.

Thế giới 365 ngày nhìn lại

.

Thế giới năm 2008 với nhiều biến động về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, trong đó nổi bật nhất là khủng hoảng kinh tế, nước Mỹ lần đầu tiên có Tổng thống da màu, thực phẩm nhiễm melamine, động đất, bão Nagris…

 Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên đáng kể, riêng ở Washington tăng lên 8% vào tháng 11-2008, tháng 10 là 7,3%; ở Nevada tăng lên 8% vào tháng 11 với 112.000 người bị mất việc. (Ảnh: Reuters)

1- Khủng hoảng kinh tế lan rộng toàn cầu

Cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ “cơn địa chấn” Lehman Brothers, một trong những trụ cột của ngành ngân hàng đầu tư tại Mỹ sụp đổ.

Ngày 13-9-2008 trở thành “ngày đen tối” của Mỹ, đánh dấu sự khởi đầu của hàng loạt tin tức xấu về kinh tế. Cuộc khủng hoảng này đã lây lan ra toàn cầu. Nhiều nhà lãnh đạo tài chính quốc tế đưa ra dự báo trong năm 2009, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu chính phủ các nước không hành động hiệu quả để ngăn chặn khủng hoảng, bất chấp nền kinh tế lớn hay nhỏ.


2- Nước Mỹ lần đầu tiên có Tổng thống da màu

 

Tổng thống đắc cử Barack Obama chính thức đi vào lịch sử chính trường nước Mỹ sau khi trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên của cường quốc số một thế giới này. Ông Obama cũng được Tạp chí Time bầu chọn là “nhân vật của năm”.


3- Sóng gió trên chính trường Thái Lan

 Những người biểu tình phong tỏa sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok. (Ảnh: AFP)

Đất nước Thái Lan gần như bị tê liệt khi những người biểu tình chống chính phủ do Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) phong tỏa 2 sân bay ở thủ đô Bangkok, gây sức ép buộc Thủ tướng Somchai Wongsawat phải từ chức. Hàng trăm nghìn du khách bị mắc kẹt tại Bangkok suốt nhiều ngày liền.

Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) và 2 đảng liên minh khác bị giải tán. Đảng Puea Thai (Vì nước Thái) ra đời. Cuộc bầu cử Thủ tướng mới ngày 15-12 đã tìm ra nhà “quý tộc” 44 tuổi Abhisit Vejjajiva - Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập (DP) - làm người kế nhiệm ông Somchai.

Thủ tướng trẻ nhất của Thái Lan này sẽ phải dọn dẹp hiện trường của cơn bão chính trị kéo dài suốt từ năm 2006 đến nay.


4- Khủng bố ở Mumbai

 Nỗi đau của những người có thân nhân thiệt mạng. (Ảnh: TIME)

Cuối tháng 11-2008, Mumbai - trung tâm tài chính và kinh đô điện ảnh của Ấn Độ đã bị chấn động bởi hàng loạt vụ đánh bom của 10 tay súng, gần 500 người chết và bị thương.

Mục tiêu của bọn khủng bố là ga xe lửa chính của thành phố, các khách sạn sang trọng, nhà hàng thu hút đông khách. Tuyên bố quy trách nhiệm cho nhóm chiến binh Lashkar-e-Taiba (LeT) có căn cứ tại Pakistan làm leo thang căng thẳng giữa New Delhi và Islamabad.


5- Cuộc chiến 5 ngày Nga - Georgia

 Quân đội Georgia trong cuộc chiến ở thành phố Gori. (Ảnh: TIME)

Cuộc xung đột Nga - Georgia nổ ra đầu tháng 8-2008 sau khi Tbilisi dùng vũ lực đàn áp người gốc Nga ở các khu vực tự trị Nam Ossetia và Abkhazia thuộc Georgia, buộc Moscow đưa quân vào Georgia để bảo vệ người gốc Nga sinh sống tại đây. Xung đột đã chấm dứt nhờ thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Georgia do Pháp - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - làm trung gian.


