó, ông Thaksin, đang sống lưu vong ở nước ngoài, dự định muốn dùng điện thoại để vận động những người ủng hộ ông trong tình hình chính trị căng thẳng hiện nay.
 
Tuy nhiên, Ban tổ chức cho biết, kế hoạch thực hiện một đường dây điện thoại trực tiếp đã bị hủy bỏ vào phút chót. Ông Thaksin đã phải gửi đến những người ủng hộ một thông điệp ghi âm sẵn, trước khi có cuộc nói chuyện qua điện thoại với một lãnh đạo tổ chức cuộc tập hợp. Cảnh sát Thái cho biết, đã có hơn 50.000 người đến từ các nơi đổ về sân vận động quốc gia Bangkok để nghe ông Thaksin nói chuyện qua điện thoại vào 8 giờ tối (giờ địa phương). Đa số những người ủng hộ mặc áo đỏ để bày tỏ thái độ trung thành với ông này.

Mặc dầu bài phát biểu của ông Thaksin được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Thái Lan chuẩn bị bầu Thủ tướng mới, nhưng dư luận cho rằng, lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập, Abhisit Vejjajiva, vẫn có triển vọng đắc cử.

Tuy nhiên, thành phần thân cựu Thủ tướng Thaksin, tập hợp trong Đảng Puea Thai, tuyên bố vẫn còn khả năng tìm ra đủ số dân biểu ủng hộ để thành lập liên minh cầm quyền. Và tất nhiên, tình hình bất ổn chính trị ở nước này sẽ vẫn còn tiếp tục kéo dài nếu ứng cử viên trong liên minh của đảng cầm quyền trước đây đắc cử, bởi phong trào Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) chống Thaksin đã từng lên tiếng cảnh báo rằng, họ sẽ xuống đường trở lại nếu Thủ tướng mới lại là người của đảng cầm quyền trước đây. Do đó, chính trường Thái Lan có ổn định hay không vẫn còn phụ thuộc một phần vào những lá phiếu quan trọng của các nghị sĩ Thái Lan trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày hôm nay, 15-12.

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.