6- An toàn thực phẩm đáng lo ngại

 Hai em nhỏ mắc sỏi thận do uống sữa nhiễm melamine được điều trị tại bệnh viện ở Lan Châu, Cam Túc, Trung Quốc. (Ảnh: THX)

Chất melamine gây sỏi thận nếu hấp thu một hàm lượng lớn đã được pha vào sữa và các sản phẩm từ sữa của Trung Quốc để tạo cảm giác có hàm lượng protein cao. Vụ scandal với 6 trẻ sơ sinh ở Trung Quốc chết do suy thận, gần 300.000 trẻ phải nhập viện sau khi dùng sữa nhiễm melamine đã gây chấn động toàn cầu.

Tháng 12-2008, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lần đầu tiên công bố giới hạn an toàn của hóa chất công nghiệp này trong thực phẩm. Theo đó, “mức hấp thụ hằng ngày cho phép” (TDI) đối với melamine là 0,2mg/kg thể trọng. Điều này có nghĩa là một người nặng 50kg có thể hấp thụ 10mg melamine mỗi ngày. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh melamine không nên có trong thực phẩm, thậm chí kể cả khi một dư lượng nhỏ là không thể tránh khỏi.

7- Hòa bình Trung Đông vẫn trong ngõ cụt

 Các chiến binh Hamas tại Dải Gaza. (Ảnh: Reuters)

Một năm qua, nỗ lực của Israel và Palestine trong việc mang lại hòa bình cho vùng Trung Đông chỉ dừng lại ở mức 2 nhà lãnh đạo gặp gỡ theo định kỳ để bàn bạc, thương lượng nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung. Người Israel vẫn tiếp tục công cuộc định cư của mình tại Bờ Tây, chính quyền của Israel và Palestine đều suy yếu và đang trong thời kỳ chuyển giao, chính sách của Israel chia rẽ các phe phái Palestine bằng việc ủng hộ Fatah, cô lập và làm suy yếu Hamas, gây bất lợi cho tiến trình đàm phán Israel-Palestine. Trong khi đó, tình trạng bạo lực vẫn gia tăng tại các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây.

8- Đàm phán về hạt nhân của CHDCND Triều Tiên bế tắc

 Đại diện các nước tham gia cuộc đàm phán tại Bắc Kinh. (Ảnh: AP)

Vòng đàm phán 6 bên cuối cùng trước khi nước Mỹ có một chính quyền mới diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 12-2008 vẫn không đạt được sự đột phá nào. Cuộc đàm phán không đưa ra được thời gian biểu cụ thể cho việc xóa bỏ chương trình hạt nhân và lấy mẫu xét nghiệm tại cơ sở Yongbyon.

Chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ là một trong những vấn đề đối ngoại gai góc mà chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Barack Obama phải gánh vác.


9- Hải tặc hoành hành trên Vịnh Aden

 Hải tặc dùng xuồng cao tốc rời tàu buôn MV Faina để tiến về bờ biển Somalia. (Ảnh: Reuters)

Vấn nạn cướp biển trong năm 2008 trở nên trầm trọng ở Vịnh Aden - nơi vẫn được coi là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Hàng chục con tàu bị hải tặc Somalia cầm giữ, trong đó có tàu chở vũ khí của Ukraine và một tàu chở 2 triệu thùng dầu của Saudi Arabia.

Giữa tháng 12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết 1851 lần đầu tiên cho phép tiến hành các chiến dịch quốc tế trên đất liền chống hải tặc Somalia.


10- Trung Quốc, Myanmar rung chuyển vì động đất và bão Nagris

 Quân đội cứu người bị thương ở Đông Nam Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Ảnh: THX)

Tháng 5-2008, trận động đất mạnh 8 độ richter tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), cướp đi sinh mạng của 88.000 người, khiến ít nhất 375.000 người bị thương và 5 triệu người bị mất nhà ở.

Trận động đất gây thiệt hại 124 tỷ USD cho nền kinh tế Trung Quốc, trong khi chi phí khắc phục hậu quả thiên tai ước tính lên tới 245 tỷ USD.

Cơn bão nhiệt đới Nargis đổ bộ vào Myanmar, khiến 138.000 người bị thiệt mạng và mất tích, 2,4 triệu người bị lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất".

Nhiều cánh đồng lúa bị hủy hoại hoàn toàn trong khi nhiều làng mạc bị “xóa sổ” trong lốc xoáy.

THIÊN BÌNH (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.